Nâng chất hàng hóa để khai thác tiềm năng thị trường Trung Quốc
14:23 | 16/06/2023
Ngày 16/6, tại Hội thảo “Nâng cao chất lượng thực phẩm xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc”, ông Trần Phú Lữ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư và Thương mại TP.HCM (ITPC) cho biết: Là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam nhưng hiện Trung Quốc đã khắt khe hơn về các quy định tiêu chuẩn hàng hóa thực phẩm, do đó doanh nghiệp phải cập nhật thông tin, các tiêu chuẩn, quy định về hàng hóa xuất khẩu để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của thị trường này.
Thông tin về thị trường Trung Quốc, ông Lương Văn Tài, Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh, cho biết Việt Nam xếp thứ 10 trong số các quốc gia xuất khẩu nông sản vào Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt trên 6 tỷ USD, chiếm tỷ trọng khoảng 2.6% tổng giá trị nhập khẩu nông sản của nước này; riêng nhóm hàng rau quả thì Việt Nam nằm trong nhóm 3 nước có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất sang thị trường Trung Quốc, sau Thái Lan và ChiLê.
![]() |
Hàng hóa của ngành lương thực, thực phẩm có tiềm năng rất lớn tại thị trường Trung Quốc |
Nói về hiện trạng thị trường Trung Quốc, theo ông Tài, nhu cầu tiêu dùng và nhập khẩu đối với trái cây nhiệt đới của Trung Quốc còn rất lớn và tăng trưởng hàng năm, dự báo đến năm 2026 số lượng tiêu thụ và nhập khẩu trái cây lần lượt đạt 319 triệu tấn và 14,98 triệu tấn; tiềm năng thị trường tiêu dùng nông sản nhiệt đới tại các địa phương trong nội địa mà đặc biệt là khu vực phía Bắc, Đông Bắc Trung Quốc còn lớn.
Đến nay, Việt Nam có 11 loại trái cây được phép xuất khẩu chính thức sang Trung Quốc, gồm: thanh long, dưa hấu, chuối, vải, nhãn, chôm chôm, mít, xoài, măng cụt, sầu riêng và chanh dây. Kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc năm 2022 đạt 1.98 tỷ USD, tăng 34,4% so với năm 2021, chiếm 8,9% thị phần nhập khẩu rau quả của nước này.
Để ngành lương thực, thực phẩm Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc, ông Tài lưu ý các doanh nghiệp phải chú ý phát huy lợi thế (vị trí địa lý, giá thành sản xuất, vận tải, các sản phẩm nhiệt đới,...) của Việt Nam để khai thác và đáp ứng tối đa tiềm năng, nhu cầu to lớn của thị trường Trung Quốc.
Doanh nghiệp Việt cũng cần tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, tiêu chuẩn nước nhập khẩu và tăng cường quản lý, giám sát chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; t0uân thủ các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của nước nhập khẩu; chú trọng xây dựng thương hiệu; cần có nhân lực hiểu biết chuyên môn, thông thạo ngôn ngữ, am hiểu thị trường nước nhập khẩu;
“Doanh nghiệp Việt phải sẵn sàng cạnh tranh với hàng hóa nông sản, thực phẩm của các quốc gia cùng tham gia xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc”, ông Tài nói.
“Tuy ngành chế biến lương thực thực phẩm đang gặp khó khăn nhưng về lâu dài dư địa phát triển và tiềm năng xuất khẩu vẫn còn rất lớn nếu các doanh nghiệp khai thác tốt thị trường Trung Quốc và các thị trường tiềm năng khác”, ông Trần Phú Lữ của ITPC nói.
Ngọc Hậu