![]() |
Nguồn vốn tín dụng chính sách ở Phú Yên đã triển khai cho vay đến 100% các thôn, buôn, khu phố của 110 xã, phường, thị trấn trên địa bàn. |
UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định 05/QĐ-TTg ngày 4/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội đến năm 2030 trên địa bàn.
Mục tiêu của kế hoạch nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức thực hiện Quyết định 05/QĐ-TTg phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và hoạt động tín dụng chính sách xã hội ở địa phương; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các sở, ban ngành, cá nhân liên quan trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, phối hợp triển khai tín dụng chính sách xã hội, đảm bảo tính đồng bộ, khả thi và hiệu quả; đồng thời, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương trong triển khai tín dụng chính sách và bố trí nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội, tạo điều kiện để Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Phú Yên thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn.
Theo nội dung kế hoạch, Phú Yên phấn đấu tăng trưởng dư nợ tín dụng chính sách bình quân hàng năm khoảng 10%; đảm bảo 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tài chính toàn diện do Ngân hàng Chính sách xã hội cung cấp; tỷ lệ nợ quá hạn dưới 1% tổng dư nợ.
Phấn đấu đến năm 2030, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương chiếm 15% tổng nguồn vốn tín dụng chính sách. Đồng thời, đa dạng hóa các sản phẩm, phát triển các dịch vụ của Ngân hàng Chính sách xã hội phù hợp nhằm phục vụ tốt hơn các đối tượng chính sách, góp phần thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia của tỉnh và Chiến lược công nghệ thông tin ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030...
Mới đây, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Phú Yên cũng đã có quyết định điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch tín dụng năm 2023. Cụ thể, Ban đại diện quyết định bổ sung 10 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương cho hai huyện Sơn Hòa và Tây Hòa, mỗi địa phương 5 tỷ đồng. Nguồn vốn được bổ sung dùng để thực hiện chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trên địa bàn 2 huyện.
Những năm gần đây, nguồn vốn tín dụng chính sách đã và đang phát huy vai trò là công cụ đòn bẩy kinh tế quan trọng, khuyến khích người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, giúp Phú Yên có thêm nguồn lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách ở Phú Yên đã triển khai cho vay đến 100% các thôn, buôn, khu phố của 110 xã, phường, thị trấn trên địa bàn. Trong đó, dư nợ tập trung ở một số chương trình như hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, hỗ trợ tạo việc làm, học sinh sinh viên, nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn và nhà ở xã hội…
Để chuyển tải nguồn vốn đến đúng đối tượng, Ngân hàng Chính sách xã hội Phú Yên đã phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội xây dựng mạng lưới tổ tiết kiệm và vay vốn đến thôn (buôn, khu phố) với 2.234 tổ đang hoạt động. Dư nợ bình quân 1.650 triệu đồng/tổ.
Tuy nhiên, để tiếp tục mở rộng nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, các cấp ủy, chính quyền địa phương cần tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực chính sách xã hội. Trong đó, chính quyền các cấp cần ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay trên địa bàn.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/phu-yen-phan-dau-tang-truong-du-no-tin-dung-chinh-sach-10nam-142791.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.