Để khai thác kinh tế số một cách hiệu quả
18:59 | 24/08/2023
Kinh tế số cho phép chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ việc tập trung vào gia tăng khối lượng các sản phẩm dịch vụ được tiêu dùng để tạo nên giá trị tăng trưởng, sang việc gia tăng giá trị thu được từ mỗi giao dịch sản phẩm - dịch vụ tối ưu hóa để tạo nên giá trị tăng trưởng. Điều này cho phép tạo ra sự phát triển nhanh, bền vững của nền kinh tế Việt Nam.
Đó là nhận định được nhiều chuyên gia, học giả, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp đưa ra tại hội thảo “Kinh tế số: nhận diện, định vị các tiềm năng và thách thức” được tổ chức mới đây.
![]() |
Ông Phùng Danh Thắng - Chủ nhiệm khoa Quốc tế Pháp ngữ nhấn mạnh kinh tế số là trụ cột chính trong quá trình chuyển đổi số của một quốc gia, cùng với chính phủ số và xã hội số |
Phát biểu tại hội thảo, ông Phùng Danh Thắng, Chủ nhiệm Khoa Quốc tế Pháp ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, loài người đang chứng kiến một cuộc cách mạng công nghiệp hoàn toàn mới mẻ - cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, được thúc đẩy bởi sự bùng nổ của công nghệ kỹ thuật số với định hướng tất yếu là quá trình chuyển đổi số.
Nền kinh tế vì vậy chịu những tác động sâu sắc của quá trình này và khái niệm kinh tế số hình thành nên từ cuối thế kỷ XX, nổi lên như một nguyên tắc quan trọng, đồng thời là một trong những hướng đi chính của phát triển kinh tế toàn cầu và Việt Nam không là ngoại lệ. Kinh tế số không chỉ đơn thuần là một phần của sự phát triển, mà còn là trụ cột chính trong quá trình chuyển đổi số của một quốc gia, cùng với chính phủ số và xã hội số.
Kinh tế số bao gồm thương mại điện tử, truyền thông số, quảng cáo trực tuyến, phần mềm, dịch vụ viễn thông và công nghệ tài chính tác động từ khâu sản xuất, trao đổi, phân phối đến tiêu dùng. Trong mỗi lĩnh vực này, công nghệ kỹ thuật số như Blockchain, Bigdata, IoT… đang chuyển đổi các mô hình kinh doanh truyền thống và tạo ra những cơ hội mới cho sự đổi mới và tăng trưởng.
Trên thế giới, kinh tế số cũng được quan tâm chú trọng ở những nền kinh tế hàng đầu như Mỹ, Trung Quốc. Nền kinh tế số của Trung Quốc theo báo cáo của Cyberspace Administration of China, đứng thứ 2 thế giới với 6,96 nghìn tỷ USD vào năm 2022 chiếm 41,5% GDP.
Ở Việt Nam, theo báo cáo của bộ Thông tin và Truyền thông, ở lĩnh vực kinh tế số, tỷ trọng kinh tế số của Việt Nam trong GDP năm 2022 là 14,26% tương đương với 23 tỷ USD, và ước đạt 17% hết năm 2023. Những con số này cho thấy tiềm năng rất lớn của kinh tế số ở Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung.
“Tuy vậy, phát triển kinh tế số cũng gặp rất nhiều những thách thức như vấn đề: bảo mật thông tin, hạ tầng công nghệ, nguồn nhân lực hay thể chế tác động không nhỏ đến sự phát triển kinh tế số” - ông Phùng Danh Thắng nhấn mạnh.
TS. Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số (DTSI) dẫn chứng, từ năm 2015, Tom Goodwin đã chỉ ra những công ty rất “mỏng”, họ sở hữu chủ yếu là các ứng dụng và dữ liệu chứ không phải tài sản vật chất hay cơ sở hạ tầng, do đó họ có thể phát triển nhanh chóng.
Đơn cử như “Uber là công ty taxi lớn nhất thế giới không sở hữu bất kỳ phương tiện nào. Facebook là mạng xã hội phổ biến nhất trên thế giới không tự mình tạo ra nội dung. Alibaba là nhà bán lẻ có giá trị lớn nhất thế giới không có kho hàng. Còn Airbnb là nhà cung cấp dịch vụ lưu trú lớn nhất thế giới không sở hữu bất kỳ bất động sản nào. Goodwin đã mô tả các công ty này như một “lớp màng mỏng khó tả” và nói rằng “không có hoạt động kinh doanh nào tốt hơn”.
Khi công nghệ số thâm nhập vào các lĩnh vực khác nhau của đời sống kinh tế - xã hội, đòi hỏi người lao động phải có năng lực kép: cả kỹ năng số và kỹ năng chuyên môn. Do vậy, năng lực số trở thành một nhân tố quan trọng để trở thành người lao động giỏi trong kỷ nguyên số.
Người tiêu dùng cũng vậy, nếu không có năng lực số tốt, cũng sẽ trở thành một “kẻ mù mờ” trong kỷ nguyên số khi không có khả năng tiếp cận và sử dụng hiệu quả các công nghệ số và dữ liệu số để ra quyết định chọn lựa và bảo vệ các quyền cơ bản của mình trong quá trình tiêu dùng và sử dụng các sản phẩm-dịch vụ, TS. Lê Nguyễn Trường Giang chia sẻ.
CK