Nhạc Việt khai thác “mỏ vàng” trong văn học
10:28 | 18/07/2023
Cùng với việc tìm về các chất liệu âm nhạc dân gian, hiện đang có xu hướng các ca sĩ, nghệ sĩ tìm đến các tác phẩm văn học nổi tiếng để khai thác, làm mới. Có thể nói, đó là hướng đi đúng đắn, vì văn học nói chung, trong đó có văn học dân gian, vẫn được ví là “mỏ vàng” để các nghệ sĩ khai thác.
Văn học trẻ: Chờ đợi sự bứt phá Văn học cho thanh, thiếu nhi: Cần thêm nhiều cây bút mới |
Mới đây, ca sĩ Phương Mỹ Chi để lại ấn tượng với MV "Đẩy xe bò" khai thác từ tác phẩm văn học nổi tiếng “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân - tác phẩm nằm trong sách Ngữ văn lớp 12. Điều thú vị, ít ngày sau khi công bố, đề thi tốt nghiệp kỳ thi THPT cũng có câu hỏi liên quan đến tác phẩm “Vợ nhặt”. Vì thế, người ta đùa rằng, Phương Mỹ Chi có tài… dự báo. Một điều thú vị nữa, MV “Đẩy xe bò” có sự tham gia của 200 sinh viên. Nhạc phẩm do DTAP sáng tác, thuộc thể loại folk-tronica pha trộn pop, house, nhạc dân gian. “Mượn” câu chuyện tình yêu thời xưa vào những năm 1945 để so sánh với tình yêu thời bây giờ, nữ ca sĩ bày tỏ: Dù đã đầy đủ hơn về vật chất nhưng tình yêu thời đại bây giờ lại có vẻ phức tạp hơn, khiến “hợp tan cũng nhanh tan hợp”.
Một ca sĩ khác cũng vừa ghi dấu ấn với việc khai thác văn học dân gian, đó là Tạ Quang Thắng. Cuối tháng 6 vừa qua, anh ra mắt MV "Sơn Tinh - Thủy Tinh" lấy cảm hứng từ chuyện xưa tích cũ trong văn hóa Việt. Tạ Quang Thắng mong muốn âm nhạc phải luôn ẩn chứa hồn dân tộc. Những câu chuyện xưa vẫn phải thường xuyên được kể, để con em chúng ta không bao giờ quên mình là người Việt Nam. “Nghệ sĩ Việt, dù có chơi thứ âm nhạc gì đi nữa thì cũng vẫn phải kể những câu chuyện của dân tộc mình”, ca sĩ sinh năm 1988 tâm sự.
Tất nhiên, Phương Mỹ Chi và Tạ Quang Thắng không phải là những nghệ sĩ tiên phong “khai sơn phá thạch”. Trước đó, có nhiều ca sĩ khác đã khai thác các tác phẩm văn học đương đại, văn học dân gian và âm nhạc dân gian để làm mới. Không thể không kể tới ca sĩ Hoàng Thùy Linh với MV “Để Mị nói cho mà nghe” lấy cảm hứng từ truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài, MV “Bánh trôi nước” dựa trên bài thơ cùng tên của “bà chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương; hay Đức Phúc với “Hết thương cạn nhớ” lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học đình đám “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao...
Bên cạnh đó, cũng cần nhắc tới Hòa Minzy ra mắt MV “Thị Mầu”. Trong MV này, Hòa Minzy hóa thân thành cô diễn viên chèo đang học nghề, với nhiều bỡ ngỡ trong việc hóa thân thành nhân vật Thị Mầu trong tác phẩm văn học nổi tiếng “Quan Âm Thị Kính”. Ca khúc “Thị Mầu” do nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Phong sáng tác và "nhào nặn" bởi nhà sản xuất âm nhạc Masew. Bài hát mang âm hưởng chèo kết hợp với nhạc điện tử, giai điệu và ca từ đều dí dỏm, vui tươi, bắt tai. Phần lời cũng được xây dựng dựa trên ngôn ngữ chèo, như lời tự sự của chính Thị Mầu: "Tự xưng em là Thị Mầu. Í là con gái phú ông. Tuổi em chứ còn bé lắm. Cũng chưa đến trăng rằm".
