Công an TP.HCM đã triệt xóa 27 app cho vay “tín dụng đen”

Ngày 3/8, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP.HCM cho biết từ đầu năm 2023 đến nay, công an thành phố triệt xóa 27 app cho vay “tín dụng đen” như: Goldvay, sugarvay, findong, wellvay, cfcash, baovay…; đã phát hiện và xử lý 133 vụ với 206 đối tượng vi phạm.

Theo ông Hà, trong thời gian qua, các băng nhóm hoạt động “tín dụng đen” sử dụng công nghệ cao, núp bóng doanh nghiệp cho vay trực tuyến, cho vay qua app tiếp tục diễn biến phức tạp; bên cạnh các ứng dụng cho vay tiền chính thống của các ngân hàng, tổ chức tín dụng, công ty tài chính hoạt động công khai, minh bạch, xuất hiện nhiều ứng dụng không rõ nguồn gốc về đơn vị chủ quản, liên quan đến người nước ngoài có biểu hiện hoạt động “tín dụng đen”. Các ứng dựng thường xuyên được thay đổi tên hoặc để ẩn thông tin nhằm tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng.

Công an TP.HCM đã triệt xóa 27 app cho vay “tín dụng đen”
Thượng tá Lê Mạnh Hà trả lời báo chí trong cuộc họp báo chiều 3/8, tại Trung tâm Báo chí TP.HCM

Khi khách hàng cài đặt ứng dụng vay và để lại thông tin cá nhân, sẽ có đối tượng liên hệ, mời chào vay tiền và cài đặt các ứng dụng vay khác. Lãi suất trong các hợp đồng cho vay trực tuyến này thường không vượt quá 20%/năm, tuy nhiên người đi vay sẽ phải trả thêm các loại phí như: phí dịch vụ, phí phạt… do đó lãi suất thực tế có thể lên đến vài chục %/tháng. Khi hết kỳ hạn vay tiền, khách vay sẽ chuyển trả tiền vào các tài khoản ngân hàng do các công ty cho vay trực tuyến này quản lý.

Công an TP.HCM cũng đã nhiều lần khuyến cáo người dân về các app tín dụng đen với cách thức dễ dàng không cần thế chấp, không làm hồ sơ vay, đánh trúng vào tâm lý của người dân như giải ngân nhanh chóng, thủ tục nhanh gọn, không cần chứng minh thu nhập… mà không biết rằng để được vay tiền phải cho phép ứng dụng cho vay đó truy cập vào danh bạ điện thoại, hình ảnh cá nhân và thu thập thông tin người dùng thiết bị…

Hình thức cho vay của bọn tội phạm tín dụng đen là chỉ thanh toán ngắn hạn trong vòng 7 đến 10 ngày với lãi suất cao (biến tướng gọi là thu phí dịch vụ...). Khi người vay tiền không trả nợ đúng hạn, các nhân viên sẽ tiến hành gọi điện thoại, nhắn tin để nhắc nợ. Trường hợp khách vay không trả hoặc cắt liên lạc thì nhân viên sẽ dựa vào danh bạ để gọi điện thoại cho người thân, bạn bè yêu cầu người thân nhắc người vay nợ với nội dung: “Người vay tiền liên hệ lại số điện thoại... này để giải quyết nợ bên công ty tài chính, app vay, còn trốn tránh sẽ ghép ảnh vợ, con vào trang mạng làm gái, con em lên bàn thờ và đăng lên mạng xã hội, gửi bạn bè, gia đình, đồng nghiệp, dán cột điện ở khu vực sinh sống...”.

Trước đó, Công an TP.HCM đã cảnh báo người dân nâng cao cảnh giác, khi cần nguồn vốn làm ăn, kinh doanh nên liên hệ các tổ chức tài chính được nhà nước cấp phép hoạt động, các ngân hàng để hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi với lãi suất phù hợp theo quy định của Nhà nước. Không nên vay tiền qua các ứng dụng di động app trên không gian mạng hoạt động trái phép vì có nguy cơ bị lộ lọt thông tin, danh bạ điện thoại, hình ảnh cá nhân và để các đối tượng quấy rối, cố ý gây hư hỏng tài sản (tạt sơn, chất bẩn) ảnh hưởng đến bản thân và gia đình. Ngoài ra, các đối tượng có thể sẽ bán thông tin cá nhân cho các đối tượng xấu lợi dụng để lừa đảo hoặc thực hiện các hoạt động vi phạm pháp luật.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/cong-an-tphcm-da-triet-xoa-27-app-cho-vay-tin-dung-den-142573.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.