Lắng nghe ý kiến của nông dân để thiết kế sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phù hợp

Đây là chỉ đạo của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Phạm Tiến Dũng tại hội thảo "Chuyển đổi số ngân hàng, tài chính và cơ hội của nông dân" do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì ngày 13/10, tại Hà Nội.
Hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn Cho vay phát triển sản phẩm chủ lực địa phương Ngân hàng dành nguồn lực đặc biệt cho dự án nông nghiệp xanh Tăng cho vay với khách hàng là hợp tác xã
Lắng nghe ý kiến của nông dân để thiết kế sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phù hợp
Phó Thống đốc Ngân hàng NHNN Phạm Tiến Dũng phát biểu tại Hội thảo

Dự và chủ trì Hội thảo có các đồng chí Lương Quốc Đoàn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương; đồng chí Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng NHNN và lãnh đạo Bộ Công An, Bộ Thông tin và Truyền thông...

Hội thảo nằm trong chuỗi chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam năm 2023 và sự kiện Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần thứ 5 năm 2023.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho biết, chuyển đổi số trong nông nghiệp là một trong những lĩnh vực ưu tiên trong chuyển đổi số, trong đó, người nông dân là trung tâm của chuyển đổi số. Việc tham gia chuyển đổi số của nông dân góp phần không nhỏ cho thành công của Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia. Xác định chuyển đổi số với 3 trụ cột chính là Chính phủ số, Kinh tế số, Xã hội số nhằm tạo sự bứt phá mạnh mẽ về tăng năng suất, sức cạnh tranh của nền kinh tế, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước cũng như nâng cao đời sống cho người dân.

"Một trong những sứ mệnh lớn lao của chuyển đổi số là phổ cập, cá nhân hóa dịch vụ số như giáo dục, y tế, ngân hàng để hướng tới người dân. Từ đó, từ nông thôn, vùng sâu, vùng xa... đều có thể tiếp cận được dịch vụ trực tuyến một cách công bằng, văn minh và hiện đại", ông Lương Quốc Đoàn nói.

Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ Trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, NHNN phấn đấu 50% người dân sử dụng dịch vụ trên môi trường điện tử, đến 2025 có 50% quyết định cho vay nhỏ lẻ. Việc này liên quan tới hỗ trợ phát triển kinh tế vùng sâu, vùng xa, nông thôn... Với chỉ tiêu trên, NHNN hướng đến cung cấp các dịch vụ, sản phẩm số đến người dân, đặc biệt, người nông dân ở vùng sâu, vùng xa.

Lắng nghe ý kiến của nông dân để thiết kế sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phù hợp
Toàn cảnh Hội thảo

Về pháp lý, NHNN đã và đang triển khai nhiều nội dung hỗ trợ công tác này, đảm bảo các hành lang pháp lý để các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán triển khai cung cẩp dịch vụ tới người dân. Nhờ sự vào cuộc đồng bộ của các tổ chức tín dụng, tỷ lệ bao phủ cũng đã tăng trưởng mạnh với tỷ lệ xã/thị trấn có điểm cung ứng dịch vụ tài chính trên tổng số xã/thị trấn trên toàn quốc đạt 32,60%. Ứng dụng mobile banking cho phép người nông dân đăng ký, sử dụng các dịch vụ ngân hàng (tiền gửi, thanh toán, vay,...) không cần đến phòng giao dịch, chi nhánh. Ngoài ra, đã có 10,8 triệu thẻ mở bằng eKYC và 27 triệu tài khoản mở bằng eKYC (đến tháng 6/2023). Nhiều dịch vụ thanh toán mới, hiện đại (thẻ ngân hàng, QR code, ví điện tử,...) được các ngân hàng, trng gian thanh toán triển khai, cung ứng…

Đối với việc bảo mật thông tin, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường công tác quản lý rủi ro, đảm bảo an ninh, an toàn và đẩy mạnh áp dụng các biện pháp hạn chế việc mở, sử dụng tài khoản thanh toán cho mục đích gian lận, lừa đảo; triển khai hoạt động truyền thông về cơ chế, chính sách chuyển đổi số ngân hàng, xây dựng và triển khai các chương trình giáo dục tài chính trên truyền hình và các phương tiện truyền thông đại chúng. Các tổ chức tín dụng triển khai kết nối với Cở sở dữ liệu quốc gia về dân cư, ứng dụng dữ liệu dân cư.

