Việt Nam sẽ phải nhập khẩu năng lượng sơ cấp

Ông Hoàng Việt Dũng - Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) dự báo, trong tương lai, các nguồn năng lượng sơ cấp sẽ không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ năng lượng của nền kinh tế, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu năng lượng sơ cấp phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.
Phát triển điện khí LNG là xu hướng tất yếu Vô vàn thách thức chuyển dịch cơ cấu nguồn điện Mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức
Việt Nam sẽ phải nhập khẩu năng lượng sơ cấp
Quang cảnh Diễn đàn "Triển vọng ngành năng lượng Việt Nam".

Ngày 12/10, Báo Điện tử VOV - Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn "Triển vọng ngành năng lượng Việt Nam".

Nhu cầu điện đến năm 2030 sẽ tăng gấp đôi

Theo ông Hoàng Việt Dũng - Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), nhu cầu năng lượng trong nước tăng khoảng 10% trong giai đoạn 2001-2010, khoảng 7% trong giai đoạn 2011-2019. Trong khi nhu cầu về điện tăng 13%/năm trong giai đoạn 2001-2010 và khoảng 9,71% trong giai đoạn 2011-2021.

Ông Dũng cho rằng, trong tương lai, các nguồn năng lượng sơ cấp sẽ không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ năng lượng của nền kinh tế, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu năng lượng sơ cấp phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội.

Theo ông Vương Quốc Thăng - Đại biểu Quốc hội, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hoá và hiện đại hoá, vì thế việc phát triển bền vững luôn gắn chặt đến an ninh năng lượng quốc gia.

Thời gian qua, tiêu thụ năng lượng của Việt Nam tăng tương đối nhanh. Trong đó tiêu thụ năng lượng cuối cùng giai đoạn 2016 - 2020 bình quân với tốc độ khoảng 6,8%/năm. Tỷ trọng của tiêu thụ điện năng trong cơ cấu tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng cũng tăng từ 25,7% từ năm 2015 lên 28,4% vào năm 2020. Tuy vậy, kết cấu hạ tầng của ngành năng lượng phát triển tương đối nhanh.

Hiện nay, quy mô nguồn điện Việt Nam đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á và thứ 23 trên thế giới. Yêu cầu sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường đang từng bước được quản lý tốt hơn, nhưng hiệu quả sử dụng vẫn còn nhiều bất cập.

Hiệu quả sử dụng năng lượng nói chung và điện năng nói riêng trong phát triển kinh tế còn thấp hơn so với các nước trong khu vực và thế giới. Nhu cầu tiêu thụ năng lượng trên GDP khá cao, cao hơn 2 lần so với các nước phát triển.

Dự báo, dân số Việt Nam có thể sẽ tăng lên khoảng 104 triệu người vào năm 2030, quy mô nền kinh tế cũng sẽ tăng trưởng khoảng 7%/năm từ nay đến năm 2030, do đó, nhu cầu về năng lượng sẽ tiếp tục tăng nhanh.

Ông Vương Quốc Thăng cho rằng, nhu cầu điện dự kiến đến năm 2030 sẽ tăng gấp đôi hiện nay. Phát triển kinh tế vẫn chủ yếu dựa trên các ngành tiêu thụ nhiều năng lượng nhưng hiệu quả sử dụng năng lượng vẫn chưa được cải thiện rõ rệt. Trong khi đó trữ lượng và sản xuất than, dầu và khí tự nhiên đã và đang suy giảm dần hàng năm; các nguồn thủy điện lớn và vừa đã được khai thác gần hết tiềm năng và dư địa. Đây cũng là một trong những thách thức với an ninh năng lượng của chúng ta.

Chuyển đổi năng lượng gặp nhiều thách thức

Theo TS Chử Đức Hoàng - Chánh Văn phòng Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ), việc phụ thuộc vào một số ít quốc gia sản xuất dầu mỏ, than đá và khí tự nhiên có thể tạo ra những rủi ro về an ninh năng lượng, nhất là khi xảy ra xung đột chính trị hoặc kinh tế. Đối mặt với những thách thức về sử dụng năng lượng truyền thống, việc chuyển đổi sang năng lượng sạch là một giải pháp thiết yếu.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Cường - Đại diện Tập đoàn T&T cho rằng phát triển điện gió ngoài khơi (ĐGNK) đang gặp phải nhiều khó khắn thách thức.

Việc khai thác nguồn ĐGNK vẫn còn là một ngành công nghiệp mới ở Việt Nam, mức độ thành công của nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong số đó yếu tố quan trọng nhất vẫn là làm sao hoạch định sớm được một khuôn khổ pháp lý với các cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư đủ mạnh và thuyết phục, đặc biệt là trong giai đoạn đầu thực hiện phát triển 6 GW đến năm 2030 làm nền móng và trụ đỡ vững chắc cho mở rộng phát triển mạnh mẽ sau năm 2030.

Cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có đầy đủ công cụ pháp lý đủ mạnh, chẳng hạn như Luật hoặc thấp hơn là Nghị định về phát triển năng lượng tái tạo. Phần lớn các văn bản về thể chế và chính sách đã ban hành trong thời gian qua hoặc được lồng ghép vào các quyết định, hoặc chiến lược...

Chính vì thiếu công cụ pháp lý mạnh nên dẫn đến một số hạn chế trong việc khai thác tài nguyên ổn định và bền vững. Chẳng hạn như Quyết định số 39 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển điện gió đã hết hiệu lực được 2 năm nhưng đến nay vẫn chưa có cơ chế nối tiếp đã gây ra tình trạng gián đoạn, đứt gãy.

Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn thiếu kinh nghiệm trong phát triển ĐGNK. Không giống như điện mặt trời và điện gió trên bờ, ĐGNK đại diện cho các công trình hạ tầng quy mô lớn, và do đó có rủi ro về đầu tư rất lớn đối với các nhà phát triển và đầu tư dự án.

Ông Cường cho biết, các nhà đầu tư lớn nước ngoài đang đề xuất đầu tư ĐGNK tại Việt Nam cần quan tâm đến việc chuyển giao công nghệ tại Việt Nam. Mục tiêu thành lập các trung tâm R&D nghiên cứ phát triển công nghệ về ĐGNK tại Việt Nam. Các Nhà đầu tư nước ngoài lớn cũng cần kéo theo các nhà sản xuất lớn để hướng tới sản xuất các hợp phần thiết bị của ĐGNK tại Việt Nam để giảm giá thành.

Để đảm bảo an ninh năng lượng, ông Hoàng Việt Dũng đề nghị cần rà soát, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách cũng như hỗ trợ kỹ thuật và tài chính nhằm thúc đẩy các dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Đặc biệt, Việt Nam cũng cần nghiên cứu xây dựng trung tâm dữ liệu năng lượng, cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin về năng lượng và sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/viet-nam-se-phai-nhap-khau-nang-luong-so-cap-145024.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.