Mạnh tay xử lý tội phạm rửa tiền Quy chế phối hợp phòng, chống tội phạm rửa tiền và tài trợ khủng bố Ngăn ngừa rủi ro tội phạm rửa tiền |
Chia sẻ tại Hội nghị, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, Luật Phòng, chống rửa tiền được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ tháng 3/2023, ngay sau đó Chính phủ đã ban hành Nghị định 19/2023/NĐ-CP qui định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền và Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 09/2023/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền.
![]() |
Toàn cảnh Hội nghị |
Quá trình xây dựng Luật, Nghị định và Thông tư, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam luôn phối hợp chặt chẽ với đơn vị soạn thảo đặc biệt là Cục Phòng, chống rửa tiền Ngân hàng Nhà nước để tham gia góp ý, tổ chức hội thảo, toạ đàm với sự tham gia của các chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế. Nhiều tổ chức quốc tế đã phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng tổ chức toạ đàm, hội thảo với nhiều nội dung liên quan đến phòng, chống rửa tiền, và đặc biệt các TCTD, các danh nghiệp, tổ chức, cá nhân rất quan tâm, vì vậy có buổi hội thảo cả trực tiếp và trực tuyến lên đến hơn 1.000 người tham dự, điều đó chứng tỏ các TCTD, các doanh nghiệp và cá nhân quan tâm đến phòng, chống rửa tiền. Trên cơ sở đó Hiệp hội Ngân hàng đã tổng hợp ý kiến góp ý về dự thảo Luật, Nghị định, Thông tư về phòng, chống rửa tiền. Nhiều ý kiến đã được tiếp thu và sửa đổi. Do đó, Luật, Nghị định, Thông tư được ban hành với nhiều nội dung phù hợp với thực tiễn để các tổ chức, cá nhân liên quan thực thi có hiệu quả.
![]() |
Ông Nguyễn Quốc Hùng phát biểu tại Hội nghị |
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Quốc Hùng, cách đây hơn 1 tháng, Hiệp hội Ngân hàng đã phối hợp với Cục Phòng, chống rửa tiền tổ chức hội thảo với chủ đề “Rủi ro tội phạm tài chính/rửa tiền mà các tổ chức tín dụng đối mặt và chia sẻ giải pháp, kinh nghiệm triển khai” với thành phần là các tổ chức hội viên để trao đổi thẳng thắn những hành vi gian lận, rửa tiền, khó khăn của ngành ngân hàng, các TCTD trong phòng, chống rửa tiền và đề xuất các giải pháp phát huy hiệu quả cao nhất trong việc phòng và chống rửa tiền trên cơ sở tuân thủ theo qui định pháp luật được ban hành và theo thông lệ quốc tế.
Như vậy, có thể thấy trước, trong, sau khi ban hành Luật, Nghị định Thông tư về phòng, chống rửa tiền, Hiệp hội Ngân hàng, các TCTD , Ngân hàng Nhà nước đã trao đổi thảo luận, toạ đàm, góp ý dưới nhiều hình thức với mục đích các qui định pháp luật ban hành được thực thi một cách hiệu quả nhất.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Đoan Hùng nhấn mạnh, ngành công nghệ chuỗi khối (Blockchain) đã mở ra một kỷ nguyên mới về công nghệ và tác động sâu rộng tới nhiều lĩnh vực của nền kinh tế nhờ các tính năng quan trọng như tính bảo mật và quyền riêng tư.
Trên thực tế, công nghệ blockchain đã được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực, từ tài chính ngân hàng, đến thương mại điện tử, chăm sóc sức khỏe, thể thao giải trí, bảo hiểm, logistics và nhiều ngành dịch vụ khác.
Báo cáo của Grand View Research cho biết dù rất non trẻ nhưng thị trường công nghệ chuỗi khối toàn cầu sẽ đạt giá trị hơn 1.400 tỷ USD vào năm 2030 với Tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là gần 86%/năm trong giai đoạn 2022 - 2030.
Theo ông Nguyễn Đoan Hùng, sự tăng trưởng mạnh mẽ này không chỉ mang lại những lợi ích đặc biệt về kinh tế, xã hội mà còn tạo ra các tồn tại vô hình và thách thức trong công tác quản lý, đặc biệt là đối với các hoạt động rửa tiền xuyên biên giới.
