Cấp bách phát triển hạ tầng vùng Đông Nam Bộ
09:47 | 28/07/2023
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đóng góp hơn 50% GDP của cả nước. Hiện tại, tuy vẫn đứng đầu nhưng bị sụt giảm do thiếu kết nối vùng; các tuyến đường vành đai và tuyến cao tốc còn ít, triển khai chậm; ách tắc lưu thông tại các trung tâm tăng trưởng quốc gia và kết nối quốc tế, các nút giao thông TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu.
Gần 4,3 triệu tỷ đồng cho vay khu vực Đông Nam bộ Đồng hành thúc đẩy phát triển kinh tế vùng Đông Nam bộ |
Theo TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, giao thông là “điểm nghẽn” nghiêm trọng của vùng Đông Nam Bộ, nghẽn trên cả 3 tuyến đường bộ, hàng không và đường biển. Hiện sân bay Tân Sơn Nhất đang quá tải, cảng quốc tế Cái Mép – Thị Vải thiếu đồng bộ, thiếu kết nối đường bộ, đường sắt… Trên thực tế, Đông Nam Bộ không phát triển đúng tầm sẽ ảnh hưởng lớn tới cả nước.
![]() |
Đường cao tốc hiện được coi là điểm yếu của vùng Đông Nam bộ |
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ hiện đã đưa vào khai thác 103km, đang thi công 178km và chuẩn bị khởi công 126km; phấn đấu đến 2025 sẽ có trên 400km đường cao tốc đưa vào khai thác. Về đường sắt, đang triển khai nâng cấp, cải tạo đường sắt Thống Nhất đoạn Nha Trang – TP.Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên, Bến Thành - Tham Lương; nghiên cứu xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, TP.Hồ Chí Minh - Cần Thơ, Biên Hòa - Vũng Tàu…
Tuy nhiên, đây mới là những kết quả bước đầu, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của vùng Đông Nam Bộ vẫn còn nhiều hạn chế, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và nhu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông cấp vùng, liên vùng còn thiếu và chưa đồng bộ; các tuyến Vành đai 3, Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh chưa hoàn chỉnh; tiến trình xây dựng đường sắt đô thị tại TP.Hồ Chí Minh còn chậm nên chưa giải quyết triệt để được ùn tắc giao thông nội đô...
Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đông Nam bộ nhanh, bền vững, Bộ Giao thông - Vận tải đã trình Thủ tướng phê duyệt 5 quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực giao thông vận tải. Trong đó, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vùng đã được quy hoạch theo hướng tích hợp, bảo đảm tính liên kết đồng bộ, phát huy lợi thế của từng phương thức vận tải. Theo ông Nguyễn Văn Thắng, theo các quy hoạch, dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ khoảng 738.500 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 342.000 tỷ đồng (ngân sách Trung ương đã bố trí khoảng 60.800 tỷ đồng); giai đoạn 2026 - 2030 cần tiếp tục huy động khoảng 396.500 tỷ đồng, tập trung đầu tư vào các dự án trọng điểm, liên kết vùng, tạo động lực lan tỏa. Để đạt được các mục tiêu nêu trên, cần triển khai đồng bộ các giải pháp trong phối hợp triển khai thực hiện và thu hút nguồn lực xây dựng mạng lưới giao thông vùng Đông Nam Bộ.
Góp ý để phát triển hạ tầng vùng Đông Nam Bộ, TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia nhấn mạnh, Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đông Nam Bộ có nêu vấn đề mở rộng cơ chế phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong vùng. Các cơ chế phân cấp này trong Nghị quyết 98 của Quốc hội (thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh) đã cho phép TP.Hồ Chí Minh thực hiện, vì vậy đề nghị có thể áp dụng mở rộng các nội dung có trong các cơ chế, chính sách của Nghị quyết 98 cho các địa phương trong vùng. Trong đó, cần áp dụng mô hình TOD (mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng) cho các địa phương trong vùng theo Nghị quyết 98 của Quốc hội. Nếu làm tốt mô hình TOD thì quỹ đất đô thị hóa là "con gà đẻ trứng vàng" cho ngân sách. Đối với mô hình này, từ quỹ đất đô thị hóa có thể phát triển hệ thống giao thông của cả vùng Đông Nam Bộ.
Bên cạnh đó, theo ông Lịch cần nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù có tính đột phá, vượt trội để đẩy mạnh phát triển vùng, thúc đẩy liên kết vùng tương tự như một số cơ chế, chính sách thí điểm của TP.Hồ Chí Minh tại Nghị quyết 98.
Minh Lâm