Cần đẩy mạnh phát triển hệ thống cảng hàng không để đáp ứng nhu cầu vận tải

Theo Hiệp hội các hãng hàng không quốc tế (IATA) dự kiến sẽ có 4 tỷ hành khách đi lại bằng đường hàng không vào năm 2024, tăng 3% so năm 2019 là năm trước đại dịch Covid -19. So với năm 2019, lượng khách nội địa sẽ đạt 103% vào năm 2023, 111% vào năm 2024 và 118% vào năm 2025. Đối với Việt Nam, hết năm 2022, thị trường hàng không nội địa đã phục hồi hoàn toàn và có sự tăng trưởng cao so với giai đoạn năm 2019.
Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc Đón chuyến bay quốc tế đầu tiên đến Nhà ga T2 - Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài

Đòn bẫy phát triển kinh tế

Hoạt động kinh tế thế giới đang dần hồi phục đang tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là với ngành hàng không. Tổng thị trường vận tải hàng không Việt Nam năm 2023 được ước tính sẽ đạt xấp xỉ 80 triệu khách và 1,44 triệu tấn hàng hóa, tăng tương ứng 45,4% về hành khách và 15% về hàng hóa so với năm 2022. So với năm 2019, các con số này tăng xấp xỉ 1% và 14,8%.

Ông Đinh Việt Sơn - Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, chia sẻ: Để kịp thời đón bắt bước hồi phục của thị trường hàng không, ngành hàng không Việt Nam đã triển khai hàng loạt dự án nâng cấp kết cấu hạ tầng hàng không, trong đó quan trọng nhất là các dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn tại các Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất , cải thiện và nâng cao đáng kể năng lực phục vụ của các cảng hàng không này, kịp thời đón đầu sự hồi phục của vận tải hàng không.

Ngành hàng không có vị trí, vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế, là cầu nối quan trọng giữa Việt Nam và thế giới. Việc tăng trưởng, phát triển của ngành hàng không tạo ra môi trường thuận lợi cho các hoạt động thương mại, đầu tư, xuất nhập khẩu, du lịch phát triển đồng thời là nhân tố góp phần cho sự thành công của quá trình hội nhập quốc tế của nền kinh tế.

Tốc độ tăng trưởng của ngành hàng không gắn liền với yêu cầu mở rộng mạng lưới sân bay và đường bay để đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Thực tế, sân bay không chỉ là điểm trung chuyển quan trọng của dòng lưu thông con người và hàng hóa mà còn kết nối các hoạt động giao thương, xuất nhập khẩu, du lịch, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế.

Theo các chuyên gia, tại những khu vực có địa hình phức tạp, cách trở về mặt địa lý như miền núi cao, hải đảo… sự hiện diện của sân bay sẽ xóa khoảng cách, giúp việc đi lại dễ dàng, tiết kiệm thời gian và chi phí, giúp việc di chuyển, thông thương, kinh doanh giữa các tỉnh thành, vùng miền, giữa trong nước với thế giới càng trở nên thuận lợi.

Tại Việt Nam, Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) dự báo tới năm 2035, hàng không Việt sẽ phục vụ tới 136 triệu hành khách và đóng góp 23 tỷ USD vào GDP.

Dễ nhận thấy, những địa phương được đầu tư hạ tầng hiện đại, trong đó có việc xây mới hoặc đầu tư nâng cấp sân bay thì ngành du lịch sẽ được kích hoạt, lượng khách tăng mạnh, mang đến nguồn thu lớn cho địa phương. Trong đó tiêu biểu phải kể đến các sân bay Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang…

Hình thành 33 cảng hàng không vào năm 2050

Thực tế hiện nay, mạng lưới sân bay tại Việt Nam còn mỏng. Hiện cả nước chỉ có 22 cảng hàng không đang khai thác, trong đó 20 cảng có nguồn gốc là sân bay quân sự được cải tạo, nâng cấp thành sân bay dân dụng. Chỉ có 1 cảng hàng không do tư nhân đầu tư là sân bay quốc tế Vân Đồn. Vì vậy, nhu cầu mở rộng mạng lưới sân bay nội địa để kết nối các địa phương trên cả nước được đánh giá là quan trọng và cấp thiết.

