Xuất khẩu gạo Việt Nam đã chuyển dần từ lượng sang chất Tạo giá trị gia tăng để vị thế gạo Việt vươn cao Gạo Việt khởi sắc trên thị trường EU |
![]() |
Thời cơ cho gạo xuất khẩu của Việt Nam. |
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2022, Việt Nam xuất khẩu 7,13 triệu tấn gạo với giá trị 3,49 tỷ USD. 7 tháng đầu năm nay, chúng ta đã xuất khẩu 4,38 triệu tấn với giá trị 2,68 tỷ USD. Dự kiến cả năm 2023, Việt Nam sẽ sản xuất từ 43,2 - 43,4 triệu tấn, tăng 1,8 - 2% so với năm 2022.
Trước thông tin cấm xuất khẩu gạo của nhiều nước như Ấn Độ, Nga, UAE, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho rằng trong thời gian tới, giá gạo sẽ có sự gia tăng nhất định.
"Diễn biến giá gạo thế giới tăng cao trong những ngày gần đây là thời cơ để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu gạo, cần phải tận dụng để nâng cao thu nhập cho người trồng lúa, nếu không tranh thủ sẽ bị lỡ cơ hội này", ông Cường nói.
Cũng trên cơ sở đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới đây đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị tăng cường xuất khẩu gạo trong bối cảnh hiện nay. Theo đó, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung các giải pháp về kỹ thuật, hành chính để tăng lượng xuất khẩu gạo.
Năm ngoái, sản lượng lúa gạo của nước ta là 42,7 triệu tấn thì xuất khẩu 7,13 triệu tấn. Năm nay, sản lượng lúa gạo ước tính trên 43,1 triệu tấn, thậm chí 43,2 triệu tấn, nên đương nhiên Việt Nam có thể xuất khẩu vượt kỷ lục của năm ngoái.
Theo khảo sát của Cục Trồng trọt, hiện sinh trưởng và phát triển của cây lúa đang rất tốt. Vụ Hè thu và vụ Mùa sẽ là một năm được mùa kỷ lục của Việt Nam. Do đó, mục tiêu xuất khẩu trên 43 triệu tấn gạo là hoàn toàn có thể đạt được nếu không có các yếu tố bất ngờ như thiên tai, dịch bệnh trên diện rộng.
Ông Cường cho rằng việc đẩy mạnh xuất khẩu gạo sẽ không ảnh hưởng gì đến nguồn cung trong nước. Hiện nay, chỉ 90 ngày là có một vụ lúa nên chúng ta hoàn toàn yên tâm về an ninh lương thực, cũng như đủ cơ sở để chớp thời cơ tốt nhất cho xuất khẩu.
"Vụ lúa gạo của Việt Nam chỉ có 3 tháng. Do đó, tới đây, với 85% giống lúa mới, cùng với quy trình canh tác phù hợp với từng vùng miền, việc bảo vệ đồng ruộng đã có nhiều kinh nghiệm, cùng với việc mở rộng một phần diện tích và giám sát, lưu hành, quản lý thuốc... các vụ mùa sẽ đảm bảo thắng lợi, góp phần đảm bảo sản lượng lương thực cho an ninh lương thực trong nước với gần 100 triệu dân và cho chế biến, dự trữ, làm giống và xuất khẩu", ông Cường khẳng định.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cũng cho biết trong nhiều năm qua, Việt Nam bảo đảm an ninh lương thực trong nước, góp phần đảm bảo an ninh lương thực khu vực và an ninh lương thực thế giới. Với tình hình thị trường hiện nay, Việt Nam vừa có thể chớp cơ hội, đảm bảo tăng trưởng, vừa đảm bảo nâng cao giá trị, đảm bảo sự chia sẻ với cộng đồng khu vực và quốc tế.
Hiện, 85% giống lúa của Việt Nam là giống lúa mới, 89% là gạo chất lượng cao và Việt Nam đang xây dựng Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Trước nhu cầu cao của thị trường lúa gạo, ông Nguyễn Như Cường cho biết Cục Trồng trọt vừa phối hợp với một số đơn vị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra tình hình sản xuất lúa tại khu vực Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Đến thời điểm này, có thể khẳng định sinh trưởng và phát triển của cây lúa đang rất tốt.
Nhằm tận dụng thời cơ giá lúa gạo đang tăng cao, Cục Trồng trọt đã bố trí nâng diện tích sản xuất vụ Thu Đông ở Đồng bằng sông Cửu Long từ 650.000 ha lên 700.000 ha.
Để đạt được mục tiêu sản lượng trên 43 triệu tấn lúa, Cục Trồng trọt đang phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương có kế hoạch gieo cấy, cùng các giải pháp kỹ thuật, đảm bảo sản xuất hiệu quả.
Bên cạnh những thuận lợi thì Việt Nam cũng phải đối mặt với El Nino. Theo ông Nguyễn Như Cường, El Nino sẽ bắt đầu tác động mạnh từ khoảng tháng 10, đặc biệt từ vụ Đông Xuân 2023-2024 sẽ có những tác động mạnh mẽ đến sản xuất lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long. So với các nước trồng lúa trên thế giới thì Việt Nam sẽ ít bị ảnh hưởng bởi El Nino nhưng cũng không thể chủ quan.
Tuy nhiên chúng ta cũng đã có kinh nghiệm ứng phó, như đợt El Nino năm 2015-2016, chúng ta còn lúng túng, chưa có giải pháp căn cơ nên thiệt hại rất nặng. Còn El Nino năm 2019-2020 được đánh giá ảnh hưởng mạnh hơn nhưng nhờ có kinh nghiệm và giải pháp ứng phó nên thiệt hại chỉ 60.000 ha và không có diện tích mất trắng 100%.
"Trên căn cứ cốt tác động El Nino năm 2015-2016 và 2019-2020, Cục Trồng trọt sẽ xây dựng kế hoạch ứng phó để giảm thiểu thiệt hại", ông Cường chia sẻ.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/thoi-co-cho-gao-viet-xuat-khau-142522.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.