Công ty đã hỗ trợ hơn 21 ngàn hộ nông dân tiếp cận và thực hành sản xuất cà phê theo hướng công nghệ cao, giúp giảm được 40% nước tưới, giảm 20% lượng phân bón, giảm 20% chi phí sản xuất mà vẫn đảm bảo được năng suất cây trồng. Hoạt động này không những giúp cải thiện thu nhập của người nông dân, mà còn góp phần giảm phát thải khí nhà kính.
Tương tự, nhiều doanh nghiệp sản xuất tại KCN Tân Thuận (Quận 7) cam kết đến năm 2040 sẽ đạt được chỉ tiêu phát thải ròng bằng 0 (net-zero). Để đạt được mục tiêu, những doanh nghiệp đang nghiên cứu và đầu tư các chương trình sử dụng năng lượng tái tạo và sạch. Trong đó có dự án chuyển đổi sử dụng 50% năng lượng tái tạo vào năm 2030 và 100% năng lượng tái tạo vào năm 2040. Cụ thể, doanh nghiệp hướng tới không xả thải vào đất từ những sản phẩm trong quá trình sản xuất ở các nhà máy. Đối với chương trình giảm phát thải khí nhà kính, công ty buộc phải áp dụng các công nghệ sản xuất hiệu quả cao, nghiên cứu loại bỏ khí thải, hóa chất không cần thiết và sử dụng các loại khí sạch thay thế, lắp đặt các thiết bị giảm thiểu điều tiết khí CO2 được sử dụng trong quá trình sản xuất...
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những thách thức lớn về biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học và sự bất bình đẳng kinh tế - xã hội, việc phát triển doanh nghiệp xanh là một trong những giải pháp hiệu quả để góp phần bảo vệ hành tinh và nâng cao chất lượng cuộc sống cho con người. Doanh nghiệp xanh không chỉ giúp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, và cải thiện lợi nhuận, mà còn gây dựng được uy tín, niềm tin, và sự gắn kết với khách hàng, đối tác, nhân viên và cộng đồng.
Một trong những lợi ích của các doanh nghiệp xanh là tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Bằng cách áp dụng các công nghệ, quy trình và sản phẩm xanh, các doanh nghiệp có thể tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu suất và chất lượng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng ngày càng quan tâm đến vấn đề môi trường. Các doanh nghiệp xanh cũng có thể mở rộng thị trường xuất khẩu, khi các quốc gia phát triển ngày càng đặt ra những tiêu chuẩn môi trường cao hơn cho các sản phẩm nhập khẩu. Đặc biệt, khi các doanh nghiệp đạt chứng nhận xanh sẽ giúp tăng uy tín và niềm tin của khách hàng, đối tác, cộng đồng và có thể xây dựng hình ảnh thương hiệu tích cực, khẳng định trách nhiệm xã hội, tiên phong trong việc bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, các doanh nghiệp xanh còn giúp giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, giảm ô nhiễm không khí, nước và đất, giảm lượng rác thải và tăng hiệu quả sử dụng năng lượng và tài nguyên. Các doanh nghiệp xanh cũng có thể hỗ trợ các hoạt động bảo tồn thiên nhiên, phục hồi sinh cảnh và duy trì sự đa dạng sinh học. Như vậy, các doanh nghiệp xanh không chỉ là xu hướng kinh doanh hiện đại, mà còn là phương án hiệu quả trong việc phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
Bàn về vấn đề này, PGS.TS. Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ chịu nhiều tác động trước những rào cản xanh đặt ra bởi các thị trường quốc tế. Hiện nay, quá trình chuyển đổi xanh là yêu cầu thiết yếu, trong khi các doanh nghiệp vẫn còn nhiều thách thức về tài chính, công nghệ, thể chế. Đặc biệt, việc liên kết các bên đòi hỏi phải có sự nỗ lực, quyết tâm đồng bộ, nhất là vai trò của Nhà nước.
“Muốn phát triển hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn, cần các yếu tố như các quỹ đầu tư, tài trợ, mô hình hợp tác kết nối các bên, sự hỗ trợ quốc tế, công nghệ, nhân lực. Bên cạnh đó, cần mô hình thí điểm, vai trò "dẫn dắt" của doanh nghiệp đầu ngành, cùng phối hợp với nhà nước, nhà khoa học, tổ chức quốc tế. Với TP. Hồ Chí Minh, cần có đề án cụ thể phát triển theo hướng mở, có lộ trình từng bước và thực chất, hiệu quả, khả thi. Tất cả nhằm tăng khả năng cạnh tranh và hướng đến phát triển bền vững, kết nối hệ thống phân phối. Các tổ chức tín dụng cần có chính sách ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp được tiếp cận và vay vốn đầu tư với lãi suất ưu đãi, phù hợp với quy định của pháp luật” - PGS.TS. Nguyễn Hồng Quân nêu quan điểm
Nhiều chuyên gia cũng nêu quan điểm, muốn có doanh nghiệp xanh trước tiên phải xuất phát từ nhận thức đúng. Nhà sản xuất muốn cung cấp được những sản phẩm xanh cần có nguyên liệu đầu vào “sạch”. Tiêu dùng xanh chỉ là một khâu trong nền kinh tế xanh. Trong đó, mọi yếu tố cấu thành nên một sản phẩm đều phải có thể tái tạo được, không làm cản trở sự phát triển của xã hội, không làm ảnh hưởng đến môi trường.
“Hiện nay để thực hiện mục tiêu đến năm 2050, Việt Nam giảm phát thải bằng 0 mà Chính phủ đã nêu ra là thách thức rất lớn. Vì vậy, để có sản xuất xanh thì phải có nguyên liệu sạch, phải có năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, có lao động xanh, phải được đào tạo, có sự hiểu biết về môi trường, xã hội, quy trình sản phẩm sạch thì mới có thể vận hành quy trình sản xuất xanh” – chuyên gia nhận định.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/doanh-nghiep-xanh-tang-kha-nang-canh-tranh-142229.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.