Sân bay Quốc tế Đà Nẵng hướng đến 30 triệu hành khách/năm
Sân bay Quốc tế Đà Nẵng hướng đến 30 triệu hành khách/năm

Trước tình hình trên, Cục Hàng không Việt Nam đã quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo quy hoạch mới này, đến năm 2050, cả nước hình thành 33 cảng hàng không, gồm: 14 cảng hàng không quốc tế và 19 cảng hàng không quốc nội.

Mới đây, ngày 7/6/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 648/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, phát triển hệ thống cảng hàng không theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu vận tải, hội nhập quốc tế sâu rộng.

Về vận tải, tổng sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không khoảng 275,9 triệu hành khách (chiếm 1,5-2% thị phần vận tải giao thông và chiếm 3-4% tổng sản lượng vận tải hành khách liên tỉnh). Tổng sản lượng hàng hóa thông qua các cảng hàng không khoảng 4,1 triệu tấn (chiếm 0,05-0,1% thị phần vận tải giao thông).

Nghiên cứu, đầu tư các cảng hàng không mới để nâng tổng công suất thiết kế hệ thống cảng hàng không đáp ứng khoảng 294,5 triệu hành khách, phấn đấu hơn 95% dân số có thể tiếp cận tới cảng hàng không trong phạm vi 100km.

Đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng, thiết bị quản lý bay theo hướng đồng bộ, hiện đại, ngang tầm khu vực, đáp ứng nhu cầu vận tải. Từng bước đầu tư các trung tâm logistics, trung tâm đào tạo, huấn luyện bay, bảo dưỡng sửa chữa máy bay và hệ thống trang thiết bị bảo đảm hoạt động bay.

Đến năm 2050, hình thành 33 cảng hàng không cùng 2 trung tâm vận tải hàng không đầu mối trung chuyển quốc tế ngang tầm khu vực tại vùng Thủ đô Hà Nội và vùng TP. Hồ Chí Minh. Đầu tư đưa vào khai thác các cảng hàng không mới phấn đấu khoảng 97% dân số có thể tiếp cận tới cảng hàng không trong phạm vi 100km. Mở rộng, nâng cấp các cảng hàng không tại các trung tâm kinh tế vùng, bảo đảm nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Ngành hàng không và kết cấu hạ tầng hàng không có tính đặc thù cao, được xác định là một trong 3 đột phá chiến lược, cần ưu tiên đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, bền vững, phù hợp với xu thế phát triển của hàng không thế giới. Do đó, cần tập trung nguồn lực đầu tư một số cảng hàng không quan trọng, đóng vai trò đầu mối; huy động tối đa mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng hàng không…

Riêng nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống cảng hàng không đến năm 2030 là khoảng 420 nghìn tỷ đồng, được huy động từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Corporation, cho rằng việc mở rộng mạng lưới sân bay giúp ngành hàng không phát triển, giúp việc kết nối với các khu vực thuận lợi, nhất là đối với đất nước có chiều dài như Việt Nam. Quy hoạch đã vạch rõ lộ trình, bước đi đối với sân bay nội địa, sân bay quốc tế sẽ tạo thuận lợi cho việc phân cấp, phân quyền để thu hút vốn đầu tư, xã hội hóa nhằm thêm nguồn lực đầu tư tốt hơn. Có thể kêu gọi vốn FDI cho việc đầu tư hạ tầng cảng hàng không, sân bay.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/can-day-manh-phat-trien-he-thong-cang-hang-khong-de-dap-ung-nhu-cau-van-tai-142513.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.