Tăng hiệu lực hiệu quả BOT giao thông

Nghiên cứu mới được công bố của TS.LS. Lê Đình Vinh cùng nhóm cộng sự Công ty Luật TNHH Vietthink trong Báo cáo rà soát các mẫu hợp đồng hợp tác công - tư chỉ ra ba nhóm vấn đề khiến các hợp đồng BOT (Hợp đồng Xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) thuộc ngành giao thông vận tải theo Thông tư số 09/2022/TT-BGTVT vướng mắc trong thời gian qua. Nhóm nghiên cứu cũng đưa ra những giải pháp hữu hiệu cho vấn đề này.

Trong đó công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và hoàn thành các thủ tục giao đất, cho thuê đất là một trong những vướng mắc lớn nhất khi triển khai các dự án PPP và là lý do chính khiến dự án bị chậm tiến độ.

Ông Vinh cho biết, nguyên nhân chủ yếu thuộc về các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, bao gồm cả cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp thực hiện. Cụ thể như với lĩnh vực giao thông vận tải, cơ quan ký kết Hợp đồng BOT (Bộ GTVT hoặc cơ quan, đơn vị được Bộ GTVT ủy quyền) không phải là cơ quan chủ trì mà chỉ có trách nhiệm phối hợp với cơ quan có thẩm quyền (CQCTQ) ở địa phương (UBND cấp tỉnh) trong việc tổ chức bồi thường, hỗ trợ, tái định giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án BOT.

Bên cạnh đó, việc phân định thẩm quyền, trách nhiệm còn chung chung, thiếu cụ thể; thiếu các cơ chế, giải pháp hữu hiệu để tháo gỡ vướng mắc và khắc phục tình trạng chậm tiến độ bồi thường, hỗ trợ, tái định giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án BOT nên việc phối hợp giữa Cơ quan ký Hợp đồng BOT và CQCTQ tại địa phương trong tổ chức bồi thường, hỗ trợ, tái định giao đất, cho thuê đất chưa thực sự hiệu quả.

Tăng hiệu lực hiệu quả BOT giao thông

Nhóm thứ hai là vốn đầu tư và giải ngân vốn đầu tư, với khó khăn vướng mắc từ sự hỗ trợ chưa kịp thời từ phía CQCTQ, dẫn đến nhà đầu tư (NĐT), doanh nghiệp dự án (DNDA) gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn và bị chậm tiến độ giải ngân. Hay Dự án BOT đã hoàn thành xây dựng công trình, nhưng các hạng mục phụ trợ được đầu tư bằng vốn nhà nước chưa hoàn thành do chậm giải ngân nên dự án chưa thể đưa vào vận hành, gây thiệt hại cho NĐT, DNDA.

Nhóm thứ ba là việc chưa quy định rõ cam kết thực hiện dự án của các bên trong giai đoạn thiết kế, thi công trình để đảm bảo nhà thầu đủ năng lực, chất lượng công trình đặc biệt việc quyết toán các dự án BOT và quy định về chia sẻ doanh thu tăng, giảm của dự án BOT…

Để hóa giải những nút thắt này, nhóm báo cáo khuyến nghị khi NĐT, DNDA đàm phán cần chi tiết nội dung các quy định này phù hợp với tính chất đặc thù của từng dự án. Trong đó cần quy định chi tiết nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan ký kết hợp đồng trong việc phối hợp giải phóng mặt bằng (GPMB) và hoàn thành các thủ tục giao đất, cho thuê đất, giám sát, kiểm tra việc thực hiện GPMB. Đồng thời cần bổ sung cơ chế, giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong chậm tiến độ; chi tiết trách nhiệm của các bên và phương án xử lý vi phạm trong công tác GPMB, giao đất, cho thuê đất thực hiện Dự án BOT.

Nhóm nghiên cứu cũng đưa ra một số điều khoản mẫu của Ngân hàng Thế giới và đề xuất một số giải pháp như: Cho phép gia hạn thời gian khai thác, kinh doanh của Dự án cho NĐT, DNDA; bù đắp cho NĐT, DNDA bằng các lợi ích khác theo thoả thuận. Giá trị thiệt hại được xác định để bù đắp theo các phương án trên là giá trị thiệt hại đã được giám định, định giá độc lập phù hợp với quy định.

Về vốn đầu tư và giải ngân vốn đầu tư cần bổ sung quy định về trách nhiệm hỗ trợ của CQCTQ, Cơ quan ký Hợp đồng BOT trong thủ tục thu xếp tài chính cho dự án và giải ngân nguồn vốn của NĐT. Bổ sung, chi tiết hóa quy định về trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ thanh toán cho DNDA đối với phần vốn Nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng. Nhóm tác giả cũng đưa ra gợi ý về hai hình thức bồi thường cho Nhà nước: Thanh toán trực tiếp khoản thiệt hại phải bồi thường cho NĐT, DNDA; Hoặc điều chỉnh gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng để đảm bảo bù đắp cho NĐT, DNDA.

Riêng cơ chế chia sẻ doanh thu tăng, giảm của Dự án BOT để tránh tiềm ẩn vướng mắc khi đưa vào thực tiễn, thời điểm và căn cứ xác định phần doanh thu tăng, giảm, nhóm nghiên cứu đề xuất DNDA phải có văn bản báo cáo doanh thu thực tế năm tài chính làm cơ sở thực hiện cơ chế chia sẻ doanh thu tăng, giảm.

Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) Trần Chủng đề nghị cần cụ thể hóa hơn nữa về điều kiện chấm dứt hợp đồng trong đó làm rõ thế nào là vi phạm nghiêm trọng.

Còn theo Phó Trưởng phòng Xây dựng Pháp luật, Ban pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Nguyễn Minh Đức: Cơ chế mua mua lại dự án không thể vận hành khi Quốc hội quyết định nhưng lại không đàm phán với NĐT và ngược lại. Vì vậy, để đẩy nhanh tiến độ triển khai trong trường hợp cần thông qua Quốc hội, thì Quốc hội ủy quyền cho một đơn vị đàm phán và chúng ta chỉ có 2 lựa chọn một là đồng ý hoặc không, chứ không thay đổi bàn đi bàn lại các điều khoản.

PGS.TS. Nguyễn Bá Bình và Ths. Nguyễn Mai Linh, Khoa Pháp luật thương mại quốc tế, Trường Đại học Luật Hà Nội khuyến nghị cần rà soát và bổ sung điều khoản về giải quyết tranh chấp vào hợp đồng BOT giúp cho các bên trong hợp đồng có định hướng rõ ràng hơn về trình tự giải quyết tranh chấp tương ứng với các loại tranh chấp. Việc chi tiết hóa này cũng hoàn toàn phù hợp với xu thế chung của các mẫu Hợp đồng BOT của nhiều quốc gia trên thế giới và của các tổ chức quốc tế.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/tang-hieu-luc-hieu-qua-bot-giao-thong-141175.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.