Ngân hàng tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp xuất, nhập khẩu

Để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu tiết giảm chi phí, tối đa hóa hiệu quả kinh doanh, các ngân hàng đã miễn, giảm nhiều loại phí dịch vụ như: phí nhờ thu và chuyển tiền quốc tế, thanh toán tín dụng thư (L/C)…
Ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp xuất nhập khẩu Nhóm hàng chủ lực tăng tốc, xuất khẩu Việt Nam có tín hiệu khởi sắc

Eximbank vừa thông báo từ tháng 10 đến hết năm 2023, ngân hàng này sẽ miễn giảm 20 loại phí dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu sử dụng dịch vụ chuyển tiền quốc tế qua kênh trực tuyến. Doanh nghiệp thực hiện các giao dịch thanh toán quốc tế như chuyển tiền, phát hành L/C, mua bán ngoại tệ trên kênh online được xử lý tiện lợi, nhanh chóng, bảo mật cao. Trong khi MSB cho vay vốn thông qua hình thức chiết khấu bộ chứng từ L/C xuất khẩu. Khi sử dụng dịch vụ này doanh nghiệp sẽ được giảm phí tài trợ thương mại, chuyển tiền quốc tế, miễn phí quản lý tài khoản, dịch vụ ngân hàng trực tuyến, nộp thuế điện tử, hải quan điện tử. Hay SHB đang cung cấp sản phẩm chiết khấu bộ chứng từ xuất khẩu cho doanh nghiệp với thời gian kéo dài đến 6 tháng, áp dụng cho rất nhiều sản phẩm như tín dụng thư trả ngay, trả chậm, tín dụng thư trả ngay có thể trả chậm (L/C UPAS), chuyển nhượng thư tín dụng, nhờ thu trả ngay, nhờ thu trả chậm, giao chứng từ nhận tiền ngay. Tại VietinBank nếu khách hàng sử dụng sản phẩm ngân hàng trực tuyến eFAST sẽ được miễn phí mở tài khoản thanh toán, ưu đãi phí tài trợ thương mại và thanh toán quốc tế; đặc biệt doanh nghiệp nhập khẩu được ưu đãi mua ngoại tệ quy định của NHNN…

Vietcombank - ngân hàng có thị phần tài trợ xuất nhập khẩu lớn nhất Việt Nam với doanh thu phí xuất nhập khẩu hàng năm trên 100.000 tỷ đồng, cũng đang áp dụng nhiều ưu đãi đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến hàng xuất khẩu. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, thị phần thanh toán xuất nhập khẩu lớn của ngân hàng là các doanh nghiệp nằm trong khu vực Đông Nam bộ đang chiếm tới 33%. Ngân hàng đang triển khai các gói tín dụng ưu đãi với lãi suất cho vay ngoại tệ ngắn hạn khoảng trên dưới 3%/năm; cho vay theo hình thức giải ngân bằng tiền đồng (dịch vụ hoán đổi) cho doanh nghiệp trả tiền thu mua tôm, cá, cà phê, hồ tiêu… Đổi lại, ngân hàng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp thu tiền hàng hóa xuất khẩu và doanh nghiệp bán lại ngoại tệ cho ngân hàng.

Có thể thấy thời điểm này các ngân hàng đồng loạt tung ra các gói tín dụng ưu đãi và miễn, giảm nhiều loại phí cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khi họ bước vào đợt cao điểm thực hiện các đơn hàng cuối năm trên thị trường quốc tế phục vụ cho Lễ Giáng sinh, lễ mừng năm mới 2024. Trên thị trường hiện nay, hoạt động cho xuất khẩu rất sôi động, dựa trên thế mạnh của từng ngân hàng. Theo đó, Vietcombank có thế mạnh tập trung tài trợ vào các doanh nghiệp chế biến; VietinBank có nhóm khách hàng các đại lý, Agribank tập trung vào cho vay hộ nông dân sản xuất hàng xuất khẩu… Hoạt động tài trợ xuất khẩu còn có sự tham gia mạnh mẽ từ nhóm NHTMCP như VIB, TPBank, MSB, ACB…

Ông Phan Tuấn Ngọc, Phó giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Sản xuất Hồng Ngọc (An Giang) cho biết, doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu bắt đầu có hợp đồng trở lại, dù đơn hàng hiện nay chưa phục hồi hoàn toàn so với trước dịch Covid-19, song quan trọng là doanh nghiệp đã được sự hỗ trợ tích cực của Agribank để nhà máy đi vào hoạt động phục vụ các đơn hàng xuất khẩu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng tích cực tham gia nhiều hội chợ, hội nghị quốc tế để tìm kiếm, mở rộng thị trường. “Trung bình một tháng công ty xuất khẩu khoảng 30 công hàng, trong bối cảnh sức cầu tiêu dùng thế giới giảm khiến hàng xuất khẩu giảm cả về kim ngạch và giá trị nên việc được ngân hàng hỗ trợ sẽ giúp doanh nghiệp có điều kiện trang trải cái chi phí khác trong hoạt động sản xuất kinh doanh”, ông Ngọc nói thêm.

Một số doanh nghiệp thủy sản khác cho biết thị trường Mỹ đang nhập khẩu tôm khá tốt, là cơ hội thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu cuối năm. Trong khi đó, bà Ngô Tường Vy, Giám đốc Công ty Chánh Thu cho biết, xuất khẩu sầu riêng vào thị trường Trung Quốc rất hiệu quả; và thời gian tới có thể thị trường này sẽ chấp thuận nhập khẩu chính ngạch mặt hàng bưởi da xanh. Theo bà Vy, doanh nghiệp cần nhất là nhận được sự hỗ trợ kịp thời của ngân hàng do các sản phẩm nông sản có tính thời vụ nên không thể chậm trễ. Theo quy định hiện hành của NHNN, trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND là 4%/năm; bên cạnh đó NHNN cũng yêu cầu các TCTD ưu tiên vốn cho một số lĩnh vực trong đó có doanh nghiệp xuất khẩu và các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên cạnh các chương trình tín dụng ưu đãi chung, tuỳ theo phân khúc khách hàng và chiến lược kinh doanh, mỗi TCTD lại có chương trình ưu đãi riêng, đặc biệt các NHTM rất tích cực tham gia gói tín dụng trị giá 15.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi đối với lĩnh vực thủy sản.

Theo Nghiên cứu thị trường và kinh tế toàn cầu của UOB vừa phát hành, nhiều số liệu cho thấy các hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ khởi sắc khi xuất khẩu tháng 9, tăng 4,6% so với cùng kỳ sau 6 tháng giảm liên tiếp. Nhập khẩu cũng cho thấy xu hướng tương tự, tăng 2,6% so với cùng kỳ trong tháng 9 sau 10 tháng giảm liên tiếp. Một lý do khác cho các điều kiện có xu hướng cải thiện hơn nữa là dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục đổ vào Việt Nam. Các doanh nghiệp nước ngoài tiếp tục cam kết đầu tư vào Việt Nam trong làn sóng phi toàn cầu hóa, giảm thiểu rủi ro và chuyển dịch chuỗi cung ứng hiện nay. Theo các chuyên gia kinh tế, sức cầu phục hồi trở lại sau một thời gian khó khăn. Do đó, doanh nghiệp nên tận dụng tối đa sự hỗ trợ của ngân hàng để giảm thiểu rủi ro và tăng tốc doanh số xuất khẩu trong những tháng cuối năm.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/ngan-hang-tang-cuong-ho-tro-doanh-nghiep-xuat-nhap-khau-144643.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.