Tiết kiệm vẫn được người dân “chọn mặt gửi vàng”
14:10 | 30/06/2023
Gửi tiết kiệm tại ngân hàng là lựa chọn đầu tư an toàn đối với người dân trong khi chờ đợi các kênh đầu tư khác khởi sắc. TS. Châu Đình Linh, trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh đã nhận định như vậy trong cuộc trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng.
![]() |
Từ đầu năm tới nay, NHNN đã 4 lần giảm lãi suất điều hành. Tuy nhiên, lượng tiền gửi của người dân vẫn không ngừng tăng lên. Ông nhận định như thế nào về điều này?
Theo con số thống kê, tính từ đầu năm 2023 đến nay, tiền gửi của dân cư đã vượt 6 triệu tỷ đồng và liên tục tăng cao mặc dù mặt bằng lãi suất huy động đã giảm đáng kể sau 4 lần giảm lãi suất điều hành của NHNN. Thực tế tuy có giảm nhưng so với lạm phát, lãi suất tiền gửi tiết kiệm vẫn thực dương khá cao. Một bộ phận người dân cũng đã lựa chọn gửi những kỳ hạn dài hơn với lãi suất vẫn đang khá tốt. Người dân yên tâm gửi kỳ hạn dài một phần nhờ việc NHNN đã ban hành Thông tư số 04/2022/TT/NHNN quy định về áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền gửi tại TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, có hiệu lực từ năm 2022. Quy định này đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi có nhu cầu vốn đột xuất có thể rút trước hạn một phần tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng, mà số dư còn lại vẫn được hưởng lãi suất ban đầu. Đây là một chính sách rất tốt tạo tâm lý tích cực khuyến khích người gửi tiền vào ngân hàng.
Theo ông đâu là lý do tạo sức hấp dẫn cho gửi tiết kiệm ngân hàng so với các kênh đầu tư khác?
Ngoài tiết kiệm, còn một số kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp… nhưng trong ngắn hạn các kênh đầu tư này đều không hấp dẫn. Cụ thể, với vàng, đây là kênh đầu tư phụ thuộc nhiều vào thị trường thế giới, biến động khôn lường và giá thì lên xuống theo ngày. Thị trường bất động sản đang đóng băng ở nhiều phân khúc. Đối với thị trường chứng khoán, thừa nhận rằng giá nhiều mã cổ phiếu khá hấp dẫn với các nhà đầu tư, nhưng đây không phải là cuộc chơi dành cho số đông. Đây là kênh đầu tư dành cho những người có kiến thức hiểu biết về doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh trước bối cảnh kinh tế vĩ mô còn khó khăn. Còn với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, hiện đang trong quá trình khơi thông, khôi phục lại niềm tin của nhà đầu tư.
Thực tế dòng tiền rất thông minh, kênh đầu tư nào có độ an toàn, tỷ suất sinh lời cao, phù hợp với bối cảnh kinh doanh và kinh tế hiện tại thì dòng tiền sẽ “quá giang” và lưu lại ở đó một thời gian. Và hiện tại, dòng tiền đang lưu lại ở kênh tiết kiệm.
![]() |
Các nhà băng cần làm gì để tiếp tục được người dân “chọn mặt gửi vàng” trong thời gian tới, thưa ông?
Cần phải nhìn nhận, tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng tăng là một điều tốt cho ngân hàng. Bởi các ngân hàng với vai trò trung gian tài chính, luân chuyển vốn sẽ đem nguồn tiền đó cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy kinh tế phát triển. Tuy nhiên, các ngân hàng cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh đến từ nhiều kênh đầu tư khác dự báo sẽ khởi sắc hơn trong thời gian tới. Chính vì vậy, mỗi nhà băng cần phải không ngừng hoàn thiện sản phẩm, dịch vụ của mình.
Đầu tiên là phải xây dựng một thương hiệu tốt, bởi lẽ ngân hàng kinh doanh dựa trên uy tín. Ngân hàng cũng cần nâng cấp các sản phẩm dịch vụ ngày càng an toàn, hiện đại hơn, “may đo” sản phẩm phù hợp với nhiều nhóm khách hàng khác nhau với yêu cầu khác nhau, đa dạng hoá sản phẩm, không chỉ tiền gửi tiết kiệm mà còn cả chứng chỉ tiền gửi. Bên cạnh đó, đảm bảo an toàn cho khoản tiền gửi của người dân, thông qua làm tốt hoạt động quản trị rủi ro. Ngân hàng nên lưu ý, có thêm khách hàng mới đã khó, giữ chân khách hàng gắn bó lâu dài với ngân hàng càng khó hơn, nhất là trong bối cảnh người dùng hiện đang có rất nhiều sự lựa chọn.
Xin cảm ơn ông!
Quỳnh Trang