Xanh hóa ngành công nghiệp

Thời gian gần đây, trong định hướng thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, nhiều địa phương ở miền Trung đã ưu tiên lựa chọn các dự án đầu tư công nghiệp xanh, bền vững, thân thiện với môi trường.

Lựa chọn công nghiệp xanh

Đơn cử tại Quảng Nam, hiện trên địa bàn toàn tỉnh có 13 khu công nghiệp đang hoạt động, trong đó 10 khu công nghiệp thuộc Khu kinh tế mở Chu Lai, với tổng diện tích 2.711,89 ha; 3 khu công nghiệp nằm ngoài Khu kinh tế mở Chu Lai có tổng diện tích 716,76ha... Theo ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, việc phát triển công nghiệp là định hướng lớn trong việc phát triển kinh tế của địa phương. Các ngành công nghiệp cũng đã mang lại những thành công cho địa phương về thu ngân sách, giải quyết việc làm cho người lao động…

Theo quy hoạch đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, Quảng Nam sẽ phát triển thêm khoảng 20.000 ha cụm công nghiệp và khu công nghiệp trên toàn tỉnh. Cũng theo ông Hồ Quang Bửu, đối với các khu công nghiệp mới, tỉnh sẽ định hướng phát triển theo hướng sinh thái, bảo vệ môi trường. Những khu công nghiệp đã hiện hữu, tỉnh sẽ điều chỉnh theo hướng tăng cường thêm nhiều cây xanh và giảm bê tông. Đồng thời, ưu tiên thu hút các doanh nghiệp sản xuất xanh, công nghiệp cơ khí, dược liệu và ứng dụng công nghệ cao.

Xanh hóa ngành công nghiệp

Ở địa phương lân cận là Đà Nẵng, việc “xanh hóa” ngành công nghiệp cũng đang được thành phố quan tâm thực hiện. Chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần khẳng định “Không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế”. Tương tự như Quảng Nam, Đà Nẵng cũng đã từng từ chối 2 dự án FDI có tổng vốn đầu tư lên đến gần 4 tỷ USD (xây dựng nhà máy thép của nhà đầu tư Đài Loan và nhà máy bột giấy của nhà đầu tư Nhật Bản) để bảo vệ môi trường. Sau đó, lãnh đạo địa phương này cũng tiếp tục từ chối thêm một số dự án nhà máy khác như khu liên hợp dệt nhuộm với tổng vốn đầu tư hàng trăm triệu USD… Đến nay, sau nhiều nỗ lực các chỉ số môi trường tại Đà Nẵng đã đạt những kết quả khả quan. Cụ thể, 100% nước thải công nghiệp đạt yêu cầu khi xả thải; tỷ lệ thu gom nước thải sinh hoạt năm đạt trên 83%. Khu công nghiệp Hòa Khánh đã được chọn thí điểm thực hiện mô hình khu công nghiệp sinh thái...

Đối diện nhiều thách thức

“Xanh hóa”, để phát triển bền vững là xu thế chung của kinh tế toàn cầu. Tại nhiều địa phương trong nước mô hình khu công nghiệp xanh, sinh thái cũng không còn là mới mẻ… Tuy vậy, cũng như các địa phương khác việc “xanh hóa” công nghiệp ở Quảng Nam hay Đà Nẵng đang gặp nhiều thách thức.

Thực tế hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp tại Đà Nẵng cũng như Quảng Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí là siêu nhỏ. Bởi vậy, nguồn lực còn hạn chế, rất khó khăn để đầu tư vốn chuyển đổi công nghệ mới. Nhất là sau dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã cạn vốn, thiếu đơn hàng. Nguồn kinh phí hạn hẹp nên các doanh nghiệp chưa thể đầu tư máy móc thiết bị, chấp nhận sử dụng máy móc, công nghệ đã lạc hậu, tiêu tốn nhiên liệu, năng lượng, lượng phát thải ra môi trường còn lớn.

Theo đại diện Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Khu công nghệ cao Đà Nẵng, qua thí điểm mô hình khu công nghiệp sinh thái tại khu công nghiệp Hòa Khánh, nổi lên hai khó khăn lớn đó là tỷ lệ doanh nghiệp áp dụng các giải pháp RECP (hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn) còn thấp, chưa đến 20%. Bên cạnh đó, việc mở rộng các mô hình cộng sinh công nghiệp còn hạn chế, việc xây dựng hệ thống tuần hoàn chất thải còn yêu cầu nhiều thủ tục pháp lý. Trong khi đó, theo đề án “Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường” giai đoạn 2021 - 2030, Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2025, có ít nhất 1 khu công nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn khu công nghiệp sinh thái theo tiêu chuẩn quốc gia; đến năm 2030 có từ 2 đến 3 khu công nghiệp sinh thái đạt tiêu chuẩn.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/xanh-hoa-nganh-cong-nghiep-144950.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.