Doanh nghiệp đồ uống nỗ lực phục hồi

Đồ uống là sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày, vừa mang tính thiết yếu, vừa gắn liền với những đặc trưng văn hóa. Từ khi đổi mới và hội nhập, kinh tế tăng trưởng, ngành đồ uống phát triển mạnh, với những sản phẩm có thương hiệu, phong phú, góp phần vào giá trị xuất khẩu, với tổng giá trị sản xuất lớn, đem lại nhiều đóng góp cho nền kinh tế và xã hội.
Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, các nhà máy sản xuất, kinh doanh trong ngành được phân bố hầu khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước đang đóng góp khoảng 3,2% tổng thu ngân sách nhà nước hàng năm. Quan trọng, ngành còn tạo công ăn việc làm trực tiếp và gián tiếp cho hàng triệu lao động, thúc đẩy nhiều lĩnh vực khác trong chuỗi cung ứng bao gồm nông nghiệp, kho vận, cơ khí, hóa sinh, bao bì, dịch vụ. Đặc biệt, trong giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế (2022-2023), ngành đồ uống là một nhân tố quan trọng để phục hồi và phát triển dịch vụ du lịch (bao gồm lưu trú và ăn uống). Số nộp ngân sách của ngành liên tục tăng từ năm 2019 với mức trung bình 14%/năm.
Doanh nghiệp đồ uống nỗ lực phục hồi

Bên cạnh hoạt động sản xuất - kinh doanh, các doanh nghiệp trong ngành luôn ưu tiên và quan tâm dành một phần ngân sách đáng kể để tham gia tích cực trong các hoạt động phát triển bền vững theo tiêu chí môi trường - xã hội và quản trị minh bạch (ESG) theo xu hướng của thế giới cũng như các cam kết quốc tế của Việt Nam, có vai trò truyền cảm hứng mạnh cho cộng đồng doanh nghiệp và xã hội.

Có doanh nghiệp đã tái sử dụng hoặc tái chế gần 99% phế thải hoặc phụ phẩm, giảm 2.500 tấn khí thải CO2 chỉ riêng trong khâu kho vận; hay nhiều doanh nghiệp đã có hệ thống xử lý nước thải vượt chuẩn để trả về môi trường một cách an toàn.

Tuy nhiên, đến năm 2020, đóng góp ngân sách của ngành bị sụt giảm (còn 48,132 ngàn tỷ đồng). Đây là thời điểm bùng phát dịch bệnh Covid-19 trên toàn cầu. Dịch bệnh và các biện pháp mạnh giãn cách xã hội đã hạn chế tiêu dùng, gián đoạn nguồn cung ứng, khiến sản lượng giảm sâu, kéo theo doanh thu giảm, lợi nhuận giảm và đóng góp ngân sách nhà nước giảm. Tốc độ tăng trưởng trung bình cả giai đoạn 2015-2021 vì thế bị kéo giảm xuống 5,6%.

Năm 2023 được dự báo ngày càng có nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng trực tiếp tới nhiều doanh nghiệp, trong đó, doanh nghiệp có ngành đồ uống.

Là một ngành kinh tế - kỹ thuật có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trước những thách thức, khó khăn trong thời gian tới, các doanh nghiệp đồ uống mong muốn ổn định chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt, tinh giảm và “online hóa” thủ tục xuất nhập khẩu. Đồng thời, có những linh hoạt trong chính sách tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển, ông Việt kiến nghị.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/doanh-nghiep-do-uong-no-luc-phuc-hoi-141376.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.