Ngân hàng nỗ lực mở “cánh cửa” tăng trưởng

Các gói tín dụng ưu đãi vẫn tiếp tục được triển khai từ đầu tháng 8/2023 nhằm tiếp sức hỗ trợ người dân, doanh nghiệp kích thích hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng phục vụ đời sống.

Cụ thể, Sacombank dành 20.000 tỷ đồng cho khách hàng vay vốn mục đích phục vụ sản xuất kinh doanh ngắn hạn (bao gồm sản xuất nông nghiệp), với mức lãi suất thấp chỉ từ 7,5%/năm. Đối với nhu cầu vay phục vụ đời sống, Sacombank dành 10.000 tỷ đồng cho khách hàng vay vốn mua, xây, sửa bất động sản và nhiều mục đích tiêu dùng khác nhau với mức lãi suất chỉ từ 9%/năm. Đặc biệt, đối với khách hàng lần đầu tiên mua nhà để ở thỏa điều kiện, mức lãi suất chỉ từ 8%/năm.

OCB cũng vừa tung gói vay ưu đãi với lãi suất chỉ từ 7,5%/năm dành cho khách hàng có nhu cầu sản xuất kinh doanh ngắn hạn, mua nhà đất và ô tô với hạn mức 5.000 tỷ đồng. Theo đó, từ tháng 8/2023, khách hàng cá nhân vay với mục đích sản xuất kinh doanh sẽ được áp dụng lãi suất ưu đãi từ 7,5%/năm, với khách hàng mua nhà để ở được hưởng lãi suất 8,5%/năm. Chia sẻ về các quyết định giảm lãi suất, đại diện OCB cho biết, hoạt động giảm lãi suất huy động đi cùng với giảm lãi suất cho vay nhận được sự hưởng ứng lớn từ thị trường bởi không chỉ doanh nghiệp, mà khách hàng của doanh nghiệp là người dân cũng được hưởng lợi do lãi vay giảm.

LPBank cũng vừa nâng quy mô gói ưu đãi từ 8.000 tỷ đồng lên 10.000 tỷ đồng cho vay sản xuất kinh doanh ngắn hạn dành cho khách hàng cá nhân, khách hàng doanh nghiệp với lãi suất chỉ từ 7,5%/năm. Đại diện LPBank chia sẻ, thời gian qua, ngân hàng đã tìm mọi giải pháp như giảm chi phí huy động đầu vào theo xu hướng thị trường, tiết giảm chi phí hoạt động qua tự động hóa các quy trình, số hóa các hoạt động để tăng năng suất lao động cũng như các giải pháp giảm chi phí hoạt động khác... Đây chính là cơ sở để LPBank có thể triển khai, duy trì gói ưu đãi lãi suất chỉ từ 7,5%/năm dành cho khách hàng doanh nghiệp và 8,5%/năm cho khách hàng cá nhân. Mức lãi suất này sẽ không thay đổi trong suốt thời gian khách hàng vay vốn.

Không công bố thêm gói tín dụng mới, nhưng lãnh đạo TPBank cho biết, ngân hàng giảm thêm lãi suất cho khách hàng hiện hữu, tùy đối tượng và sản phẩm, mức giảm từ 0,5 - 1%/năm, thậm chí có những phân khúc hoặc sản phẩm lãi suất cho vay giảm 2 - 3%/năm. “Mức lãi suất dễ chịu hơn thì sẽ tăng mức tiếp cận của khách hàng. Như vậy người ta cũng thấy dễ dàng hơn trong việc tính toán phương án kinh doanh", lãnh đạo ngân hàng chia sẻ.

Trên thực tế, thời gian qua, không ít doanh nghiệp đã được tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất thấp hơn, có điều kiện phục hồi sản xuất kinh doanh. Lãnh đạo một doanh nghiệp thép cho biết, hiện doanh nghiệp đầu tư dự án lớn với quy mô hàng nghìn tỷ đồng nên thời gian tới sẽ phải vay vốn thêm. Việc lãi suất hạ nhiệt cũng là yếu tố giúp doanh nghiệp tự tin mở rộng quy mô hoạt động.

Giới chuyên môn đánh giá, chính sách tiền tệ Việt Nam đã hỗ trợ khá tốt trong giai đoạn phục hồi. Song dù là liều thuốc rất quan trọng đối với sức khỏe doanh nghiệp, nhưng thời điểm này, giảm lãi suất không phải chìa khoá vạn năng để mở được mọi “cánh cửa” tăng trưởng. Để tăng trưởng đạt kế hoạch và có sự đột phá thì không thể chỉ "vỗ tay" bằng một bàn tay - chính sách tiền tệ, vẫn cần chính sách tài khóa thúc đẩy cỗ xe tam mã tăng tốc một cách an toàn và bền vững.

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, cần tập trung thực hiện các chính sách tài khóa hơn là chính sách tiền tệ. “Chúng ta đang sử dụng quá ít chính sách tài khóa để hỗ trợ doanh nghiệp, thậm chí đang tăng chi phí cho doanh nghiệp”, ông nói. Theo đó, cần thực hiện quyết liệt chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) cho doanh nghiệp, đồng thời kéo dài thời gian thực hiện chính sách giảm thuế VAT. “Dự báo khó khăn còn đến 2024, tôi mong Chính phủ duy trì việc giảm, miễn thuế VAT đến hết năm 2025 để kích cầu”, ông Cung kỳ vọng. Muốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vấn đề quan trọng hơn cả, theo vị chuyên gia này, đó là cải cách môi trường kinh doanh. Bởi lẽ, trong bối cảnh khó khăn, cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí tạo nên sự an toàn, ít rủi ro hơn trong hoạt động kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp.

TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV thì đề xuất, xem xét chuyển phần còn lại của chương trình phục hồi nhất là cấu phần hỗ trợ tiền thuê nhà, hỗ trợ 2% lãi suất sang Quỹ Phát triển nhà ở xã hội; chú trọng các động lực tăng trưởng, kích cầu tiêu dùng nội địa; gỡ khó cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp...

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/ngan-hang-no-luc-mo-canh-cua-tang-truong-142897.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.