Chủ tịch Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam Nguyễn Tuấn Anh cho biết “Chúng ta có một nền kinh tế năng động, với quy mô GDP trên 400 tỷ USD; số lượng hơn 800 ngàn doanh nghiệp, hơn 5,2 triệu hộ kinh doanh phi nông nghiệp… nhu cầu về vốn, nhất là vốn trung dài hạn rất cao. Ở các nước như Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, có tới trên 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) đi thuê tài sản, máy móc thiết bị, dây chuyền để sản xuất kinh doanh. Cho thuê tài chính thế giới có quy mô hàng ngàn tỷ USD, năm 2022 là 1.463 tỷ USD, tăng 9,3% so năm 2021, 5 quốc gia có dư nợ CTTC thuộc top đầu là: Mỹ 473 tỷ USD, Trung Quốc 341 tỷ USD, Anh 92 tỷ USD, Đức 90 Tỷ USD, Nhật 65 tỷ USD…Tại các thị trường phát triển, cho thuê tài chính là kênh hỗ trợ vốn trung dài hạn rất nhiều ưu việt cho các Doanh nghiệp (DN) và hộ dân, nhất là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ SME. Khi đi thuê tài chính các DN, hộ dân không phải thế chấp tài sản, giá trị đi thuê có thể lên tới 100% giá trị tài sản. Hàng ngàn khách hàng được hỗ trợ vốn để đầu tư tài sản là máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, dây chuyền sản xuất, bên cạnh đó một số Công ty cho thuê tài chính còn cho vay bổ sung vốn lưu động đối với khách hàng thuê tài chính…
Tuy nhiên tại Việt Nam, dù được sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành, nhất là chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Bộ Tài chính hiện có khoảng 10 Công ty cho thuê tài chính đăng ký còn hoạt động. Một con số khá khiêm tốn so với dung lượng thị trường cũng như tính toán của những nhà làm chính sách, trong đó quy định tối thiểu 11 thành viên để có thể thành lập và duy trì hoạt động của một Hiệp hội.
Dư nợ cung cấp cho khách hàng trong nền kinh tế đạt gần 40 ngàn tỷ đồng theo con số tổng hợp của 8 Công ty thành viên và liên kết trong Hiệp hội Cho thuê Tài chính, chất lượng tín dụng luôn được bảo đảm, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức khoảng 1%; Tuy nhiên, hiện quy mô dư nợ cho thuê tài chính tại Việt Nam còn rất khiêm tốn, chỉ chiếm 0,33% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế thấp, chưa chia sẻ được gánh nặng vốn trung dài hạn với các NHTM; số lượng Công ty cho thuê tài chính còn ít, sản phẩm dịch vụ được phép cung ứng hạn hẹp; doanh nghiệp và người dân biết đến kênh cho thuê tài chính chưa nhiều…
Các chuyên gia đến từ IFC, cùng chuyên gia quốc tế hàng đầu về cho thuê tài chính Sudhir Amembal cùng các chuyên gia, doanh nghiệp cho thuê tài chính cùng chung quan điểm nguyên nhân quan trọng khiến hoạt động cho thuê tài chính khó khăn hạn chế là từ hành lang pháp lý quy định về hoạt động của cho thuê tài chính cũng như chính sách về thuế, phí đối loại hình hoạt động cấp tín dụng bằng tài sản đặc thù này.
Ông Nguyễn Thiều Sơn Tổng giám đốc Công ty Cho thuê tài chính TNHH BIDV - SuMi TRUST Leasing (BSL) phân tích rõ hơn những rào cản pháp lý với cho thuê tài chính. Như về tổ chức, Điều 34 Luật Các TCTD quy định không được bổ nhiệm Người quản lý của Ngân hàng mẹ giữ vị trí quản lý tại Công ty. Quy định này sẽ làm cho thuê tài chính xa rời Ngân hàng mẹ thiếu sự giám sát chỉ đaọ vì vậy khó phát triển. Luật các TCTD hiện tại chưa cho phép Công ty cho thuê tài chính được góp vốn, mua cổ phần, thành lập công ty con, công ty liên kết dưới mọi hình thức.
Ông Sơn cho biết, trong lĩnh vực cho thuê thì sẽ có một chuỗi liên quan đến nhau, cần phải có sự tham gia vào để cùng kinh doanh, nếu cấm nếu cấm đầu tư những thứ không liên quan là đúng, nhưng liên quan đầu tư trong ngành trong nghề là chưa phù hợp.
Về hoạt động, luật cho phép cho thuê tài chính cho vay trực tiếp nhưng chỉ cho vay bổ sung vốn lưu động phục vụ trực tiếp chính tài sản đó (như cho vay mua xăng mua ô tô thì quá hạn chế) Hay như cho thuê tài chính chỉ được cung cấp dịch vụ tư vấn cho khách hàng thuê tài chính, môi giới bảo hiểm… Đặc biệt, ông Sơn chỉ ra việc không được vay từ 01 năm trở lên tại các TCTD (trừ Ngân hàng mẹ) (Thông tư 21/2012/TT-NHNN, Thông tư 01/2013/TT-NHNN) là vướng mắc lớn nhất của các Công ty CTTC hiện nay khi cấp tín dụng trung dài hạn nhưng với TCTD khác chỉ được vay ngắn hạn. Các nguồn thu công ty tài chính cũng bị giới hạn khi được thu phí thu xếp vốn vì vậy có nhiều việc công ty CTTC làm cho DN, Dn trả phí nhưng không thì được vì không có quy định.
