Thúc đẩy hợp tác đầu tư, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp

Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong đó có TP. Hồ Chí Minh được xác định có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Đồng thời, đây cũng là nơi được quy hoạch trở thành vùng trọng điểm nông nghiệp với nhiều sản phẩm chủ lực, nhất là lúa, tôm, cá tra, trái cây...
Sản phẩm nông nghiệp: Muốn xuất khẩu bền vững phải bằng đường chính ngạch Tập trung phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực

Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.Hồ Chí Minh cho biết, việc hợp tác giữa thành phố với các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Không ít doanh nghiệp của thành phố đã tìm kiếm được cơ hội và lợi ích khi đầu tư tại Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là trong các lĩnh vực du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp. Các chương trình xúc tiến thương mại, hội nghị kết nối giao thương ngày càng được mở rộng cả về quy mô và hiệu quả mang lại. Số lượng địa phương, doanh nghiệp tham gia ngày càng tăng, các biên bản ghi nhớ, hợp đồng kinh tế được các bên ký kết ngày càng nhiều.

Ngược lại, doanh nghiệp các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng trưng bày, giới thiệu sản phẩm, tham gia kết nối với các nhà phân phối TP.Hồ Chí Minh, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp giới thiệu những sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP, góp phần đẩy mạnh kết nối giao thương giữa các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long với TP.Hồ Chí Minh.

Các địa phương đưa sản phẩm OCOP và sản phẩm nông nghiệp chủ lực vào chuỗi cửa hàng trên các kênh thương mại
Các địa phương đưa sản phẩm OCOP và sản phẩm nông nghiệp chủ lực vào chuỗi cửa hàng trên các kênh thương mại

“Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp hợp tác đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực sản xuất và sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực ngày càng sâu rộng. Tuy nhiên, doanh nghiệp tại các tỉnh, thành tại Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang gặp phải không ít khó khăn, hạn chế trong việc đưa các sản phẩm vào hệ thống phân phối, siêu thị tại TP.Hồ Chí Minh. Chính vì thế, rất cần tháo gỡ các nút thắt, rào cản giữa doanh nghiệp sản xuất và phân phối để hai bên cùng hợp tác; khơi thông, mở ra không gian phát triển mới, không bị giới hạn. Để làm được điều này, đòi hỏi không chỉ các cơ quan quản lý mà doanh nghiệp cũng phải coi đây là nhiệm vụ của mình và nỗ lực hình thành chuỗi sản xuất - kinh doanh đầu tư và phát triển, gắn kết sản xuất với phân phối và tiêu dùng…”, ông Hiệp thông tin thêm.

Các chuyên gia nhận định, để tiếp tục triển khai hiệu quả các hoạt động kết nối giao thương trong thời gian tới, TP.Hồ Chí Minh tiếp tục phát huy vai trò hợp tác, phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đẩy mạnh kết nối trực tuyến, phát huy các giải pháp ứng dụng thương mại điện tử trong kết nối giao thương, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ cả trong môi trường trực tiếp và trực tuyến. Cùng với đó, các địa phương cần đẩy mạnh kết nối, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, thiết lập kênh phân phối trực tuyến, xuất khẩu. Đặc biệt, tập trung vào các sản phẩm có tính nội địa hóa và tính đặc trưng địa phương, phát huy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của các bên góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội giữa TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, thúc đẩy hợp tác đầu tư, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nói riêng.

Ông Bùi Văn My, Phó tổng giám đốc Tổng Công ty nông nghiệp Sài gòn TNHH MTV chia sẻ, cần đẩy mạnh hợp tác đầu tư hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ nông sản, các hoạt động kết nối cung cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản của các địa phương tại thị trường trong nước và quốc tế. Theo đó, cần phát triển mạnh thương mại điện tử trong kinh doanh tiêu thụ nông sản; Có sự liên kết chặt chẽ với các tỉnh, thành đưa sản phẩm OCOP và sản phẩm nông nghiệp chủ lực vào chuỗi cửa hàng trên các kênh thương mại truyền thống, thương mại điện tử và các điểm du lịch tại thành phố và các tỉnh, thành trong vùng.

“Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần hỗ trợ thông tin trong các khâu của chuỗi cung ứng nông sản; hỗ trợ cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi, liên kết hình thành vùng sản xuất sản phẩm đạt chứng nhận an toàn thực phẩm, chứng nhận GAP, sản phẩm đạt chứng nhận OCOP gắn với chế biến, tiêu thụ theo chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản. Đồng thời có cơ chế thu hút các nhà đầu tư sản xuất, sơ chế, chế biến nông sản và các trung tâm đầu mối về nông nghiệp gắn với vùng chuyên canh, tăng cường kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm tại các trung tâm logistics, các chợ đầu mối nông sản tại thành phố. Đẩy mạnh hợp tác xúc tiến thương mại mở rộng thị trường gắn với phát triển hệ thống trung tâm logistics nông nghiệp cấp vùng, kết nối với các trung tâm logistics nông nghiệp xuất khẩu”, ông My nêu ý kiến.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/thuc-day-hop-tac-dau-tu-tieu-thu-san-pham-nong-nghiep-144842.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.