Cải thiện thu nhập
Tại huyện Chư Prông, thời gian qua, chính quyền địa phương đưa ra nhiều giải pháp khuyến khích người dân chuyển đổi cây trồng và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ đó, nhiều nông hộ có đời sống ổn định, cải thiện được nguồn thu nhập từ sản xuất nông nghiệp.
Đơn cử, chị Vũ Thị Hoan, xã Ia Piơr, huyện Chư Prông có 5.000m2 đất canh tác nông nghiệp. Ban đầu, chị Hoan trồng ngô và sắn, sau đó mua thêm hơn 1ha đất đang trồng điều, sắn và ngô… Song cây điều thường xuyên mất mùa, ngô và sắn không ổn định về giá nên thu nhập chẳng bao nhiêu. Trước thực tế đó, chị Hoan đã chuyển đổi sang trồng cây ăn trái. Năm 2017, chị quyết định san ủi, cải tạo hơn 1ha đất và mua 400 cây nhãn giống về trồng thử nghiệm. Từ năm 2020 đến nay, nhãn bắt đầu cho thu hoạch, trung bình mỗi năm 12-15 tấn, bán với giá 25-30 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm, chị Hoan có lãi 250-300 triệu đồng. Ngoài ra, còn thu về 20-30 triệu đồng/năm từ ao cá... Chị Hoan cho hay, hiện thu nhập từ vườn cây ăn trái khá ổn định.
![]() |
Hiện các địa phương tập trung tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững |
Hay như chị Nguyễn Thị Trung, xã Ia Piơr đã chuyển đổi từ cây hồ tiêu sang trồng chuối. Trước đây, chị Trung trồng 3ha hồ tiêu, thế nhưng mới thu hoạch được năm đầu tiên thì cây bắt đầu nhiễm bệnh và chết, khiến gia đình điêu đứng, do không thu hồi được vốn đầu tư, nên lâm vào cảnh nợ nần. Sau đó, chị tìm hiểu các mô hình làm kinh tế nông nghiệp hiệu quả và chọn cây chuối để chuyển đổi toàn bộ diện tích hồ tiêu. Nghĩ là làm, đầu năm 2019, quyết tâm cải tạo toàn bộ diện tích đất trồng hồ tiêu để đầu tư trồng chuối. Đến nay cây chuối đã mang lại thu nhập ổn định, gia đình lãi 150 triệu đồng từ 3ha chuối mỗi năm.
Theo UBND xã Ia Piơr, gần đây những nông hộ chuyển đổi cây trồng bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Bên cạnh đó, nhiều nông hộ tranh thủ các nguồn vốn vay ưu đãi do các hội, đoàn thể hỗ trợ để chuyển đổi cơ cấu cây trồng nên đã cải thiện thu nhập rõ rệt.
Sự vào cuộc của chính quyền địa phương
Còn tại huyện Chư Pưh, địa phương từng được mệnh danh “vựa hồ tiêu” của cả nước, giai đoạn 2014-2016, dịch bệnh làm khoảng 1.500ha hồ tiêu bị chết, đẩy nhiều gia đình rơi vào cảnh khó khăn. Trước tình hình đó, chính quyền địa phương khuyến khích người nông dân chuyển sang trồng cây ăn quả. Sau nhiều năm kiên trì, đến nay, việc chuyển đổi cây trồng tại Chư Pưh đã phát huy hiệu quả tích cực.
Điển hình như gia đình ông Trần Đình Trọng, xã Ia Blứ. Năm 2016, ông chuyển đổi diện tích hồ tiêu bị chết sang trồng sầu riêng và bơ. Năm nay, một phần diện tích trồng sầu riêng đang cho thu hoạch, khoảng 6 tấn quả. Theo ông Trọng, với giá 60 ngàn đồng/kg sầu riêng như hiện nay, có thể thu hơn 300 triệu đồng, tăng gấp 3 lần so với năm ngoái. Đặc biệt, vườn sầu riêng có mã số vùng trồng, liên kết đóng gói xuất khẩu nên không lo về đầu ra…
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Pưh, trước thực trạng nhiều diện tích hồ tiêu bị chết do dịch bệnh và một phần người nông dân bỏ bê, chăm sóc kém do giá hồ tiêu lao dốc trong những năm trước, chính quyền địa phương cùng với phòng chuyên môn của huyện Chư Pưh tập trung tuyên truyền; khuyến khích nông dân tập trung chuyển đổi cây trồng. Ban đầu gặp nhiều khó khăn, do người nông dân bị thâm hụt vốn, nợ nần, không còn vốn để tái đầu tư; nhiều hộ dân bỏ đi làm ăn ở nơi khác. Tuy nhiên, với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, đến nay, toàn huyện đã có khoảng 1.500ha đất trồng hồ tiêu chuyển đổi sang các loại cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và nhu cầu thị trường. Đặc biệt, nhiều diện tích sầu riêng cho thu hoạch với giá thu mua ổn định, giúp người dân yên tâm sản xuất.
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tiếp tục khuyến khích người dân chủ động chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, phù hợp với nhu cầu thị trường. Đặc biệt, huyện tiếp tục giữ ổn định diện tích cây trồng chủ lực như cà phê, hồ tiêu và cây ăn quả; tuyên truyền, vận động người dân tham gia các hợp tác xã để liên kết sản xuất tập trung theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm. Huyện Chư Pưh chú trọng xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc để nâng cao chất lượng nông sản, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu, mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất cho người dân
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, riêng từ đầu năm 2023 đến nay, người dân trên địa bàn đã chuyển đổi hơn 2.633ha cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Trong đó, chuyển đổi hơn 831ha đất trồng lúa thường xuyên bị hạn sang trồng các loại rau màu, đậu đỗ, khoai lang, dưa hấu; chuyển nhiều diện tích sắn, mía, cao su, hồ tiêu… kém hiệu quả được chuyển sang trồng các loại cây ăn quả, mang lại giá trị kinh tế tăng 2-4 lần so với trước khi chuyển đổi.
Cùng với đó, người dân các địa phương từng bước thay đổi phương thức canh tác từ chọn giống tốt, ứng dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tiêu chuẩn nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ…
Thời gian tới, ngành Nông nghiệp Gia Lai tiếp tục định hướng các địa phương tổ chức lại sản xuất theo hướng sản xuất hàng hoá, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá bền vững. Đẩy mạnh chuyển đổi những diện tích đất trồng lúa, mía, sắn, cao su, hồ tiêu… kém hiệu quả sang các loại cây có giá trị kinh tế cao nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người dân.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/chuyen-doi-cay-trong-thich-ung-bien-doi-khi-hau-142321.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.