Cầu Thê Húc. Màu sơn được nước mưa rửa nom đỏ au.
Tôi đứng trên cầu Thê Húc nhìn ra xa. Trong màn mưa những ngôi nhà cao tầng hiện lên cũng như một câu chuyện cổ tích vậy. Mới đây mà đã hơn nửa thế kỷ dựng xây. Hình ảnh mái ngói cổ phong, rêu mốc Hà Nội chỉ còn là kỷ niệm. Từ xưa cái mảnh đất "Chẳng thơm cũng thể hoa nhài..." này đã có ba mươi sáu phố phường. Nhưng cái đập vào mắt du khách là mái ngói của những ngôi nhà cổ khắc khoải với rêu phong, lô xô chạy dọc phố. Chính nét bất biến đầy thơ mộng ấy đã xác định cái hình hài, cái thanh lịch của Hà Nội phố trong thơ ca, nhạc họa. Các nghệ sĩ tài danh cũng có những cái tên được gắn trên những mái phố hết sức lãng mạn của đất kinh kỳ ngàn năm.
Tôi chầm chậm đi đến gần cây lộc vừng có năm thân ngả bên hồ mà thấy bâng khuâng nhớ đến lão gia Võ An Ninh trăm tuổi về trời. Cây lộc vừng này đã trở thành hình ảnh “độc quyền” của lão nghệ sĩ này. Vậy mà mưa đã bay đã hàng trăm năm rồi. Tôi lại nhớ đến cố hoạ sỹ Bùi Xuân Phái. Nhắc đến phố Hà Nội bấy lâu nay không ai có có thể quên ông. Có thể nói cuộc đời ông đã được mái phố Hà Nội đan dệt và thăng hoa. Ông buồn với bóng dáng ai cô quạnh trên góc phố mưa phùn. Bên cạnh đó lá bàng rơi trên mái phố đỏ hoe con mắt khóc thổn thức cho thân phận đời người. Ông mừng vì những tia nắng trượt dài trên mái phố và con chim bồ câu đang ngơ ngác ngóng bạn. Người ta còn gọi ông bằng cái tên Phái "phố". Đó là cái nét thanh lịch ấm áp và dịu dàng của Hà Nội.
Nhắc đến thơ ca, đến nay ai cũng nhớ đến "Nóc phố mồ côi mùa đông" trong “Hà Nội phố” (nhạc Phú Quang, thơ Phan Vũ). Hoặc cũng chẳng thể nào quên có một Nguyễn Cường với “Mãi vẫn là tuổi thơ tôi Hà Nội” với những câu hát bâng khuâng "Mái nhà nào chờ tôi…". Và nữa chứ, đó là những mái phố ẩm mốc, hổn hển qua những bức ảnh đen trắng đặc sắc của Võ An Ninh và Đỗ Huân.
![]() |
Giờ đây các mái phố ấy đâu rồi? Chúng ẩn hiện chập chờn trong ký ức và lẻ loi thấp thỏm. Đây đó những mái phố còn nghiêng nghiêng trong chiều mưa nhưng cũng chỉ dấu ấn vương lại mà thôi. Trên cái nền trừ tịch của lịch sử ngàn năm Hà Nội đã vươn lên trong cuộc sống mới. Tôi bần thần quay lại, bước lên từng hòn đá quanh chân, tựa vào tháp Bút và hiểu rằng khí phách cha ông xưa ngang dọc trời đất để gìn giữ một nền văn hiến Thăng Long của ngàn năm. Nhưng rồi đây phố vẫn phải đổi thay. Những cô gái giờ đây chỉ mặc áo dài khi vào những ngày lễ hội non sông. Cái viền áo tròn trĩnh trên cổ kiêu ba ngấn cũng chỉ là hình ảnh được tôn vinh như những mái phố lung linh cổ kính. Còn giờ đây những cánh áo xanh tình nguyện viên đang làm rạo rực mọi con đường. Và tôi những suy tư mưa đã trầm mặc dưới vòm cây gạo khô vừa trút lá.
Nói vậy, bởi trong lòng tôi vẫn tiếc những cây bên hồ khi chúng bị đổ gục trong mưa bão. Những lung lay, rạn vỡ của vạn vật xưa đều có màu của mưa gió. Những mầm non được ủ từ ngàn năm cổ kính cũng vẫn xum xuê trổ lá. Tôi đi trong niềm hy vọng đón một thu lá bay mát rượi bên hồ Gươm…
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/ho-guom-chieu-mua-142404.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.