Về giải pháp phát triển chuyển đổi số trong thời gian tới, ông Phạm Anh Tuấn cho biết, NHNN sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, khung khổ pháp lý; tiếp tục triển khai các nhiệm vụ tại kế hoạch phối hợp giữa Bộ Công an và NHNN trong việc ứng dụng dữ liệu dân cư để làm sạch dữ liệu, xác thực trực tuyến, cung ứng dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là đơn giản quy trình cho vay trên cơ sở giải pháp đánh giá khả tín khách hàng...; tiếp tục nâng cấp phát triển hạ tầng công nghệ phục vụ chuyển đổi số như hạ tầng thanh toán điện tử liên ngân hàng, hạ tầng thông tin tín dụng; ứng dụng công nghệ để phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số tiện lợi, chi phí thấp; nâng cấp, mở rộng kết nối hệ thống thanh toán, hệ sinh thái số ngành ngân hàng; tiếp tục tăng cường công tác đào tạo và tuyên truyền, giáo dục tài chính cho người dân; bố trí nguồn lực phục vụ cho chuyển đổi số…

Chia sẻ tại Hội thảo, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng khẳng định, ngành Ngân hàng không thể cung cấp dịch vụ và hoàn thành chiến lược tài chính quốc gia nếu thiếu sự tham gia của các cơ quan truyền thông khi 65% dân số sống ở nông thôn. Hiện có khoảng 100 ngân hàng, các ngân hàng này sẽ không thể tồn tại nếu không cung ứng dịch vụ trên không gian số tốt, chất lượng tốt với chi phí hợp lý và an toàn. Đây cũng là quan điểm chỉ đạo của NHNN và thực tế các ngân hàng cũng đang rất cạnh tranh trong chuyển đổi số, điều này rất khác so với các ngành kinh tế khác.

Cũng nhân dịp này, Phó Thống đốc cũng vui mừng thông báo tới bà con nông dân, bên cạnh làm tốt hoạt động thanh toán, từ ngày 1/10, NHNN đã ban hành Thông tư cho phép vay tiêu dùng trên môi trường số, khuôn khổ pháp lý để hoàn thiện quá trình cho vay này cũng đã được triển khai. NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại bên cạnh việc đánh giá khách hàng vay, khả năng trả nợ của khách hàng vay theo phương án truyền thống, NHNN cũng đang phối hợp với Bộ Công an đánh giá dưới 2 khía cạnh là xác thực khách hàng và đánh giá khách hàng dựa trên cơ sở dữ liệu trên căn cước công dân. Khi các dữ liệu trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư “giàu có” hơn với những thông tin khác, bao gồm thuế, bảo hiểm xã hội… thì ngân hàng sẽ tiến hành cho vay tín chấp nhiều hơn.

Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cũng nhấn mạnh, bên cạnh quảng bá số lượng khách hàng, địa điểm giao dịch, các ngân hàng cần tăng cường truyền thông về tính năng của các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, cái tốt và tiện cho nông dân... Các dịch vụ ngân hàng có thiết kế cho vùng sâu, vùng xa nên các ngân hàng cần lắng nghe ý kiến của bà con nông dân, doanh nghiệp ở vùng nông thôn để thiết kế các sản phẩm, dịch vụ cho phù hợp.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/lang-nghe-y-kien-cua-nong-dan-de-thiet-ke-san-pham-dich-vu-ngan-hang-phu-hop-145064.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.