![]() |
Ông Nguyễn Thiều Sơn chỉ ra nhiều vướng mắc trong hoạt động cho thuê tài chính |
Một vướng mắc khác được ông Nguyễn Thiều Sơn chỉ ra là một số chỉ tiêu giới hạn ở mức cao tương đương Ngân hàng Thương mại(Thông tư 22/2019/TT-NHNN và Thông tư 23/2020/TT-NHNN) như chỉ số đảm bảo khả năng thanh toán 20 ngày là 20% bằng ngân hàng. Ngân hàng đi huy động của dân nên phải đảm bảo chi tiêu này nhưng công ty CCTC chủ yếu vay từ ngân hàng mẹ và tổ chức, và trả nhà cung cấp thì yêu cầu thanh khoản không “căng” như thế, ông Sơn cũng chỉ ra một số điều khoản quy định pháp lý quá chi tiết cụ thể không linh hoạt phù hợp bối cảnh mới, làm giảm tính chủ động của DN Như Nghị định 39/2014/NĐ-CP Công ty CTTC có nghĩa vụ “Đánh giá năng lực tài chính, uy tín của bên cung ứng hoạt động hợp pháp”, “Đánh giá tính hiệu quả của dự án, phương án sử dụng tài sản”. Đây là vấn đề rất khó cho các công ty CTCT bởi khi đánh giá họ có thể đáp ứng, song một thời gian sau thì DN không còn đáp ứng được nhất là trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Hay như Công ty CTTC cho thuê máy móc thiết bị nhưng không có định nghĩa, quy định thế nào là máy móc thiết bị dẫn tới thiết bị bay không người lái dùng trong sản xuất công nghiệp trong Luật Hàng không là thiết bị bay nên luật các TCTD cấm cho vay...
Bên cạnh đó là những vướng mắc về hiệu lực của Thông tư liên tịch số 08/2007/TTLT-NHNN-BCA-BTP ngày 10/12/2007 về Hướng dẫn thu hồi và xử lý tài sản cho thuê tài chính dựa trên Nghị định 16/2001/NĐ-CP đã không còn hiệu lực.
Một khó khăn khác khiến các công ty CTTC như việc không được miễn thuế GTGT khi cho thuê tài chính đối với DN nằm trong khu chế xuất. Đánh thuế GTGT 2 lần trong trường hợp người thuê là đối tượng ưu đãi thuế; chưa linh hoạt trong việc áp dụng lệ phí trước bạ (Nghị định số 10/2022/NĐ-CP) đối với trường hợp mua tài sản từ cá nhân; thu phí sử dụng đường bộ đối với trường hợp thu giữ tài sản của công ty CCTC trong khi các NHTM được miễn…
Trước thực tế này, ông Nguyễn Thiều Sơn đề xuất rà soát, sửa đổi các quy phạm pháp luật nhằm đảm bảo nhất quán: Luật Các TCTD, Nghị định 39/2014/NĐ-CP, Thông tư 30/2015/TT-NHNN và các quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động cho thuê tài chính và hoạt động của các Công ty cho thuê tài chính. NHNN với vai trò là cơ quan chủ quản, phối hợp với các cơ quan chức năng khác (Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an, Bộ Công thương, v.v.) nhằm xây dựng hành lang pháp lý thống nhất và chặt chẽ, làmcơ sở cho các Công ty cho thuê tài chính thực hiện nghiệp vụ một cách an toàn, hiệu quả; Rà soát Thông tư liên tịch 08/2007/TTLT-NHNN-BCA-BTP và đưa vào các chế tài đối với việc xử lý tài sản thuê tài chính tương đương hoặc cao hơn cả tài sản đảm bảo.
Đặc biệt là rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về thuế GTGT và các loại phí, lệ phí liên quan đến hoạt động cho thuê tài chính. Đồng thời có các chính sách nhằm khuyến khích phát triển thị trường thuê tài chính thông qua việc khuyến khích sử dụng dịch vụ/ tài sản thuê tài chính, có giải pháp tăng cường truyền thông, phổ biến về dịch vụ thuê tài chính đến thị trường.
Các chuyên gia như TS, Cấn Văn Lực đề xuất nên có một chương riêng về CCTC trong Luật các TCTD không chỉ vì sự khác biệt giữa công ty CTTC với NHTM mà quan trọng hơn là để phát huy vai trò kênh dẫn vốn quan trọng trung dài hạn cho nền kinh tế đặc biệt trong bối cảnh khó khăn như hiện nay.
Ông Phạm Xuân Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội CCTC cho biết hiện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chỉ đạo toàn ngành tập trung trí tuệ, công sức tổng hợp, thu thập ý kiến xây dựng hoàn thiện Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi trình Quốc hội phê duyệt, trong đó có những điều khoản quan trọng về hoạt động của các Công ty cho thuê tài chính thuộc các thành viên của Hiệp hội Cho thuê tài chính (CTTC) Việt Nam. Các Hội viên của hiệp hội đã và đang tiếp tục nghiên cứu gửi các ý kiến về NHNN nhằm hoàn thiện Luật sửa đổi lần này. “10 năm mới có một lần nên Hiệp hội chúng tôi xác định đây là cơ hội vàng để giải trình, đóng góp với Quốc hội, Chính phủ, NHNN quan tâm giúp đỡ lĩnh vực CTTC cải thiện được môi trường pháp lý, thúc đẩy phát triển lĩnh vực này ngày một tốt hơn, đóng góp vào sự phát triển của ngành và kinh tế đất nước”
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/kien-tao-moi-truong-kinh-doanh-thuan-loi-de-phat-trien-hoat-dong-cho-thue-tai-chinh-o-viet-nam-141864.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.