Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng nhưng không bằng mọi giá |
Tiềm năng có nhưng chưa tận dụng được nhiều
Cách đây hơn một thập kỷ (giai đoạn những năm 2010), cánh phóng viên chúng tôi khi đi tới hội nghị, hội thảo nào cũng đều thấy một tâm thế hồ hởi, bởi trong hầu hết các nhận định liên quan đến kinh tế vĩ mô và triển vọng Việt Nam, các chuyên gia, các CEO của các ngân hàng nước ngoài lớn hay đại diện nhiều tổ chức quốc tế đều viện dẫn rất nhiều yếu tố, nền tảng thuận lợi để đi đến nhận định, Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng rất lớn. Một con số rất cụ thể mà chúng tôi thường được nghe là mức tăng trưởng tiềm năng khoảng 7% (tăng trưởng GDP thực tế giai đoạn này đâu đó quanh khoảng 6,5%). Dù tiềm năng ấy không mau chóng được hiện thực hóa bởi những tác động ngấm dần từ cuộc khủng hoàng tài chính toàn cầu 2008 cũng như những yếu kém nội tại trong nước bắt đầu bộc lộ, nhưng sau đó cũng đạt được vào các năm sau đó (giai đoạn 2017-2019), trước khi cú sốc đại dịch Covid làm đảo lộn nhiều điều.
![]() |
Tháng 8/2023, hoạt động xuất khẩu và mua hàng đều tăng trở lại |
Nhìn lại tăng trưởng kinh tế Việt Nam qua mỗi giai đoạn 10 năm từ thập niên 1990 đến nay sẽ thấy khá nhiều điều đáng suy nghĩ. Giai đoạn 1991-2000, tăng trưởng GDP bình quân đạt 7,6%/năm; giai đoạn 2001-2010 đạt 7,2%/năm và 2011-2020 đạt bình quân 6%. Thực tế ấy cho thấy, tiềm năng tăng trưởng mà các chuyên gia, tổ chức nói tới ở trên là có thật, và đã có những thời điểm chúng ta đã chạm tới (như năm 2017 tăng trưởng GDP đạt 6,94%; năm 2018 đạt 7,47%; năm 2019 đạt 7,36%). Tuy nhiên, những “thời khắc lóe sáng”, tăng trưởng đạt và vượt tiềm năng như vậy là rất hiếm hoi và con số tăng trưởng bình quân chỉ hơn 6%/năm trong cả giai đoạn 2011-2020 đã phần nào nói lên điều đó. Dù vẫn có những năm tăng trưởng bật lên, nhưng về cơ bản là xu hướng giảm dần nếu nhìn lại 3 thập kỷ qua (từ 1990 đến 2020).
Trở về thập kỷ hiện tại, 3 năm vừa qua mức tăng trưởng trung bình chỉ đạt 4,48% (tốc độ tăng GDP các năm 2020-2022 lần lượt là: 2,87%; 2,56%; 8,02%). Như vậy, ngay cả với giả thiết tích cực là năm nay có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% thì bình quân hai năm 2024-2025, tăng trưởng GDP phải đạt 7,76%/năm mới có thể đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm là 6,5% - mức cận dưới của mục tiêu 6,5-7% mà Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 đặt ra, cũng là cận dưới của mục tiêu 6,5-7% theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII cho chặng đường 2021-2030.
Hiện thực hóa tiềm năng phải đi cùng cải cách
Thế nên không phải ngẫu nhiên những năm gần đây tần suất các ý kiến cho rằng, tăng trưởng đang giảm tốc xuống dưới mức tiềm năng ngày càng nhiều lên, đòi hỏi phải có những chính sách chủ động để phục hồi tăng trưởng tiềm năng. Trong bối cảnh những khó khăn, bất định bên ngoài tiếp diễn và kéo dài, một nền kinh tế có độ mở lớn và vẫn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Việt Nam sẽ rất khó để có được các mức tăng trưởng cao 7 - 8%/năm một cách liên tục trong những năm tới. Quan trọng hơn là ngay trong nội tại, rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra các động lực tăng trưởng hiện nay đã “tới hạn” nên rất khó để thúc đẩy tăng trưởng hơn nữa nếu vẫn dựa vào mô hình cũ.
Theo PGS.TS. Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học (Đại học Kinh tế Quốc dân), một trong những nguyên nhân chính khiến xu hướng tăng trưởng giảm là do chúng ta thiếu các chính sách,
tầm nhìn dài hạn (các chính sách trọng cung). Đặc biệt trong thập kỷ hiện tại, các chính sách cải cách môi trường kinh doanh, cải cách DNNN, các chính sách khuyến khích đầu tư của khu vực tư nhân, thúc đẩy khoa học công nghệ… chưa rõ nét và mang tính quyết liệt, dài hạn. Thực tế này nếu không thay đổi sẽ khiến xu hướng tăng trưởng trung bình của nền kinh tế tiếp tục bị thấp dần, khó đạt được các mục tiêu đặt ra. Trong đó, một dấu mốc quan trọng đặt ra là sau 22 năm nữa - năm 2045, vào dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước - Việt Nam trở thành nước phát triển, nằm trong nhóm nước có thu nhập cao.