Có ý kiến cho rằng, tìm tới các tác phẩm văn học nổi tiếng để khơi nguồn cảm hứng, tiếp biến sáng tạo là sự lựa chọn khôn ngoan. Tương tự như vậy, tìm về các tác phẩm văn học dân gian, các tích xưa trong truyện ngụ ngôn, cổ tích là một hướng đi an toàn trong khi những ý tưởng mới đang có vẻ “khan hiếm”. Trong khi đó, các đúc kết của cha ông đi trước đã được thời gian thử thách, được nhiều thế hệ thừa nhận, thì việc vận dụng cái cũ để làm ra cái mới sẽ dễ dàng chinh phục được khán thính giả đương thời.
Quan sát kỹ những chuyển động của âm nhạc Việt Nam trong thời gian gần đây, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cho rằng, việc khai thác chất liệu văn học, âm nhạc dân gian… đang là một trong những xu hướng rõ ràng nhất có thể coi như một trào lưu của giới trẻ hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc đại chúng. Việc khai thác ở nhiều khía cạnh, chất liệu, yếu tố khác nhau, tựu trung là: các tác phẩm nổi tiếng, các điển tích trong văn học, thơ ca dân tộc có tác giả và dân gian; các tác phẩm văn học và thơ ca hiện đại (dòng văn học hiện thực phê phán, tác phẩm thơ ca cách mạng…), văn hóa dân gian, âm nhạc dân tộc (truyền thống và dân gian)… “Việc khai thác này tạo sự đa dạng cho dòng âm nhạc đại chúng, tô đậm màu sắc Việt trong dòng âm nhạc vốn có xu hướng hội nhập và chịu nhiều ảnh hưởng từ khu vực và quốc tế, tạo sự kết nối giữa truyền thống với hiện đại…”, ông Long phân tích, đồng thời nhận xét, xu hướng này đã và đang ở đỉnh cao và sẽ dần trở lại vị trí “thăng bằng” trong thời gian không xa. Dẫu thế, việc khai thác các chất liệu dân tộc từ văn học, lịch sử và âm nhạc đã và sẽ luôn tồn tại chứ không bị mất đi, bởi nó là một trong những thành tố tôi cho rằng nó như một “dữ liệu mặc định” nằm trong tiềm thức của mỗi người Việt chúng ta.
Tuy nhiên, từ những gì đang diễn ra, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long cũng nhấn mạnh, việc khai thác các yếu tố văn học, lịch sử và âm nhạc truyền thống, dân gian cần phải hiểu rõ thể loại, tác phẩm, nhân vật mà mình khai thác cũng như dòng âm nhạc mà mình đang theo đuổi, tác phẩm mình muốn khai thác vào như thế nào để có những thể nghiệm mới mẻ, độc đáo, có tính thẩm mỹ, tính nghệ thuật. Nếu không có thể tác phẩm sẽ mất đi giá trị nghệ thuật, tính thẩm mỹ và trở nên kệch cỡm, hoặc thậm chí và xúc phạm các giá trị văn hóa, lịch sử. Từ đó, biến ý tốt của tác giả trẻ thành tác dụng ngược, gây phản cảm, phản tác dụng mong muốn, tác phẩm của mình sáng tạo trở thành “rác” nghệ thuật.
Đặc biệt, theo ông Long, cần tuyệt đối tránh làm biến dạng các câu chuyện lịch sử, nhân vật đã trở thành mẫu hình lý tưởng, việc sử dụng ngôn từ, ngữ điệu, phong cách trong tác phẩm mới để chỉ một nhân vật, một giá trị nào đó trong quá khứ cũng hết sức cẩn thận, ở đây việc khai thác “lạc lối” thậm chí không chỉ còn ở mức độ sáng tạo ra tác phẩm không có giá trị thẩm mỹ mà còn vi phạm vào hoạt động sáng tác và truyền bá tác phẩm âm nhạc, truyền bá văn hóa không phù hợp thậm chí làm méo mó các giá trị văn hóa, lúc đó có thể còn là vi phạm pháp luật.
Thanh Xuân