Chia sẻ về sự kiện này, TS.NSND Phạm Anh Phương - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam cho biết, với mong muốn để nghệ thuật múa lan tỏa trong cộng đồng theo cách hiện đại, giúp mọi người không chỉ ở vị thế thưởng thức mà trở thành người cùng tham gia, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam quyết định tổ chức Tuần lễ múa Việt Nam thường niên, với nhiều hoạt động trải dài, quy mô toàn quốc.
Còn biên đạo múa Tuyết Minh - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam, tác giả ý tưởng tổ chức Tuần lễ múa Việt Nam nhìn nhận, trong các năm qua, các sự kiện, chương trình múa xã hội hóa ngày càng thu hút đông đảo công chúng Việt Nam. Bên cạnh các cuộc thi có tính chuyên môn cao, các chương trình thương mại khác như: Thử thách cùng bước nhảy, Bước nhảy hoàn vũ, Nhóm nhảy siêu Việt… giúp khán giả yêu hơn, thông cảm hơn và muốn được thưởng thức múa nhiều hơn, thông qua việc khai thác tài năng và các câu chuyện cảm động về nghề múa.
Tuần lễ múa Việt Nam sẽ là sự kiện múa thường niên lớn nhất, quy tụ đông đảo nghệ sĩ, người yêu múa chuyên nghiệp và không chuyên, ở nhiều lứa tuổi, nhiều địa phương, trong nước và quốc tế. Đây cũng sẽ là cơ hội để các nghệ sĩ múa, những người sáng tạo, thực hành, sáng tác về múa, các môn nghệ thuật khác liên quan đến múa và chuyển động gặp gỡ nhau, so tài, giao lưu, gắn kết nhằm tìm ra hướng phát triển và các mô hình hoạt động hiệu quả cho sự phát triển bền vững của nghệ thuật múa. Các nghệ sĩ múa trong nước và quốc tế gặp nhau, trao đổi kinh nghiệm thông qua phần Liên hoan (Festival) và tranh tài (Competition).
![]() |
Tuần lễ Múa Việt Nam mong muốn tôn vinh vẻ đẹp của múa dân tộc Việt Nam với thế giới |
Tuần lễ múa Việt Nam 2023 dành cho tất cả các nghệ sĩ chuyên nghiệp, không chuyên đang sinh sống ở Việt Nam, kể cả người nước ngoài. Các nghệ sĩ dự thi theo hình thức tập thể hoặc cá nhân ở 4 hạng tuổi: Thiếu nhi (6-9 tuổi), thiếu niên (10-18 tuổi), người lớn (trên 18), người cao tuổi (hơn 50). Ngoài ra, Tuần lễ múa sẽ mở rộng dành cho cả đối tượng là các cá nhân/tổ chức quốc tế thông qua giới thiệu, tuyển lựa của các Đại sứ quán, Lãnh sự quán, Viện Văn hoá các nước có mối quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
Các sự kiện Tuần lễ múa Việt Nam năm 2023 diễn ra từ ngày 15/7 đến 29/10, gồm 2 nội dung: Cuộc thi Tác phẩm múa dân gian dân tộc toàn quốc (Competition) và Liên hoan múa Việt Nam - quốc tế (Festival). Các nội dung được tổ chức 3 vòng: Vòng sơ khảo - Thử thách video 24 giây (hình thức trực tuyến), từ ngày 15-17/9. Vòng bán kết (hình thức trực tuyến) vào ngày 22/9. Vòng chung kết được tổ chức tại 2 khu vực: phía Nam từ ngày 19-22/10 và phía Bắc từ ngày 26-29/10.
