Những góc nhìn từ ngôi vị quán quân trong kỳ thi THPT của Vĩnh Phúc

Vĩnh Phúc đứng đầu cả nước về điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đứng đầu cả nước về tỷ lệ tổng số điểm 10/tổng số thí sinh dự thi tại mỗi địa phương. Vĩnh Phúc đang xây dựng xã hội học tập, nếu làm tốt 5 năm tới sẽ làm thay đổi cả Vĩnh Phúc.
Những góc nhìn từ ngôi vị quán quân trong kỳ thi THPT của Vĩnh Phúc
Đồng chí Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 diễn ra cuối tháng 6 với hơn một triệu thí sinh dự thi. 943.300 thí sinh sử dụng kết quả vừa để xét công nhận tốt nghiệp, vừa để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.

Vĩnh Phúc giữ ngôi quán quân

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo về điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023 điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp THPT của học sinh Vĩnh Phúc đạt 7,16 điểm, giữ ngôi quán quân của cả nước, tăng thêm 1 bậc so với năm 2022.

Công bố của Bộ Giáo dục và Đào tạo hôm 18/7/2023 về thống kê điểm kỳ thi này cho biết Vĩnh Phúc có 4/9 môn thi đứng vị trí top 1 cả nước đó là Lý, Sử, Địa, Giáo dục công dân; Vĩnh Phúc đứng thứ 2 trong cả nước về điểm thi môn Ngữ văn, và ở trong top 4 về môn Toán. Môn Hóa, Sinh đứng top 5. Môn Ngoại ngữ đứng top 7.

Nụ cười rạng rỡ, hạnh phúc của học sinh và phụ huynh học sinh Vĩnh Phúc trong ngày hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp. Ảnh: Trà Hương
Nụ cười rạng rỡ, hạnh phúc của học sinh và phụ huynh học sinh Vĩnh Phúc trong ngày hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp. Ảnh: Trà Hương
Với vị trí đứng đầu cả nước về điểm bình quân các bài thi, Vĩnh Phúc đã tăng 1 bậc so với năm ngoái
Với vị trí đứng đầu cả nước về điểm bình quân các bài thi, Vĩnh Phúc đã tăng 1 bậc so với năm ngoái

Vĩnh Phúc ở trong top 5 địa phương có số điểm 10 cao nhất cả nước với 683 điểm 10. gồm Hóa học (3), Vật lý (2), Lịch sử (40), Ngoại ngữ (6), Giáo dục công dân (632).

Nếu xét theo tổng số điểm 10/tổng số thí sinh dự thi tại mỗi địa phương, Vĩnh Phúc lại là tỉnh có tỉ lệ đạt điểm 10 cao nhất cả nước với tỉ lệ 4,86%. Năm nay, Vĩnh Phúc có hơn 14.000 thí sinh dự thi, tổng số điểm 10 đạt được là 683 bài.

Vĩnh Phúc cũng là tỉnh liên tục có nhiều học sinh đoạt giải trong các cuộc thi quốc gia và quốc tế.

Năm 2021 Vĩnh Phúc là tỉnh có số lượng đạt giải nhất học sinh giỏi cao nhất cả nước, đứng thứ 5 toàn quốc về điểm thi trung bình các môn thi kỳ thi THPT. Năm 2022 Vĩnh Phúc đứng thứ 3 về tỷ lệ đạt giải học sinh giỏi, năm 2023 Vĩnh Phúc vượt lên vị trí thứ 2.

Đặc biệt trong hơn 3 năm qua tỉnh đã có 4 học sinh đạt huy chương trong các kỳ thi Olympic Quốc tế các môn Toán, Sinh học và Vật lý.

Vĩnh Phúc là một trong 4 tỉnh sớm nhất cả nước hoàn thành biên soạn, giảng dạy tài liệu giáo dục địa phương đối với lớp 1. Vĩnh Phúc cũng ở trong top 5 đơn vị đứng đầu toàn quốc về chất lượng trong dạy, học, thi cử và kiểm định chất lượng giáo dục.

Kết quả này có được từ sự đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực giáo dục và những sự nỗ lực đổi mới giáo dục, nâng cao chất lượng dạy và học với một tầm nhìn cao của Vĩnh Phúc trong những năm qua.

Giáo dục lành mạnh, trường học hạnh phúc

Từ nhiều năm qua Vĩnh Phúc luôn đau đáu, luôn trăn trở để phát triển văn hóa, tiếp tục đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng con người Vĩnh Phúc đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Ngày 10/12/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc khóa XVII đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU về Phát triển giáo dục tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030.

Nghị quyết 10 nêu rõ quan điểm: Phát triển giáo dục để nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển bền vững, được gắn liền với chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Xây dựng nền giáo dục Vĩnh Phúc theo hướng giáo dục mở, tạo ra sự bình đẳng về tiếp cận giáo dục cho mọi người. Đồng thời thực hiện đổi mới toàn diện giáo dục. Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, văn minh, thân thiện, xây dựng trường học hạnh phúc.

Chia sẻ về tầm nhìn và những hoài bão đối với phát triển giáo dục đào tạo của Vĩnh Phúc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành nói lên điều trăn trở: “Giáo dục cần sự ổn định, thế nhưng thực tiễn lại đòi hỏi chúng ta phải đổi mới liên tục, vậy thì vấn đề ở đây đặt ra là đổi mới thế nào để vừa đáp ứng được nguyên tắc, chuẩn mực của nghề, mà cũng đáp ứng được yêu cầu đổi mới của ngành, của xã hội”.

