Nguồn điện sinh khối và điện rác của TP.HCM dự kiến đạt 340MW

Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM vừa kiến nghị UBND TP.HCM có văn bản gửi Bộ Công Thương đề nghị điều chỉnh quy mô nguồn điện sinh khối và điện rác của TP.HCM, dự kiến đạt 340 MW.

Theo Sở Tài Nguyên và Môi trường TP.HCM, trước đó, ngày 12/7, Bộ Công Thương có Tờ trình về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030. Theo đó, tờ trình này chỉ thể hiện quy mô nguồn điện sinh khối và điện rác của TP.HCM được ước tính chỉ là 19MW.

Nguồn điện sinh khối và điện rác của TP.HCM dự kiến đạt 340MW
Nhà máy xử lý điện rác Gò Cát (của Công ty Môi trường Đô thị TP.HCM tại Quận Bình Tân, TP.HCM) đã hòa điện vào lưới điện quốc gia.

Trong khi đó, hiện nay, trên địa bàn TP.HCM đang có 5 đơn vị xử lý đã ký hợp đồng cung ứng dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt với thành phố, bao gồm Công ty cổ phần Vietstar, Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa, Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS), Công ty cổ phần Tasco và Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM.

Sở Tài nguyên và Môi trường đã có quá trình làm việc và đề nghị các đơn vị xử lý tiến hành chuyển đổi công nghệ theo hướng áp dụng công nghệ hiện đại, có thu hồi năng lượng. Ngoài ra, hiện nay, TP.HCM đang kêu gọi đầu tư dự án xử lý chất thải rác sinh hoạt mới theo phương thức đối tác công - tư (Dự án PPP). Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã báo cáo cụ thể về tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác bằng công nghệ hiện đại, có thu hồi năng lượng.

Trên cơ sở rà soát các dự án xử lý chất thải rác sinh hoạt áp dụng công nghệ hiện đại, có thu hồi năng lượng đang thực hiện trên địa bàn, Sở Tài nguyên và Môi trường ước Công ty cổ phần Vietstar với công nghệ lò đốt Martin (Đức, chuyển giao công nghệ từ tập đoàn Sanfeng Covata, TQ) 2.000 tấn/ngày có công suất phát điện 40 MW; Công ty cổ phần Tâm Sinh Nghĩa xử lý rác 2.000 tấn/ngày có công suất phát điện 40 MW; Công ty cổ phần Tasco xử lý 500 tấn rác sinh hoạt, 500 tấn rác công nghiệp và 120 tấn rác nguy hại/ngày, công suất phát điện tương đượng 40 MW; Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) sử dụng công nghệ lò đốt Hitachi Zosen (Nhật), dự kiến xử lý 3.000 tấn/ngày có công suất phát điện 60 MW; Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị với công nghệ lò đốt Martin (Đức) xử lý 1.000 tấn/ngày có công suất 20 MW; Dự án mới kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP dự kiến xử lý 2.000 tấn/ngày có công suất 40 MW.

Như vậy, đối với khối lượng chất thải rắn sinh hoạt hiện hữu đang phát sinh trên địa bàn, quy mô công suất phát điện từ các nhà máy xử lý rác bằng công nghệ hiện đại, có thu hồi năng lượng ước tính là 240 MW.

Với hiện trạng khối lượng chất thải rác sinh hoạt đang có dấu hiện gia tăng trở lại sau khi thành phố trải qua giai đoạn phục hồi để khắc phục các hệ lụy của dịch bệnh Covid-19 đã gây ra, Sở Tài nguyên và Môi trường nhận định TP.HCM có thể phải tiếp tục kêu gọi đầu tư thêm dự án xử lý chất thải rác sinh hoạt hoặc tiến hành đặt hàng bổ sung các đơn vị xử lý để giải quyết khối lượng chất thải rác sinh hoạt phát sinh thêm trong giai đoạn đến năm 2030. Sở Tài nguyên và Môi trường ước tính quy mô nguồn điện từ khối lượng chất thải rác sinh hoạt phát sinh trong giai đoạn đến năm 2030 vào khoảng 100 MW.

“Do đó, tổng quy mô công suất phát điện từ điện rác trên địa bàn TP.HCM đến năm 2030 vào khoảng 340 MW, tương ứng với việc thu hồi năng lượng từ khoảng 15.000 tấn rác/ngày”, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi Trường TP.HCM cho biết.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/nguon-dien-sinh-khoi-va-dien-rac-cua-tphcm-du-kien-dat-340mw-141943.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.