Hỗ trợ thực hiện mục tiêu chuyển đổi số
Vừa qua, Thông tư 24/2023/TT-BCA của Bộ trưởng Bộ Công an (gọi tắt là Thông tư 24) quy định về cấp, thu hồi đăng ký, biển số xe cơ giới đã chính thức có hiệu lực. Theo đó, biển số định danh sẽ được cấp và gắn liền với mỗi cá nhân, tổ chức. Nếu như trước đây biển số sẽ gắn liền với xe (xe nào biển số đó) thì khi Thông tư 24 có hiệu lực, biển số sẽ gắn liền với cá nhân, tổ chức cụ thể (người nào biển số đó). Khi bán xe thì cá nhân, tổ chức phải giữ biển số và nộp lại cho cơ quan công an để công an làm thủ tục thu hồi. Biển số này sẽ được cấp lại khi cá nhân, tổ chức đăng ký xe khác thuộc sở hữu của mình.
Theo Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, Phó trưởng phòng hướng dẫn tuyên truyền và điều tra, giải quyết TNGT, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an, biển số xe định danh tạo điều kiện cho người dân được đăng ký biển số xe tại nơi thường trú và nơi tạm trú, giúp tiết kiệm được thời gian, công sức, chi phí, từ đó giúp nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm của chủ xe khi tham gia giao thông. Việc cải cách thủ tục hành chính để người dân đăng ký xe theo nơi cư trú còn giúp cơ quan quản lý đánh giá sát và đúng thực trạng phát triển phương tiện, hạ tầng giao thông của địa phương; tạo điều kiện hơn trong việc ứng dụng mã định danh điện tử; ngăn chặn được tình trạng sang tên, mua bán không làm thủ tục theo quy định để tăng thu ngân sách nhà nước; giảm bớt chi phí lưu trữ thông tin, góp phần thực hiện mục tiêu chuyển đổi số quốc gia.
Bên cạnh đó, một số chuyên gia cũng nhìn nhận, biển số xe định danh tạo thuận lợi hơn trong việc tích hợp với ứng dụng định danh điện tử VNeID, người dân không phải mang nhiều loại giấy tờ khi tham gia giao thông cũng như khi thực hiện thủ tục hành chính hoặc khi giao dịch trên môi trường điện tử, giảm thời gian và chi phí đi lại nhưng vẫn đảm bảo thông tin chính xác, nhanh chóng và hiệu quả; giúp cơ quan chức năng trong công tác quản lý phương tiện, đặc biệt trong các trường hợp điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, vi phạm qua hệ thống giám sát; xác minh xử lý các trường hợp sử dụng phương tiện phạm tội.
Thiết thực nhưng chưa suôn sẻ
TS. Cao Vũ Minh, Trường ĐH Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) khẳng định, biển số định danh là phương thức quản lý tích cực dựa trên nền tảng số hóa và cũng phù hợp với pháp luật nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, biển số định danh của những phương tiện giao thông có nguy cơ cao lại là nhóm khó phát hiện và xử lý nhất. Trong trường hợp biển số bị đối tượng khác làm giả và xảy ra vi phạm giao thông, biển số định danh với tính chất “người nào biển số đó" có thể mang lại nhiều phiền phức hơn vì chủ biển số thật phải chứng minh mình không điều khiển xe và cũng không cho ai mượn xe, thậm chí còn phải chứng minh rằng biển số xe của mình đã bị làm giả. Việc thu hồi, lưu giữ và cấp lại biển số định danh có các ký hiệu đặc thù trong nhiều trường hợp là một sự lãng phí không cần thiết.
Đáng chú ý, dù Thông tư 24 của Bộ Công an đã có hiệu lực được vài ngày nhưng đa số người dân phản ánh chưa thể hoàn thành thủ tục cấp biển số định danh. Về lý thuyết, người dân có sự chuẩn bị tốt về mặt giấy tờ, thủ tục, hệ thống cấp biển số định danh không gặp trục trặc gì sẽ chỉ mất vài phút để sở hữu 1 “biển số đi theo người” cho riêng mình. Tuy nhiên, chị Tống Khánh Linh (TP. Hà Nội) chia sẻ, hơn 2 ngày qua chị thực hiện các thủ tục cấp biển số định danh cho chiếc ô tô mới của gia đình nhưng chưa thành công. Thủ tục đều được làm trực tuyến, khá đơn giản nhưng hơn 2 ngày qua cổng dịch vụ công liên tục bị nghẽn mạng không thể thực hiện việc kê khai cần thiết.
Đại diện phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) tại một số địa phương cho biết, hệ thống đăng ký thường xảy ra các lỗi như: treo máy, nhập tên chủ xe này nhưng ra kết quả chủ xe khác, mã dịch vụ công tìm không ra; xe nhập khẩu không tìm thấy thông tin hải quan, không in được giấy đăng ký...
Không chỉ người dân, các đơn vị trực tiếp triển khai cũng gặp khó khăn vì lỗi hệ thống. Đại diện Phòng CSGT tỉnh Gia Lai chia sẻ, do hệ thống mới nên khi người dân bấm chọn hiện ra biển số nhưng không thể in ra, dẫn đến thủ tục bị chậm hoàn thành. Ngày đầu tiên thực hiện, đơn vị có 17 hồ sơ đăng ký biển số theo mã định danh nhưng chưa có đăng ký nào thực hiện thành công. Ngày hôm sau, lưu lượng người dân đi làm thủ tục đăng ký biển số ít hơn.
Tương tự, Phòng CSGT, Công an thành phố Đà Nẵng cũng ghi nhận hệ thống đăng ký thường xảy ra các lỗi như: treo máy, nhập tên chủ xe này nhưng ra kết quả chủ xe khác, mã dịch vụ công tìm không ra; xe nhập khẩu không tìm thấy thông tin hải quan, không in được giấy đăng ký... Đại tá Phan Ngọc Truyền, Trưởng phòng CSGT, Công an thành phố Đà Nẵng cho biết, do tình trạng lỗi hệ thống nên trong những ngày đầu thực hiện, các đơn vị mới cấp được vài biển số định danh cho chủ xe. Phòng CSGT đã làm văn bản, nêu rõ những khó khăn. Đồng thời, Phòng cũng đã phối hợp với Cục CSGT và đơn vị liên quan xác định các lỗi trên hệ thống để chỉnh sửa, khắc phục nhằm kịp thời đăng ký xe, phục vụ nhu cầu cho người dân sớm nhất có thể. Mong người dân hiểu, thông cảm, chia sẻ cùng lực lượng CSGT.
Dẫu còn những khó khăn, nhưng tiện ích từ biển số xe định danh là không thể phủ nhận. Do đó, lực lượng chức năng đề nghị người dân cần sớm bố trí thời gian đi thực hiện sang tên đổi chủ cho đúng định danh để bảo vệ quyền lợi của mình; các đơn vị sẽ tạo điều kiện cho người dân thực hiện nhanh chóng, đảm bảo quy định của pháp luật khi thực hiện theo Thông tư 24/2023/TT-BCA của Bộ Công an.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/thao-vuong-mac-khi-cap-bien-so-xe-dinh-danh-143085.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.