Rửa tiền là hành vi tội phạm được định nghĩa là việc hợp pháp hóa các tài sản do phạm tội mà có. Theo Văn phòng Ma túy và Tội phạm trực thuộc Liên hợp quốc, tổng giá trị hoạt động rửa tiền trên toàn cầu mỗi năm có thể ngang bằng 2-5% GDP toàn thế giới, tương đương 800 - 2.000 tỷ USD và đây là một ước tính được đánh giá còn khá khiêm tốn.
"Đặc biệt, rửa tiền thường liên quan đến việc buôn bán vũ khí bất hợp pháp, tài trợ khủng bố, buôn người, tham ô, giao dịch nội gián, đánh bạc hay các đường dây mại dâm xuyên biên giới do các tội phạm có tổ chức quy mô lớn thực hiện. Vì vậy, công tác phòng chống rửa tiền là ưu tiên của tất cả các quốc gia trên thế giới, bao gồm Việt Nam từ rất sớm", ông Nguyễn Đoan Hùng khẳng định.
Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng trên trường quốc tế cùng với sự bùng nổ công nghệ thông tin, bên cạnh những thành tựu đạt được theo nhận định của ông Nguyễn Quốc Hùng, Việt Nam phải đối diện với nhiều hình thức, phương thức, thủ đoạn của tội phạm để thực hiện hành vi rửa tiền ngày càng tinh vi, phức tạp nhất là đối với lĩnh vực tiền kỹ thuật số, tiền ảo (tiền mã hoá) nơi mà hành lang pháp lý chưa hoàn thiện đầy đủ. Những năm gần đây tiền mã hoá được sử dụng để thanh toán song không loại trừ có cả hành vi rửa tiền thông qua giao dịch loại tiền này.
![]() |
Ông Nguyễn Đoan Hùng chia sẻ tại Hội nghị |
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đoan Hùng cho biết, khi công nghệ blockchain ra đời, kéo theo đó là nguy cơ gia tăng tội phạm tài chính, rửa tiền sử dụng công nghệ cao theo chiều hướng tinh vi, phức tạp và tốc độ nhanh chóng thì phần lớn các quốc gia đều chưa có hành lang pháp lý theo kịp sự thay đổi này.
Tại Việt Nam, do chưa có khung pháp lý cụ thể, đồng thời do thiếu hụt về quy trình, nhân sự chất lượng cao về tiền mã hóa và tài sản số nên mặc dù Luật Phòng chống rửa tiền 2022 đã có hiệu lực từ 1/3/2023 nhưng các TCTD, các cơ quan nhà nước còn lúng túng trong việc xử lý các hành vi có liên quan đến loại hình tài sản mới này.
Trước tình hình đó, từ đầu năm 2023, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã công bố dự án Chống lừa đảo với tên gọi là ChainTracer, một trong bốn chương trình trọng điểm, hợp tác với Công ty Doanh nghiệp xã hội Chống Lừa Đảo. Nhiệm vụ của ChainTracer là cung cấp giải pháp theo dõi dữ liệu blockchain onchain và offchain, phát hiện những dấu hiệu gian lận trong tài sản kỹ thuật số, và trở thành cầu nối cho người dùng tài sản truyền thống khi chuyển sang sở hữu tài sản số dựa trên công nghệ blockchain. Mục đích của ChainTracer là nhằm thúc đẩy tính minh bạch và công khai của các dự án tại Việt Nam và quốc tế, góp phần phòng chống tội phạm công nghệ cao liên quan đến hoạt động blockchain. Đồng thời, đây cũng là nơi để cộng đồng kiểm tra tính minh bạch của một dự án blockchain, cho phép giám sát chủ động và giúp tránh xung đột lợi ích trong cung cấp thông tin.
"Tuy nhiên, hành động của riêng Hiệp hội Blockchain Việt Nam là không đủ để thực thi các hoạt động phòng chống rửa tiền một cách hiệu quả mà cần thay đổi nhận thức, tầm nhìn từ chính các lãnh đạo ngân hàng, tổ chức tài chính và sự quyết liệt từ các cơ quan quản lý nhà nước. Để làm được điều đó, Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho rằng cần có cái nhìn toàn diện về nguy cơ rửa tiền trong giao dịch tài sản số, cách thức phòng chống rửa tiền hiện nay và chung tay phòng chống rửa tiền cùng cơ quan ban ngành", ông Nguyễn Đoan Hùng bày tỏ kỳ vọng.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/toi-pham-rua-tien-ngay-cang-tinh-vi-phuc-tap-144129.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.