Đặc sắc các sản phẩm nghệ thuật tri ân thế hệ cha anh

Tôn vinh những người lính đã đi qua hai cuộc chiến vệ quốc vĩ đại, cũng như tri ân các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì nền độc lập của Tổ quốc, nhiều tác phẩm sân khấu cũng như triển lãm đã diễn ra ở nước ta. Qua đó giáo dục các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ về lòng tự hào dân tộc và tình yêu quê hương đất nước.
Ban quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) cho biết, triển lãm chuyên đề “Mầm xanh trên đá” vừa khai mạc nhân Kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2023). Theo Ban tổ chức, “Mầm xanh trên đá” giới thiệu với công chúng nhiều tư liệu, hình ảnh giá trị về tinh thần đấu tranh can trường của các chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi, như một sự tri ân sâu sắc những thanh thiếu niên đã hy sinh vì nền độc lập tự do của đất nước.
Hoạt cảnh “Cúc ơi!” do các nghệ sĩ Liên đoàn Xiếc Việt Nam biểu diễn
Hoạt cảnh “Cúc ơi!” do các nghệ sĩ Liên đoàn Xiếc Việt Nam biểu diễn

Triển lãm thể hiện qua 3 nội dung: Tuổi xanh nơi ngục lửa, Ngọn lửa Thành đồng và Ký ức không phai. Trong đó, Tuổi xanh nơi ngục lửa có điểm nhấn giới thiệu đến người dân phong trào đấu tranh của Đội Quân báo Thiếu niên Bát Sắt chống thực dân Pháp. Thành lập và hoạt động từ ngày 19/12/1946 đến cuối năm 1948, gồm 40 thành viên có độ tuổi từ 12 đến 17, Đội Quân báo Thiếu niên Bát Sắt trong cuộc chiến chống thực dân Pháp đã thực hiện nhiệm vụ đưa thư tín, mệnh lệnh của trên; đưa dẫn cán bộ ra vào vùng địch tạm chiếm. Sau này Đội quân được biết đến như một huyền thoại bất tử về khí phách và lòng yêu nước nồng nàn của tuổi trẻ Việt Nam.

Với nội dung Ngọn lửa Thành đồng, triển lãm giới thiệu tuổi trẻ miền Nam hăng hái dấn thân vào cuộc đấu tranh ác liệt, chống địch khủng bố, đòi hòa bình với nhiều hình thức như bãi khóa, biểu tình, hát cho đồng bào tôi nghe... trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. Các hoạt động đó không những lôi cuốn các tầng lớp nhân dân tham gia mà còn tăng cường sức mạnh cho cách mạng miền Nam. Khi bị địch bắt giam trong các nhà tù, nhiều học sinh, sinh viên vẫn bất khuất đấu tranh, giữ mãi ngọn lửa nhiệt huyết thanh xuân.

Cuối cùng là nội dung Ký ức không phai, đã đem tới những hình ảnh sau khi thoát khỏi ngục tù, các thanh thiếu niên lại tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng, đóng góp công sức cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước. Ngoài ra, tại triển lãm “Mầm xanh trên đá”, Ban tổ chức thực hiện hoạt cảnh tái hiện một số hoạt động của học sinh, sinh viên kháng chiến Hà Nội những năm 1949 - 1950 như: tham gia bãi khóa, phản đối địch khủng bố, bắt bớ học sinh và sự kiên cường, giữ vững khí tiết của học sinh kháng chiến khi bị tra xét tại Sở Mật thám… Các hoạt cảnh đã mang lại nhiều cảm xúc cho công chúng, du khách trong và ngoài nước.

“Mầm xanh trên đá” góp phần khơi dậy niềm tự hào dân tộc, giáo dục truyền thống yêu nước trong thế hệ trẻ, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” tốt đẹp của con người, đất nước Việt Nam. Cuộc triển lãm đã cho thế hệ trẻ hôm nay thêm hiểu và quý trọng giá trị của nền độc lập - hòa bình, từ đó ra sức, nỗ lực phấn đấu để xây dựng Tổ quốc ngày một phát triển, hùng cường hơn.

Hòa trong không khí này, tại Nhà trưng bày Triển lãm Thành phố Hải Phòng diễn ra triển lãm “76 năm đền ơn, đáp nghĩa”. Triển lãm trưng bày hơn 200 ảnh và bản trích, thống kê về Bác Hồ với công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, cũng như Hải Phòng cùng cả nước thực hiện các chính sách chăm sóc cho người có công; Thương binh tàn nhưng không phế góp phần phát triển kinh tế. Đến với triển lãm, người dân, du khách và các em học sinh được thưởng lãm những bức ảnh lịch sử, những tư liệu quý nhân ngày thương binh liệt sĩ để hiểu thêm về truyền thống lịch sử của dân tộc, của đất nước và biết quý trọng hòa bình hơn.

Đặc biệt hơn, một số nhà hát trong cả nước đã dựng các vở diễn nhằm tôn vinh những người lính đã đi qua hai cuộc chiến vệ quốc vĩ đại, cũng như tri ân các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì nền độc lập của Tổ quốc. Liên đoàn Xiếc Việt Nam dàn dựng và thực hiện chương trình nghệ thuật “Đi cùng năm tháng 2023” qua ngôn ngữ xiếc. Tại chương trình có hoạt cảnh “Cúc ơi!” (tưởng nhớ 10 nữ thanh niên xung phong hy sinh ở Ngã Ba Đồng Lộc). Bằng các màn xiếc nhào lộn, uốn dẻo, đu dây, thăng bằng, sức mạnh đôi tay… hoạt cảnh đã tái hiện câu chuyện và sự hy sinh anh dũng của 10 nữ thanh niên xung phong trong kháng chiến.

Chương trình còn có hoạt cảnh “Lê Anh Nuôi” về những đóng góp của lực lượng anh nuôi, tiếp phẩm trong kháng chiến, cùng sự tham gia của các nghệ sĩ còn có “diễn viên” đặc biệt dê và lợn. Hoạt cảnh “Vết chân tròn trên cát” thể hiện hình tượng những chiến sĩ bộ đội Cụ Hồ với tinh thần “tàn nhưng không phế”, được thể hiện qua các màn tung hứng, đi xe đạp một bánh… hấp dẫn. Độc đáo không kém là hoạt cảnh “Nơi đảo xa” khắc họa hình ảnh chiến sĩ hải quân canh giữ biển đảo Tổ quốc, thể hiện bằng các màn biểu diễn leo cột, nhào lộn… Hoặc hoạt cảnh “Huyền thoại mẹ” tôn vinh sự hy sinh của những người mẹ Việt Nam trong kháng chiến, qua màn biểu diễn dây da đôi đặc sắc.

Nhà hát kịch Công an Nhân dân lại gây ấn tượng với vở kịch nói “Người không cô đơn”. Tác phẩm sân khấu này đã cho khán giả nhận thấy tình yêu thương, sự đùm bọc, quan tâm của nhân dân, gia đình, bà con làng xóm… đối với người lính sau chiến tranh, bị thương và mất trí nhớ, giúp họ vượt qua khó khăn, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/dac-sac-cac-san-pham-nghe-thuat-tri-an-the-he-cha-anh-142231.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.