Hỗ trợ các TCTD cho vay phát triển nông nghiệp – nông thôn Hà Nội phân bổ 250 tỷ đồng cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân Đẩy mạnh cho vay phát triển nhân lực có kỹ năng nghề |
Nghìn tỷ được giải ngân từ kết nối ngân hàng - doanh nghiệp
Theo NHNN chi nhánh tỉnh Tiền Giang, từ đầu năm đến nay các TCTD trên địa bàn đã tổ chức đợt 4 hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp. Trong đợt thứ tư này, các TCTD đã chủ động bắt tay với các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực trồng, chế biến xuất khẩu sầu riêng, nhằm tìm kiếm giải pháp tăng thêm nguồn vốn đối với loại cây trồng có thế mạnh tại các huyện Cai Lậy, Châu Thành và Cái Bè.
Bà Nguyễn Thị Đậm, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Tiền Giang cho biết, sầu riêng hiện đang là một trong những loại cây trồng có giá trị cao được tỉnh khuyến khích phát triển. Toàn tỉnh này có khoảng 17.600 ha sầu riêng được đầu tư với sản lượng khoảng trên 60.000 tấn/năm. Vì thế, nhu cầu vốn cho các vùng trồng sầu riêng là khá lớn. Theo thống kê của các ngân hàng tại Tiền Giang, đến giữa năm 2023, chỉ riêng địa bàn các huyện Cai Lậy, Châu Thành và Cái Bè, các TCTD đã cho vay gần 2.900 tỷ đồng đối với lĩnh vực sầu riêng. Dư nợ đối với loại cây trồng này chiếm tỷ trọng khá lớn tại địa bàn các huyện kể trên.
Tương tự, ông Phạm Văn Trịnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Bình Thuận cho hay, từ đầu năm đến nay, ngoài việc tăng cường cho vay vào các nhóm lĩnh vực ưu tiên, các ngân hàng địa phương này cũng đầu tư khá mạnh cho các lĩnh vực lợi thế theo định hướng phát triển của tỉnh. Cụ thể, tính đến hết tháng 6/2023, dư nợ cho vay riêng đối với cây thanh long đã đạt gần 6.500 tỷ đồng (tăng 7,6% so cuối 2022), dư nợ cho vay phát triển du lịch cũng đạt gần 1.400 tỷ đồng (tăng 6,7% so cuối năm 2022). “Đây đều là các lĩnh vực tỉnh Bình Thuận chỉ đạo đẩy mạnh hỗ trợ phát triển, bên cạnh lĩnh vực thủy hải sản vốn được các ngân hàng hỗ trợ vốn rất mạnh theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP thời gian vừa qua”, ông Trịnh cho biết.
Tại các tỉnh thành khác như Đồng Tháp, An Giang, Sóc Trăng, Cà Mau hoạt động cho vay các lĩnh vực có lợi thế tại địa phương cũng đã phát triển khá mạnh. Chẳng hạn tại Đồng Tháp - địa phương có diện tích nuôi cá tra, cá ba sa lớn nhất cả nước, hiện các NHTM đang cho vay khoảng 12.800 tỷ đồng đối với các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu và hộ nuôi cá da trơn. Trung bình mỗi tháng dư nợ lĩnh vực thủy sản tại Đồng Tháp đều tăng khoảng 100 tỷ đồng.
Tại Cà Mau, NHNN địa phương đã liên tục chỉ đạo các TCTD tại tỉnh này tập trung nguồn vốn và duy trì hạn mức cho vay đối với các doanh nghiệp nuôi, chế biến xuất khẩu tôm. Cà Mau cũng đã tổ chức cho các TCTD kết nối với các doanh nghiệp ngành thủy sản nhằm đẩy nhanh triển khai gói tín dụng 15.000 tỷ đồng, cho vay theo Công văn số 5631/NHNN-TD.
![]() |
Cho vay phát triển sản phẩm có thế mạnh tại địa phương tạo điều kiện để các ngân hàng đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ tài chính |
Lồng ghép hiệu quả các nguồn tín dụng hỗ trợ
Theo bà Nguyễn Thị Đậm, việc các ngân hàng tăng cường kết nối cho vay đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông hộ trồng, chế biến xuất khẩu sầu riêng cũng chính là cho vay ưu tiên hỗ trợ xuất khẩu (một trong 5 lĩnh vực ưu tiên cho vay), bởi 70% sản lượng sầu riêng tại Tiền Giang hiện nay là phục vụ xuất khẩu đi các thị trường Trung Quốc và các nước khác.
Thực tế, khi triển khai đề án tái cấu trúc ngành kinh tế nông nghiệp, các địa phương đều xác định các cây trồng, vật nuôi, lĩnh vực chủ lực để ưu tiên phát triển đang được nhiều tỉnh thành triển khai. Việc tập trung phát triển một số nhóm cây trồng, vật nuôi chủ lực cũng tạo ra cơ hội để nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng ưu tiên cho vay.
Đơn cử tại Đồng Tháp, địa phương này xác định 5 loại cây trồng vật nuôi chính là lúa gạo, cây-hoa cảnh, xoài, cá tra và vịt. cả 5 lĩnh vực này thời gian qua đều được các ngân hàng đầu tư nguồn vốn tín dụng khá lớn. Chẳng hạn, tính đến cuối tháng 8/2023, dư nợ cho vay ngành cá tra tại Đồng Tháp đạt khoảng 12.800 tỷ đồng, dư nợ cho vay ngành lúa gạo cũng đạt 12.600 tỷ đồng. Tại Bến Tre, đối với ngành đặc sản dừa và các sản phẩm OCOP khác, hệ thống Agribank cũng đã đầu tư khoảng 4.600 tỷ đồng cho các cơ sở sản xuất kinh doanh trong năm vừa qua.
Theo các NHTM, việc cho vay đối với các nhóm lĩnh vực có thế mạnh tại các địa phương diễn ra khá thuận lợi và tỷ lệ rủi ro thấp. Bởi đa số các lĩnh vực mà địa phương ưu tiên phát triển đều tập hợp nhóm các doanh nghiệp lớn và uy tín. Và khi địa phương thúc đẩy phát triển thì các doanh nghiệp cũng chủ động tạo dựng được nền tảng tài chính, xây dựng được vùng nguyên liệu và tổ chức được các mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm.
Ngoài ra, một số tỉnh thành cũng có chính sách hỗ trợ một phần lãi suất vay vốn từ ngân sách địa phương, đồng thời chủ động trong việc kết nối các doanh nghiệp nhóm ngành chủ lực với hệ thống ngân hàng. Vì thế cơ hội tiếp cận vốn của các nhóm ngành hàng chủ lực khá rộng mở. Đối với các ngân hàng, từ việc phát triển cho vay đối với các lĩnh vực đặc sản, đặc thù địa phương cũng có điều kiện đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ, đồng thời lồng ghép và tranh thủ hiệu quả hơn đối với các chương trình tín dụng ưu đãi mà Chính phủ và NHNN chỉ đạo thực hiện.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/cho-vay-phat-trien-san-pham-chu-luc-dia-phuong-143823.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.