Để tạo điều kiện tốt nhất cho dạy và học, mạng lưới trường lớp được rà soát, sắp xếp lại cơ bản hoàn chỉnh theo hướng tinh gọn giảm đầu mối và hạ tầng giáo dục được tăng cường đầu tư, hoàn thiện. Tỉnh đã dành hàng nghìn tỷ đồng đề cải tạo, sửa chữa các trường học đảm bảo đạt Chuẩn Quốc gia.

Cơ sở vật chất trường lớp tiếp tục được ưu tiên đầu tư. Đã có một số trường THPT được xây dựng mới như trường THPT chuyên Vĩnh Phúc, trường THPT Trần Hưng Đạo, trường THPT Nguyễn Thị Giang… tỉnh đã bố trí ngân sách để đầu tư xây dựng mới 6 trường THCS Chất lượng cao, xây dựng không gian đọc sách trong trường học.

Thiết bị dạy học tại các trường từng bước được hiện đại hóa, chất lượng giáo dục ngày càng tăng lên. Tỷ lệ phòng học kiên cố bậc mầm non đạt hơn 90%, bậc Tiểu học và Trung học cơ sở đạt hơn 98%, bậc Trung học phổ thông đạt 100%.

Đề án phát triển giáo dục giai đoạn 2021-2025 được ban hành và đang tổ chức thực hiện.

Công tác nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp được quan tâm. UBND tỉnh đã ban hành Đề án phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Đến năm 2022 tỷ lệ đạt chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên cấp mầm non đã đạt 95,5%, cấp tiểu học đạt 85,6% và cấp THCS đạt 89,7%.

“Đổi mới, thay đổi là cần thiết, nhưng đổi mới thế nào, đổi mới ra sao để không bị lệch lạc, mất phương hướng mới là vấn đề quan trọng”, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc suy tư.

Tầm nhìn về xã hội học tập

Nghị quyết số 10 cũng đặt mục tiêu duy trì chất lượng giáo dục trong top đầu cả nước, phấn đấu đến năm 2030 Vĩnh Phúc đạt danh hiệu tỉnh học tập và tham gia vào mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO. Và giáo dục Vĩnh Phúc đạt trình độ tiên tiến của khu vực và tiếp cận trình độ tiên tiến của thế giới.

Phó bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Lê Duy Thành cho biết những vấn đề nữa tỉnh quan tâm đó là khuyến học, là xây dựng xã hội học tập, là xã hội hóa đầu tư để nâng cao điều kiện và chất lượng giáo dục. Ông tin tưởng: “Nếu xây dựng được một xã hội học tập thì sẽ có một mặt bằng dân trí cao, và nếu làm tốt thì trong vòng 5 năm tới sẽ làm thay đổi cả Vĩnh Phúc".

Kế hoạch “Xây dựng xã hội học tập” giai đoạn 2021-2030 được địa phương này ban hành. Mấy năm gần đây, phong trào khuyến học khuyến tài, phong trào đọc sách đang phát triển.

“Ai đó đã từng đúc kết: Trong dạy và học thì học quan trọng hơn. Trong học thì tự học là vô cùng quan trọng. Muốn tự học được thì phải có ý thức, có mong muốn. Công tác khuyến học đóng góp quan trọng vào điều đó”, Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ.

Quỹ khuyến học khuyến tài của tỉnh luôn duy trì ở mức hơn 50 tỷ đồng do người dân, do doanh nghiệp trong tỉnh đóng góp. Nhiều hoạt động như Hội sách, Hội thảo văn hóa đọc đã được tổ chức.

Ngày hội Văn hóa đọc được tổ chức với nhiều hoạt động phong phú tại 9/9 huyện, thành phố đang trở thành xu thế và góp phần xây dựng văn hóa đọc và xây dựng bản lĩnh, tri thức, văn hóa con người Vĩnh Phúc.

Một vấn đề đang là tâm huyết, là tầm nhìn của người lãnh đạo được Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ, đó là thu hút đầu tư và hội nhập trong giáo dục. Đây là vấn đề của ngành Giáo dục Vĩnh Phúc trong nhiệm kỳ này.

"Nếu giáo dục chỉ trông mãi bằng chi ngân sách thì mãi là giáo dục nghèo...”, Chủ tịch UBDN tỉnh Vĩnh Phúc xác định. Theo ông hội nhập trong giáo dục hiện nay là hết sức cấp thiết rồi chứ không phải là quan trọng nữa. Trong điều kiện thế giới phẳng hiện nay, chúng ta đào tạo ra các công dân, phải là công dân quốc tế.

Để thu hút đầu tư, để xã hội hóa giáo dục thì phải làm ngay từ mỗi nhà trường, mỗi gia đình. Đơn giản nhất là mỗi gia đình có thể đóng góp để con em học ngoại ngữ hay kỹ năng sống.

Hình thức xã hội hóa cao hơn đó là thu hút các trường tư có thương hiệu về đầu tư. Như thế, vừa thu được tiền, ngân sách không phải trả lương cho toàn bộ giáo viên của trường đó. Lại có được chất lượng giáo dục tốt, với chương trình kiến thức mang từ thế giới về.

Cách tốt nhất, con đường ngắn nhất của giáo dục để nâng tầm Vĩnh Phúc lên, đưa người dân ra biển lớn bắt kịp với thế giới, trao thêm cơ hội cho các em, các cháu chúng ta và giảm gánh nặng cho ngân sách chính là thu hút đầu tư vào giáo dục và hội nhập quốc tế của giáo dục, ông Lê Duy Thành chia sẻ.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/nhung-goc-nhin-tu-ngoi-vi-quan-quan-trong-ky-thi-thpt-cua-vinh-phuc-142003.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.