Nông sản, đặc sản Việt Nam lên đời Xây dựng nông sản đặc sản vùng miền không dễ |
Hiện tại TP.Hồ Chí Minh chỉ mới có vài trăm sản phẩm đạt OCOP, thấp hơn bình quân chung của các tỉnh thành trên cả nước. Trong khi đó, thực tế năng lực của các doanh nghiệp trên địa bàn có thể tạo ra khoảng 1.400 sản phẩm.
Trước đó, UBND TP.Hồ Chí Minh đã giao Sở Công thương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các địa phương và doanh nghiệp triển khai thực hiện Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch, kiểm tra và vệ sinh thú y đối với sản phẩm tổ yến xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc theo Công văn số 8107/BNN-TY ngày 1/12/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. UBND thành phố cũng chỉ đạo Sở Công thương chủ động nghiên cứu thị trường, thúc đẩy giới thiệu quảng bá các sản phẩm tổ yến thông qua các hoạt động, chương trình xúc tiến thương mại, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm tổ yến sang thị trường các nước trên thế giới.
Trong thời gian qua, nghề nuôi chim yến đã tạo ra những hiệu ứng tích cực trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, làm gia tăng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp. Huyện Cần Giờ hiện có 519 hộ nuôi chim yến, chiếm 70% toàn thành phố, trong đó 459 hộ đã cho thu hoạch, sản lượng ước đạt 14,96 tấn, trị giá khoảng 250 tỷ đồng/năm. Ông Hồ Ngọc Thiện - Trưởng phòng Kinh tế huyện Cần Giờ cho biết, vừa qua UBND huyện đã đề xuất việc trình HĐND thành phố trong kỳ họp cuối năm nay để xem xét quyết định việc quy hoạch vùng nuôi yến. Huyện cũng đang lập quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030, trong đó dự kiến bố trí quỹ đất nông nghiệp khác tại các xã: Bình Khánh, An Thới Đông, Tam Thôn Hiệp, Lý Nhơn để phát triển vùng nuôi chim yến. Hiện tại, Sở Xây dựng cũng đã có công văn trình UBND về việc tiếp tục thí điểm, mở rộng địa bàn và kéo dài thời gian thí điểm xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, đồng nghĩa là việc xây dựng nhà nuôi yến trong quy hoạch được xem xét. Đây là tín hiệu tích cực giúp doanh nghiệp và người dân huyện Cần Giờ yên tâm sản xuất, trong khi chờ thông qua quy hoạch xây dựng vùng nuôi yến.
![]() |
Đại diện Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hồ Chí Minh và Công ty TNHH Tiki ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác xây dựng Chương trình “1.000 câu chuyện sản phẩm COOP” |
Ông Trương Tiến Triển, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết thời gian qua, yến sào thu hoạch trên địa bàn huyện chủ yếu tiêu thụ trong nước. Huyện kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND thành phố đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm có văn bản hướng dẫn về đăng ký và cấp mã số cơ sở nuôi chim yến để phục vụ việc lập hồ sơ xuất khẩu yến sào trên địa bàn huyện.
Lãnh đạo UBND huyện Cần Giờ cũng chia sẻ, hiện nay, huyện đang hướng dẫn 4 chủ thể lập hồ sơ tham gia phân hạng OCOP đối với 20 sản phẩm gồm 12 sản phẩm chế biến từ tổ yến, 6 sản phẩm khô thủy sản các loại, 2 sản phẩm du lịch.
Hiện các Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hồ Chí Minh và sàn thương mại điện tử Tiki đã ký kết hợp tác chia sẻ các thông tin phù hợp về danh mục các sản phẩm OCOP. Theo đó, sản phẩm trọng tâm, chủ lực của huyện Cần Giờ (như yến sào, xoài, cua, muối, mật dừa nước, khô cá dứa, bưởi da xanh…) sẽ được thực hiện nghiên cứu thị trường, khảo sát khách hàng về mức độ hiểu biết về sản phẩm, các nhu cầu, thị hiếu, các rào cản hiện tại của khách hàng khi tìm, mua sản phẩm, tìm hiểu nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế…
Ông Nguyễn Quách Nhi, Giám đốc kinh doanh ngành hàng thực phẩm - tiêu dùng Công ty TNHH Tiki cho biết, quy mô thị trường yến sào trên thế giới là khoảng hơn 8 tỷ USD, quy mô thị trường yến sào Việt Nam là 800 triệu USD, tốc độ tăng trưởng bình quân 20%. Trên thế giới chỉ có khoảng 4-5 quốc gia sản xuất, kinh doanh mặt hàng này và đa phần các nhà mua hàng lớn ở Hồng Kông (Trung Quốc) đánh giá, yến sào Việt Nam có chất lượng cao hơn. Do điều kiện tự nhiên, sản phẩm cũng có vị đậm và mùi thơm hơn.
"Để phát triển chuỗi giá trị yến sào Cần Giờ, việc xây dựng quy trình sản xuất khép kín, kiểm soát chuỗi cung ứng, tiêu chuẩn hóa chất lượng… là hết sức cần thiết và tương đối thuận lợi trong điều kiện hiện nay; là cơ sở bền vững để xây dựng, phát triển yến sào Cần Giờ trở thành thương hiệu lớn của TP. Hồ Chí Minh và Việt Nam, tương tự nhân sâm Hàn Quốc, mật ong Manuka New Zealand…", ông Nguyễn Nguyên Phương kỳ vọng.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/tp-ho-chi-minh-xay-dung-thuong-hieu-nong-san-dac-san-143128.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.