Theo số liệu công bố hôm thứ Tư của Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm 0,3% trong tháng 7 so với một năm trước (dù vẫn tăng 0,2% so với tháng 6). Nhưng khi loại trừ giá thực phẩm và năng lượng, CPI cơ bản tăng 0,8% so với một năm trước, mức cao nhất kể từ tháng 1, theo dữ liệu chính thức được truy cập qua Wind Information.
Trong khi đó dữ liệu cũng cho thấy, chỉ số giá sản xuất (PPI) tiếp tục suy giảm. Cụ thể PPI tháng 7 giảm 4,4% so với cùng năm trước, tiêu cực hơn so với dự báo mức giảm 4,1% theo một cuộc thăm dò của Reuters nhưng tốt hơn so với mức giảm 5,4% trong tháng 6.
Dữ liệu CPI quý II khiến một số nhà kinh tế cảnh báo về nguy cơ giảm phát ngày càng tăng tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, khi giá cả giảm liên tục theo thời gian so với cùng kỳ năm trước: CPI tháng 6 ở mức 0%; tháng 5 tăng 0,2% và tháng 4 tăng 0,1%. Chỉ số PPI các tháng trong quý II so với cùng kỳ cũng cho thấy xu hướng này: Tháng 6 giảm 5,4%; tháng 5 giảm 4,6% và tháng 4 giảm 3,6%. William Lee, nhà kinh tế trưởng tại Viện Milken cho biết, không có nghi ngờ gì về việc Trung Quốc đang trong tình trạng giảm phát, khi chỉ số CPI giảm 0,3% trong tháng 7. “Câu hỏi đặt ra chỉ là nó sẽ kéo dài bao lâu”, chuyên gia này nói.
Cùng nhận định trên, Zhiwei Zhang, Chủ tịch kiêm nhà kinh tế trưởng của Pinpoint Asset Management, cho rằng: “Cả CPI và PPI đều nằm trong vùng giảm phát. Động lực kinh tế tiếp tục suy yếu do nhu cầu trong nước mờ nhạt”. Nhân vật này nói thêm: “Giảm phát có thể gây thêm áp lực lên Chính phủ trong việc xem xét các biện pháp kích thích tài chính bổ sung để giảm thiểu thách thức”.
Trong tháng 7, giá thịt lợn - một loại thực phẩm chủ yếu ở Trung Quốc - đã giảm tới 26% so với cùng kỳ năm ngoái, góp phần làm giảm CPI chung và phần nào cho thấy nhu cầu tiêu dùng trong nước vẫn yếu kể từ sau đại dịch. Tuy nhiên, đà giảm của CPI được cản lại một phần nhờ giá du lịch tăng 13,1% tháng vừa qua so với cùng kỳ năm trước.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng cố gắng đẩy lùi những lo ngại về nguy cơ giảm phát, cho biết họ hy vọng giá tiêu dùng sẽ tăng trở lại sau khi giảm trong tháng 7 vừa qua. Một số chuyên gia và tổ chức cũng kỳ vọng điều này sẽ diễn ra. Bruce Pang, nhà kinh tế trưởng và Trưởng bộ phận nghiên cứu về Trung Quốc Đại lục tại JLL nhận định, giá sản xuất có thể sẽ hồi phục, tăng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái trước khi CPI tăng. Ông dự đoán giá tiêu dùng sẽ vẫn bị kéo xuống trong những tháng tới do giá thịt lợn giảm và hiệu ứng cơ sở cao, trong khi CPI cơ bản có thể tăng dần.
Còn Oxford Economics dự báo CPI của Trung Quốc sẽ tăng 0,5% trong năm nay trong khi chỉ số PPI sẽ giảm 3,5%. Nhà kinh tế Louise Loo tại Oxford Economics, cho biết: “Nhu cầu yếu trong quý II của Trung Quốc có thể là do các biện pháp kích thích từ phía cầu tương đối hạn chế trong thời kỳ Covid-19, nhiều năm thắt chặt quy định và việc điều chỉnh trên thị trường bất động sản đang diễn ra”. Cũng theo chuyên gia này, việc các nhà chức trách Trung Quốc đang chọn nới lỏng có mục tiêu, thay vì kích thích quy mô lớn là một động thái tích cực.
Báo cáo dữ liệu thương mại hôm thứ Ba Trung Quốc cho thấy sự sụt giảm mạnh ở cả nhu cầu trong nước và nước ngoài. Xuất khẩu giảm 14,5% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm trước, trong khi nhập khẩu giảm 12,4% tính theo đồng đô la Mỹ - cả hai đều tồi tệ hơn dự đoán của các nhà phân tích. Con số nhập khẩu giảm mạnh một phần là do giá hàng hóa giảm, nhưng ước tính của Louise Loo cũng cho thấy, nhập khẩu giảm cả về khối lượng thực khoảng 0,4%. Trung Quốc dự kiến công bố doanh số bán lẻ, sản xuất công nghiệp và các dữ liệu khác cho tháng 7 vào ngày 15/8.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/kinh-te-trung-quoc-gia-tang-lo-ngai-giam-phat-142844.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.