![]() |
Ủy ban TVQH xem xét, cho ý kiến dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) |
Về cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa (khoản 7 Điều 46), dự thảo Luật thiết kế 02 phương án liên quan đến điều kiện cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất trồng (trừ trường hợp thuộc hàng thừa kế). Phương án 1: Trong mọi trường hợp, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng, tặng cho đất trồng lúa đều phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa.
Phương án 2: Khi nhận chuyển nhượng đất trồng lúa quá hạn mức giao đất nông nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 176 Luật này thì phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa theo quy định.
Chủ nhiệm UBKT Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến trong UBKT nhất trí Phương án 1 để bảo đảm quản lý nghiêm ngặt đất trồng lúa, tránh việc trục lợi chính sách nhận chuyển nhượng đất trồng lúa; một số ý kiến tán thành Phương án 2.
Về quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền hằng năm (Điều 34). Trên cơ sở rà soát của các cơ quan, dự thảo Luật thiết kế 02 phương án: Phương án 1: Tiếp thu ý kiến ĐBQH, không quy định đơn vị sự nghiệp công tập sử dụng đất thuê trả tiền hằng năm có quyền bán, quyền thế chấp và quyền góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất thuê và quyền thuê trong hợp đồng thuê.
Phương án 2: Giữ quy định như tại dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, đơn vị sự nghiệp công lập thuê đất trả tiền hằng năm có đầy đủ quyền như tổ chức kinh tế thuê đất trả tiền hằng năm.
Về tiền thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm (khoản 3 Điều 154), để giúp nhà đầu tư tính toán được chi phí đầu tư, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp khi thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm, dự thảo Luật thiết kế 02 phương án: Phương án 1: Giữ quy định như dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, quy định tiền thuê đất phải nộp được điều chỉnh tăng không quá 15% so với chu kỳ trước đó.
Phương án 2: Giao Chính phủ quy định mức trần tỷ lệ điều chỉnh tăng tiền thuê đất cho chu kỳ tiếp theo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ để bảo đảm tính linh hoạt trong quá trình Chính phủ điều hành nền kinh tế.
Thường trực UBKT đề nghị tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện theo hướng giao Chính phủ quy định chi tiết nhưng không quá mức trần tỷ lệ điều chỉnh tăng quy định tại Luật (tổng CPI của giai đoạn trước đó).
Về các phương pháp định giá đất (Điều 159), tiếp thu ý kiến ĐBQH, về các phương pháp định giá đất, dự thảo Luật lồng ghép phương pháp chiết trừ vào phương pháp so sánh, không còn là một phương pháp định giá độc lập; bổ sung trở lại phương pháp thặng dư.
Thường trực UBKT cho rằng đây là nội dung quan trọng, vì vậy, cần có đề xuất chính thức của Chính phủ. Theo một số ý kiến trong Thường trực UBKT, nội hàm các phương pháp đã có sự thay đổi so với quy định của pháp luật hiện hành, vì vậy, chưa có cơ sở thực tiễn để đánh giá tính hợp lý về nội hàm và nguyên tắc áp dụng các phương pháp xác định giá đất, do đó đề nghị chỉ quy định tên phương pháp và giao Chính phủ quy định chi tiết…
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị UBKT tiếp tục chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Pháp luật cũng như các cơ quan hữu quan tiếp tục rà soát kỹ lưỡng dự thảo luật, đảm bảo các cái yêu cầu: thể chế hóa đầy đủ chủ trương lớn của Đảng về quản lý, sử dụng đất đai, đặc biệt là các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp được nêu tại Nghị quyết 18, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao, trong đó tập trung vào 8 nhiệm vụ và giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý và sử dụng đất đồng bộ thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Bảo đảm hoàn toàn thành mục tiêu đến năm 2023 hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và một số luật liên quan bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý thể chế hóa những vấn đề chính đã rõ và có quyết sách của Trung ương. Với những nội dung chưa được tổng kết, chưa được đề cập Nghị quyết 18 nhưng đến nay thực tiễn phát sinh đòi hỏi cần có cơ chế xử lý. Quá trình nghiên cứu, đánh giá tác động cho thấy có cơ sở Chính phủ nhận định cần thiết bổ sung quy định thì đề nghị Ban cán sự đảng Chính phủ có ý kiến chính thức để báo cáo Bộ Chính trị.
Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5.
Đối với các vấn đề còn ý kiến khác nhau, đề nghị UBKT chủ trì, phối hợp với các cơ quan rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, thận trọng xây dựng Bộ tiêu chí cũng như lựa chọn phương án tối ưu để báo cáo Quốc hội. Trường hợp có từ hai phương án trở lên thì cần có thuyết minh, lập luận cho từng phương án đánh giá cụ thể căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn cũng như tác động của từng phương án. Tuy nhiên, cần tối ưu hóa để báo cáo Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6…
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/tiep-tuc-xem-xet-cac-noi-dung-lon-con-y-kien-khac-nhau-trong-luat-dat-dai-sua-doi-144443.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.