Hướng đến thương hiệu xuất khẩu xanh

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư công nghệ để xuất khẩu các dòng sản phẩm thân thiện với môi trường. Từ đó tạo được dấu ấn với nhiều đối tác và thâm nhập được vào các thị trường khó tính.
Thúc đẩy phát triển công trình xanh Xanh hóa ngành ngân hàng cho mục tiêu phát triển bền vững

“Hộ chiếu” mới của hàng hóa

Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) thông tin, kể từ tháng 1/2007, sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đánh dấu sự hội nhập toàn diện của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới, đến nay Việt Nam đã ký kết và thực thi 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) và hiện có 3 FTA đang tiếp tục được đàm phán. Điều này đem lại những cơ hội xuất khẩu, thương mại, đầu tư tốt nhất cho doanh nghiệp.

Đáng chú ý là, các FTA mà Việt Nam tham gia ký kết đều đặt ra các tiêu chuẩn về chất lượng hàng hóa, môi trường, đáp ứng xu hướng tiêu dùng mới hiện nay. Trong một khảo sát về hành vi tiêu dùng của KPMG tại 11 quốc gia cho thấy, 64% người tiêu dùng muốn hiểu được các ảnh hưởng đến môi trường của sản phẩm trước khi thực hiện hành vi mua sắm, 86% người tiêu dùng muốn được sử dụng các sản phẩm có khả năng tái sử dụng, tái chế tốt hơn.

Theo các chuyên gia, việc tuân thủ luật chơi mới về tiêu chuẩn chất lượng, môi trường không chỉ là trách nhiệm mà còn yêu cầu bắt buộc với các doanh nghiệp nếu muốn khai thác kênh xuất khẩu, tận dụng các FTA. Ông Ngô Chung Khanh cho rằng, doanh nghiệp cần có định hướng xanh hóa, số hóa, phát triển bền vững, và phải xác định đó là những yếu tố sống còn của doanh nghiệp.

Ông Trần Văn Quy, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty TNHH Dệt may Trung Quy cho biết, doanh nghiệp đã đầu tư 180 tỉ đồng vào nhà xưởng 10.000m2, đồng bộ công nghệ tiên tiến từ khâu nhuộm dệt đến hoàn tất sản phẩm nên có thể chuyển đổi 100% công suất, sản xuất khoảng 300 tấn vải hữu cơ một tháng cho các nhãn hàng. Nhu cầu thị trường có tín hiệu tốt cho dòng sản phẩm mới, công ty đã phát triển 20 loại vải khác có nguồn gốc hữu cơ, sẵn sàng sản xuất khi khách hàng tăng nhu cầu. Với những đơn hàng mới, doanh nghiệp kỳ vọng sản phẩm xanh, thân thiện môi trường sẽ có thể tăng lên và chiếm khoảng 30% sản lượng kinh doanh trong năm nay.

Tương tự, ông Võ Trung Hiếu, Giám đốc Kinh doanh quốc tế Vinamilk cho biết, hiện nay hầu hết các đối tác ở các nhóm thị trường phát triển đều đã đưa ra các yêu cầu liên quan đến phát triển bền vững. Do đó, doanh nghiệp đã và đang tiếp tục chủ động chuyển đổi phương thức hoạt động, tăng cường đầu tư trang thiết bị, chú trọng đào tạo phát triển nhân lực, tích cực chuyển đổi số và chuyển đổi xanh nhằm thích ứng với điều kiện mới. Việc nhận định và đánh giá khá sớm sự quan trọng của “hộ chiếu xanh” và yếu tố phát triển bền vững ở những thị trường cao cấp đã giúp doanh nghiệp đạt được những kết quả bước đầu tương đối khả quan. Ví dụ ở thị trường châu Úc, Vinamilk đã tăng trưởng doanh số hơn 10% mỗi năm, sản phẩm được phân phối tại các chuỗi siêu thị lớn Costco, Woolworths, Coles, Aldi, Foodstuff… và liên tục có các dự án về phát triển sản phẩm mới, tăng cường cho thị trường này.

Hàng hóa xuất khẩu tuân thủ các tiêu chí xanh sẽ được nhiều thị trường đón nhận
Hàng hóa xuất khẩu tuân thủ các tiêu chí xanh sẽ được nhiều thị trường đón nhận

Dẫn dắt và liên kết để thành công

Mặc dù các doanh nghiệp Việt Nam đã có những chuyển đổi tích cực trong xây dựng thương hiệu xuất khẩu xanh song về tổng thể, Bộ Công thương đánh giá, vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa thích ứng kịp thời những yêu cầu, quy định mới về xuất khẩu xanh, xuất khẩu bền vững vào các thị trường lớn. Chia sẻ về những khó khăn, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HUBA) cho biết, bản thân mỗi doanh nghiệp sẽ phải chịu sức ép rất lớn về tài chính, kỹ thuật, công nghệ, thị trường… khi chuyển đổi xanh.

Hiện những doanh nghiệp không đáp ứng được “rào cản xanh” rất khó tiếp cận đơn hàng.

Một số thị trường xuất khẩu đang có xu hướng gia tăng yêu cầu về chất lượng, đặc biệt trong lĩnh vực môi trường với hàng hóa nhập khẩu. Đơn cử, Liên minh châu Âu (EU) đã phê duyệt Thỏa thuận xanh với mục tiêu giảm 55% phát thải khí nhà kính vào năm 2030 so với năm 1990 và hướng tới mục tiêu rất tham vọng là đạt được phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) sẽ được EU thí điểm áp dụng giai đoạn chuyển tiếp từ ngày 1/10/2023 và thực hiện đầy đủ từ năm 2026…

Do đó, ông Nguyễn Duy Minh, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam cho rằng, địa phương cần chủ động trong vai trò dẫn dắt và liên kết vùng trong chiến lược chuyển đổi xanh, nghiên cứu mô hình chuyển đổi xanh cho từng ngành; hỗ trợ đào tạo doanh nghiệp đạt được các chứng chỉ xanh như LEED…; nghiên cứu về cơ chế CBAM, tín chỉ carbon để tạo lợi thế cạnh tranh cho xuất khẩu với các thị trường trọng điểm như EU, Nhật, Mỹ...

Về phía doanh nghiệp, theo các chuyên gia, cần nhanh chóng chuyển đổi sang mô hình sản xuất hiện đại, chú trọng tới yếu tố môi trường và phát triển bền vững, đồng thời với chuyển đổi số và áp dụng các công nghệ mới trong sản xuất. Việc chuyển đổi xanh cần được tiến hành theo kế hoạch, quy trình cụ thể nhằm đảm bảo cả uy tín doanh nghiệp và cân bằng lợi ích kinh doanh.

Đề xuất một số giải pháp trong một hội thảo diễn ra gần đây, ông Đinh Sỹ Minh Lăng, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương) cho rằng, các doanh nghiệp cần tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu, yêu cầu của nước sở tại, thậm chí là thói quen tiêu dùng, sở thích của người dân như hàng hóa thân thiện với môi trường, có thể tái sử dụng, dán nhãn carbon, có chứng nhận tự nguyện về môi trường, đảm bảo về lao động…

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/huong-den-thuong-hieu-xuat-khau-xanh-144363.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.