Kế hoạch này nhằm phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam trên địa bàn theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, hướng tới tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn, trong đó ưu tiên tập trung đầu tư phát triển các phân ngành hóa chất thuộc danh mục các dự án công nghiệp khuyến khích đầu tư.
Theo đó, TP. Đà Nẵng đặt mục tiêu tiếp tục phát triển các sản phẩm hiện đang có lợi thế như: săm lốp cao su, dược phẩm, sản phẩm nhựa xây dụng, bao bì nhựa, khí công nghiệp... Trong đó, đặc biệt chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ, áp dụng sản xuất sạch hơn, phát triển thương hiệu nhằm nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Ưu tiên thu hút đầu tư phát triển các lĩnh vực sản xuất sản phẩm có hàm lượng khoa học - kỹ thuật cao, công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao như: thuốc (dược phẩm), hóa dược, mỹ phẩm cao cấp; chế phẩm sinh học dùng trong xử lý môi trường; các sản phẩm nhựa, cao su kỹ thuật cao cấp phục vụ các ngành công nghiệp chế tạo khác.
![]() |
Đà Nẵng ưu tiên thu hút đầu tư phát triển các lĩnh vực sản xuất sản phẩm có hàm lượng khoa học - kỹ thuật cao, công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao |
Phấn đấu tăng trưởng ngành công nghiệp hoá chất bình quân 12- 15%/năm vào năm 2030; bình quân 8-10% vào năm 2040; phấn đấu tăng trưởng xuất khẩu ngành công nghiệp hoá chất, chủ yếu là săm lốp cao su, cao su kỹ thuật, bình quân 10-12%/năm vào năm 2030; bình quân 8-10% vào năm 2040.
TP. Đà Nẵng định hướng phát triển ngành công nghiệp hóa chất trên cơ sở tập trung phát huy lợi thế của một số ngành sản xuất đã có. Đồng thời, thu hút có chọn lọc các dự án đầu tư sản xuất các sản phẩm mới trên nguyên tắc: dự án có công nghệ hiện đại, đảm bảo tuân thủ chặt chẽ các quy định về bảo vệ môi trường và cảnh quan đô thị của TP. Đà Nẵng, coi trọng hiệu quả kinh tế và phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế.
Khuyến khích DN có quy mô lớn trong ngành tiếp tục đầu tư phát triển theo hướng hiện đại, trở thành các thương hiệu mạnh, có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) trong ngành công nghiệp hóa chất có chất lượng, có trọng tâm, trọng điểm, khuyến khích các dự án FDI đầu tư vào phân ngành, sản phẩm ưu tiên trong ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam của thành phố: hóa dược, hóa mỹ phẩm, các sản phẩm cao su, khí công nghiệp.
Triển khai linh hoạt, hiệu quả trong quá trình thu hút đầu tư các dự án hóa chất công nghiệp; khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động đầu tư đổi mới công nghệ - thiết bị, hợp lý hóa sản xuất ở các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ; khuyến khích sản xuất bao bì nhựa thân thiện môi trường; không thu hút đầu tư trong các lĩnh vực sản xuất độc hại, có nguy mất an toàn và gây ô nhiễm môi trường như: hóa chất cơ bản (trừ khí công nghiệp), thuốc bảo vệ thực vật, chất nổ, tái chế nhựa bằng công nghệ lạc hậu...
UBND thành phố giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch, làm đầu mối phối hợp, trao đổi thông tin với Bộ Công Thương trong quá trình tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam trên địa bàn. Tổng hợp, đánh giá kết quả triển khai thực hiện Chiến lược báo cáo UBND thành phố, Bộ Công Thưưng theo quy định; định kỳ phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan triển khai công tác tập huấn nghiệp vụ hoá chất và tăng cường kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hoá chất trên địa bàn…
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/da-nang-phat-trien-nganh-cong-nghiep-hoa-chat-than-thien-voi-moi-truong-140766.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.