Do đó đòi hỏi cần có những đột phá trong cả ngắn và trung hạn để phục hồi tiềm năng tăng trưởng. Lưu ý rằng, thời điểm mà các chuyên gia nhắc nhiều đến tiềm năng tăng trưởng cao của Việt Nam cách đây hơn 10 năm – cũng là giai đoạn mà hơn 60% dân số Việt Nam đang ở độ tuổi dưới 30, một thời kỳ dân số vàng để tận dụng những gì là tốt nhất. Tương lai 2 thập kỷ tới, đã là lúc Việt Nam bước vào thời kỳ già hóa rất nhanh, nguy cơ “già trước khi giàu”.
Nói vậy nhưng không để bi quan, bởi thực sự Việt Nam vẫn còn đó những cơ hội, cách thức để vượt lên, nhưng trước hết đòi hỏi phải nỗ lực rất lớn và đột phá thực sự. TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) nhận định: Cải cách, đổi mới, đột phá và làm một cách quyết liệt, mạnh mẽ là những từ khóa cũng là cách thức, là những việc phải làm trong giai đoạn hiện nay để thoát khỏi vòng xoáy khó khăn, trụ vững và vượt dậy, qua đó đạt được mục tiêu và khát vọng đặt ra. Kinh nghiệm thế giới và thực tiễn Việt Nam mấy chục năm qua cho thấy, càng trong lúc khó khăn càng phải đẩy mạnh cải cách. Nhưng đáng tiếc mấy năm nay nền kinh tế liên tục rơi vào khó khăn, mà cải cách đang chững lại.
Theo S&P Global, Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 8 đạt 50,5, tăng so với mức 48,7 của tháng 7. Đây là lần đầu tiên sau 6 tháng PMI tăng trở lại lên trên ngưỡng 50 điểm (ngưỡng mở rộng), cho thấy các điều kiện kinh doanh trong ngành sản xuất đã cải thiện nhẹ. S&P Global cho rằng, PMI tháng 8 cho thấy bức tranh tươi sáng hơn so với những tháng gần đây, với sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới, hoạt động xuất khẩu và hoạt động mua hàng đều tăng trở lại. Tuy nhiên, sự cải thiện nói chung vẫn còn yếu khi lực cầu vẫn mong manh. Do đó, có thể còn quá sớm khi nói rằng ngành sản xuất đã ở trạng thái phục hồi trọn vẹn. |
“Để đạt được mục tiêu nhiệm kỳ, để thoát bẫy thu nhập trung bình, để đạt được khát vọng dân giàu, nước mạnh, có lực lượng doanh nghiệp Việt Nam hùng mạnh thì đây là giai đoạn cần phải có đột phá, thúc đẩy đổi mới, cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh mạnh mẽ nhất. Làm như vậy để phục hồi kinh tế, để tạo dựng những động lực tăng trưởng mới bù đắp cho sự suy giảm liên tục của các động lực tăng trưởng truyền thống và cũng là để chống chọi với những yếu tố bất lợi từ bên ngoài. Chậm ngày nào, khát vọng xa ra ngày đó và rủi ro không đạt mục tiêu tăng lên. Cải cách là không thể chần chừ”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Cùng quan điểm đó, TS. Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, một trong những ưu tiên lúc này là phải tháo gỡ các rào cản lớn hiện nay, nhất là về pháp lý và câu chuyện sợ trách nhiệm để hóa giải các ách tắc trong các lĩnh vực bất động sản, đất đai, đầu tư công, cơ cấu lại DNNN… “Đây là những động lực tăng trưởng quan trọng và tháo gỡ được sẽ giải phóng rất nhiều nguồn lực”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Cùng với đó, vấn đề về thể chế cho các mô hình kinh doanh mới bao gồm cả chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn… cần phải thúc đẩy nhanh hơn để tận dụng tốt xu thế, cơ hội hiện nay. Thúc đẩy liên kết vùng cũng là một động lực tăng trưởng quan trọng khác. Nhưng muốn thúc đẩy được thì phải đẩy mạnh vai trò của các đầu tàu kinh tế, qua đó mới giúp tăng tính lan tỏa. Như vậy, nâng cao và thúc đẩy hơn nữa vai trò của các đầu tàu kinh tế, nhất là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các thành phố trực thuộc Trung ương cần được tập trung. Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, để các động lực tăng trưởng bền vững thì phải luôn giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, tăng được năng lực chống chịu quốc gia. Đồng thời, cần có các chính sách và giải pháp hiệu quả để thúc đẩy năng suất lao động. Đây là một trong những mấu chốt đảm bảo cho tăng trưởng vừa trước mắt, vừa lâu dài, bền vững.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/can-them-dot-pha-de-thuc-day-tang-truong-143563.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.