Trọng tâm của Tuần lễ múa Việt Nam năm nay là hơn 1.000 nghệ sĩ, vũ công, người yêu nhảy múa tham gia giới thiệu và phổ biến vũ điệu “Tay trong tay”; các cuộc tranh tài hạng mục nhảy múa và chuyển động như: Ballet & neo classic, đương đại, hiphop, jazz, pop dance, dân gian dân tộc, quốc tế… và cả những hạng mục liên quan đến múa khác như: ấn phẩm, nhiếp ảnh, sách, phim, tác phẩm thị giác, công trình nghiên cứu…
Với thông điệp “Hội tụ và tỏa sáng tương lai”, thông qua các hoạt động, Tuần lễ Múa Việt Nam mong muốn tôn vinh vẻ đẹp của múa dân tộc Việt Nam với thế giới và hội nhập tinh hoa của nghệ thuật múa thế giới. Qua đó, gắn kết những nghệ sĩ múa, người yêu múa, yêu nghệ thuật chuyển động trong nước và quốc tế đến với Việt Nam; phát triển những tài năng múa ở nhiều lứa tuổi, đặc biệt là những tài năng nhí, truyền tải vẻ đẹp của múa đến với khán giả… Tuần lễ Múa Việt Nam đồng thời cũng tạo sự gắn kết giữa nghệ sĩ múa với nghệ sĩ ở các lĩnh vực khác nhau để mở ra những khả năng hợp tác mới trong nước và quốc tế. |
Biên đạo múa Tuyết Minh cho biết, tính chuyên nghiệp mà Ban tổ chức muốn tìm kiếm từ Tuần lễ múa lần này ngoài tài năng, kỹ thuật, trình độ biểu diễn còn là sự năng động của nghệ sĩ. So với các loại hình nghệ thuật khác đang khá nhạy bén trong việc bắt kịp với công nghệ để quảng bá, sáng tạo phát triển nghề nghiệp thì các nghệ sĩ múa có vẻ còn khá “lạc hậu”. Bởi vậy, trong nội dung thi ngay ở vòng sơ khảo video 24 giây, nghệ sĩ phải thể hiện được mình là ai, mình ở đâu? Tiêu chí mình là ai thể hiện theo thể loại, ngôn ngữ múa nào; tiêu chí mình ở đâu, phải gắn kết được địa danh văn hóa, vùng văn hóa để khi sản phẩm đó được lan tỏa trên nền tảng số giới thiệu được bản sắc văn hóa vùng, miền mà các thí sinh trên toàn quốc cống hiến, cũng là cách quảng bá văn hóa, du lịch, con người Việt Nam qua nghệ thuật múa.
Mặc dù là lần đầu tổ chức, song BTC cũng mong muốn sân chơi này sẽ được tổ chức thường niên để tạo cho nghệ thuật múa Việt Nam có một “thương hiệu”. Thương hiệu đó là cứ đến tháng 10 nghệ sĩ múa trong nước và quốc tế, người yêu nghệ thuật múa, nhảy múa có một địa chỉ để tới trải nghiệm, giao lưu, thể hiện vẻ đẹp của nghệ thuật múa tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam cũng xác định kết nối lại, đặt mối quan hệ ngoại giao với các đại sứ quán, trung tâm văn hóa các nước tại Việt Nam. Bằng nghệ thuật múa, bằng ngôn ngữ không biên giới để chia sẻ, đặt mối quan hệ ngoại giao, hiểu biết lẫn nhau tạo sự gắn kết. Qua nghệ thuật múa gắn bản sắc văn hóa, chia sẻ cái đẹp của nghệ thuật múa từ các vùng văn hóa để hiểu biết nhau nhiều hơn. Từ đó cũng mở ra cơ hội được trao đổi, học tập giữa Việt Nam và quốc tế. “Từ chuỗi sự kiện này, Hội mong muốn lắng nghe những ý kiến cũng như tìm ra những mô hình, sự kết nối giữa múa với các nghệ thuật khác như: Điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh... để hướng đến những tuần lễ múa tiếp theo sẽ tạo nên “thị trường” kéo những nhà sản xuất, đạo diễn, lãnh đạo nhà hát trong nước và quốc tế tới mở cơ hội hợp tác mới cho nghệ thuật múa”, biên đạo múa Tuyết Minh bày tỏ.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/co-hoi-cho-thi-truong-mua-chuyen-nghiep-143839.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.