Doanh nghiệp có thể đóng góp tích cực hơn để sớm đạt mục tiêu “net zero”

Ông Phạm Đặng An, Phó Tổng giám đốc Vũ Phong Energy Group cho biết, hệ thống điện mặt trời trên mái nhà máy Công ty CP Tập đoàn Kim Đức (Long An) đi vào vận hành từ năm 2021, có tổng công suất 2,22 MWp, sử dụng 4.937 tấm pin năng lượng mặt trời Longi hiệu suất cao, 8 bộ inverter 110kW và 13 bộ inverter 75kW của thương hiệu SMA.
Tiến đến Net Zero: Sẽ có sàn giao dịch tín chỉ các-bon Thúc đẩy tín dụng xanh tiến đến Net Zero

Hệ thống được phát triển theo phương án hợp tác mua bán điện PPA (Power Purchase Agreement), do Quỹ đầu tư Ecoligo (CHLB Đức) làm chủ đầu tư, Vũ Phong Energy Group cung cấp dịch vụ Tổng thầu (EPC) và vận hành bảo dưỡng (O&M).

Đây là mô hình hợp tác linh hoạt mà Vũ Phong Energy Group tiên phong triển khai tại Việt Nam, giúp các doanh nghiệp được sử dụng năng lượng sạch để phục vụ hoạt động sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn xanh mà không cần bỏ vốn đầu tư và vận hành hệ thống. Khi cho Energy Group lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà máy, doanh nghiệp sẽ được mua và sử dụng điện mặt trời với giá thấp hơn đến 20-30% so với giá điện thông thường trong suốt thời gian dài. Kết thúc hợp đồng, doanh nghiệp có thể nhận chuyển giao hệ thống miễn phí với hiệu suất cam kết trên 80-90% tùy điều kiện.

“Tập đoàn Kim Đức hoạt động trong lĩnh vực sản xuất bao bì, túi vải không dệt, túi hộp, gia công, in ấn sản phẩm nhựa các loại, hiện là nhà cung cấp cho các tập đoàn bán lẻ lớn trên thế giới tại Mỹ, Canada, Pháp, Anh, Đức… Đồng hành với mục tiêu sử dụng năng lượng tái tạo và đạt lượng phát thải ròng bằng 0 của Chính phủ Việt Nam, Kim Đức đã lựa chọn sử dụng điện mặt trời như một trong các giải pháp bền vững, vừa giảm tác động đến môi trường, đồng thời giúp tiết kiệm chi phí về lâu dài. Với công suất 2,22 MWp, chỉ tính riêng trong năm 2022, hệ thống đã tạo ra sản lượng khoảng gần 2.600 MWh điện, giúp giảm phát thải khoảng 1.900 tấn CO2, tương đương gần 31.000 cây xanh được trồng trong 10 năm. Điện mặt trời tạo ra từ hệ thống cũng đóng góp khoảng 12-13% lượng điện tiêu thụ của nhà máy”, ông An chia sẻ.

Cần ban hành những cơ chế chính sách hỗ trợ cụ thể trong việc thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng tái tạo
Cần ban hành những cơ chế chính sách hỗ trợ cụ thể trong việc thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng tái tạo

Trong xu thế chung toàn cầu về phát triển bền vững, đặc biệt trong bối cảnh các thị trường lớn đang tăng cường áp dụng các cơ chế, chính sách về giảm phát thải, thúc đẩy đầu tư cho năng lượng sạch hơn, thì việc tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo, giảm phát thải khí nhà kính trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của nhiều doanh nghiệp.

Tại Quy hoạch điện VIII, Chính phủ Việt Nam đặt ra mục tiêu phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện, đạt tỷ lệ khoảng 30,9-39,2% vào năm 2030, định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5-71,5%. Trong đó, việc phát triển điện mặt trời là nguồn điện có giá rẻ nhất sẽ được ưu tiên phát triển trong thời gian tới. Trong đó, ưu tiên phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) để tăng khả năng tự cung cấp điện cho các hộ gia đình, dự kiến đến năm 2030 sẽ có khoảng 50% các tòa nhà công sở, cơ quan, nhà máy, xí nghiệp và 50% nhà dân sử dụng ĐMTMN.

Bàn về vấn đề này, TS. Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo, Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) nhận định, để các doanh nghiệp có thể đóng góp tích cực hơn và đồng hành để Việt Nam sớm đạt được mục tiêu “net zero” (giảm phát thải ròng bằng 0), cần ban hành những cơ chế chính sách hỗ trợ cụ thể trong việc thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng tái tạo. Tạo sự đồng thuận và tích cực tham gia của người dân, doanh nghiệp, cộng đồng trong sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng và chuyển đổi năng lượng phấn đấu tỷ lệ năng lượng tái tạo đạt 47%.

Cùng với đó, nỗ lực hành động để chuyển đổi năng lượng, sản xuất và sử dụng năng lượng sạch trở thành hoạt động thường xuyên, liên tục của các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng và toàn dân. Xây dựng khung pháp lý dài hạn, phù hợp lộ trình giảm thiểu mức phát thải ròng về 0; chuyển đổi mạnh mẽ từ khai thác, sử dụng năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước phát triển chế tạo, sản xuất, bảo dưỡng thiết bị năng lượng tái tạo.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/doanh-nghiep-co-the-dong-gop-tich-cuc-hon-de-som-dat-muc-tieu-net-zero-143933.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.