Theo ngành công thương tỉnh Tiền Giang, chương trình nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng của tỉnh đến với khách tham quan và mua sắm tại TP.HCM, tạo tiền đề hình thành chuỗi giá trị liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, tạo kênh tiêu thụ các sản phẩm, hàng hóa ổn định, bền vững với đa dạng các chủng loại hàng hóa, chất lượng cao, giá thành hợp lý và có tính cạnh tranh; tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị cung ứng sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP và sản phẩm nông thủy sản, thực phẩm của tỉnh có cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm đối tác kinh doanh, mở rộng thị trường.
![]() |
Các sản phẩm nông nghiệp OCOP của tỉnh Tiền Giang được giới thiệu, quảng bá tại TP.HCM |
Tiền Giang là tỉnh có lợi thế phát triển các sản phẩm nông sản có thể gây dựng thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường trong nước và quốc tế. Tỉnh hiện có 3 lĩnh vực sản phẩm nông nghiệp chủ lực, gồm trồng trọt (cây hàng năm, cây ăn trái lâu năm), chăn nuôi và thủy sản. Với thế mạnh, tiềm năng riêng, tỉnh bước đầu nâng cao được khả năng cạnh tranh, dần đáp ứng được thị hiếu tiêu dùng trong và ngoài nước.
Theo lãnh đạo ngành công thương tỉnh Tiền Giang, một số sản phẩm OCOP của tỉnh đã có mặt tại nhiều cửa hàng tiện ích trong và ngoài tỉnh, các hệ thống siêu thị lớn, nhiều sản phẩm đã có doanh số bán hàng từ hàng trăm triệu đồng trở lên. Tuy nhiên, chương trình OCOP cũng còn những khó khăn, hạn chế nhất định: Sản phẩm chế biến còn ít; quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ; trình độ quản trị sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã, doanh nghiệp, chủ cơ sở, kinh doanh còn thấp; thói quen phát triển thụ động; hiểu biết về sản phẩm, năng lực nghiên cứu và phát triển còn yếu dẫn đến năng suất, chất lượng, số lượng sản phẩm chưa cao.
Tỉnh Tiền Giang đặt mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu ít nhất 200 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên; phấn đấu 10 sản phẩm OCOP đạt 5 sao; 100% sản phẩm OCOP được giới thiệu trên trang web chuyên OCOP của tỉnh. Đồng thời, tỉnh cũng ưu tiên phát triển các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu ít nhất có 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 30% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa; đào tạo, tập huấn cho 100% cán bộ quản lý chương trình, lãnh đạo các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ có đăng ký kinh doanh tham gia chương trình OCOP; có ít nhất 70% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử...); phấn đấu phát triển 10 điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh.
Trong thời gian diễn ra tuần lễ giới thiệu sản phẩm OCOP, UBND tỉnh Tiền Giang sẽ tổ chức Hội nghị Xúc tiến thương mại tỉnh Tiền Giang năm 2023 nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP và dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh; đồng thời, có tham luận của cơ quan thương vụ nước ngoài tại TP.HCM, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại TP.HCM, đại diện các siêu thị và các nhà phân phối tại TP.HCM, đại diện doanh nghiệp và hợp tác xã của tỉnh Tiền Giang. Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang cùng với Sở Công Thương TP.HCM, Co.opmart TP.HCM, Tập đoàn Central Retails - Thái Lan sẽ ký kết bản ghi nhớ hợp tác (MOU) về phát triển hệ thống siêu thị trên địa bàn tỉnh...
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/tien-giang-gioi-thieu-san-pham-ocop-va-xuc-tien-thuong-mai-143383.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.