Thêm động lực cho lộ trình phổ biến xe điện

Khởi nguồn cho xu hướng này tại thị trường Việt Nam phải kể đến sự hợp tác giữa Ahamove và VinFast vào tháng 12/2022. Mục tiêu của Ahamove sẽ đưa 10.000 xe máy điện vào hoạt động đến năm 2025, từng bước thay thế các mẫu xe máy xăng và các loại xe không đảm bảo chất lượng, gây ảnh hưởng môi trường.

Gần đây nhất, Gojek cũng công bố hợp tác với Selex Motors để triển khai thí điểm sử dụng xe máy điện Selex Motors trong các dịch vụ vận chuyển hành khách, giao đồ ăn và dịch vụ giao hàng tại Việt Nam. Theo tính toán, các tài xế có thể tiết kiệm lên đến 35% chi phí nhiên liệu và 50% chi phí bảo trì so với xe máy chạy bằng xăng truyền thống.

Có thể thấy, điểm chung của những thương vụ hợp tác trên đều diễn ra giữa doanh nghiệp đặt xe công nghệ và doanh nghiệp sản xuất xe điện. Một số doanh nghiệp cùng cho rằng, việc hợp tác này nhằm tiết kiệm chi phí vận hành cho tài xế, phát triển phương tiện giao thông không khói, đáp ứng xu hướng giảm lượng khí thải carbon ra môi trường.

Các thương vụ hợp tác này cũng giúp lộ trình chuyển đổi sang xe điện, năng lượng xanh tại Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quyết định 876/QĐ-TTg sớm thành hiện thực. Theo số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện cả nước cũng mới có gần 1,8 triệu mô tô-xe máy điện hoạt động, phục vụ nhu cầu dân sinh hàng ngày. Trong khi đó, theo lộ trình, đến năm 2025, 100% xe buýt thay thế sử dụng điện; năm 2030, 100% taxi thay thế sử dụng điện; 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới sử dụng điện, năng lượng xanh.

Tuy mới nở rộ với mục đích tốt đẹp là hướng đến thân thiện, bảo vệ môi trường nhưng nhìn trong dài hạn sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn. Một chuyên gia phân tích, việc thiếu cơ sở hạ tầng sạc và giá cả đắt đỏ, cao hơn khoảng 30% đến 50% so với xe máy xăng thông thường sẽ là thách thức không nhỏ để phổ biến xe điện đến người dùng tại Việt Nam trong tương lai. Hiện những nơi được áp dụng đa phần đều ở các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.

Phân tích kỹ hơn về thách thức phổ biến xe điện, ông Nguyễn Hữu Phước, nguyên Giám đốc điều hành Selex Motors cho rằng, nhà sản xuất xe điện phải giải được bài toán làm ra những chiếc xe điện thiết thực về hiệu suất, chất lượng như một chiếc xe xăng. Thứ hai là thời gian sạc điện cho xe của tài xế xe ôm công nghệ. Hiện thời gian sạc đầy pin của các mẫu xe máy điện phổ biến trên thị trường Việt Nam dao động từ 3 đến 7 tiếng. Do đó, muốn phát triển xe điện, Việt Nam cần phát triển một hạ tầng năng lượng mới, tương tự như hệ thống cây xăng cho xe dùng nhiên liệu hóa thạch.

Ngoài ra, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng, việc phát triển xe điện phụ thuộc vào 3 trụ cột chính là khung khổ pháp lý; chính sách hỗ trợ của các quốc gia; các biện pháp khuyến khích bổ sung để gia tăng doanh số bán xe điện và số lượng các mẫu xe điện và giảm giá pin, trong đó chính sách đóng vai trò hàng đầu.

Đấy là giải pháp lâu dài, còn trước mắt, các chuyên gia cho rằng, chiến lược kết hợp giữa nhà sản xuất xe điện và các ứng dụng gọi xe vẫn cần thời gian để thấy được hiệu quả rõ rệt. Hy vọng, với sự gia nhập rầm rộ gần đây, trong tương lai sẽ có nhiều hơn nữa những chiếc xe điện thay thế xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch trên các đường phố tại Việt Nam.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/them-dong-luc-cho-lo-trinh-pho-bien-xe-dien-144022.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.