Đầu tư tác động: Lời giải cho bài toán phát triển xanh và bền vững

Nói đến đầu tư ESG - hướng tới giải quyết các vấn đề môi trường - xã hội - quản trị ở Việt Nam không còn là vấn đề mới với hàng loạt các mô hình doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra, đầu tư ESG chưa đủ để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) vì chủ đích đầu tư nhằm mục đích tạo ra tăng trưởng và lợi nhuận. Việc giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường, quản trị không chỉ dừng ở góc độ "quan tâm", hay "coi trọng". Vì vậy đã đến lúc Việt Nam cần chuyển đổi phương thức thu hút đầu tư sang đầu tư tác động với việc hình thành các doanh nghiệp hướng đến cả hai mục đích “lợi nhuận kinh tế” + “lợi ích xã hội, môi trường”.
Đầu tư tác động là xu hướng

Theo tổ chức Global Impact Investing Network (GIIN), đầu tư tác động là đầu tư với mục tiêu tạo ra những tác động tích cực và có thể dự đoán về xã hội và môi trường song song với lợi nhuận tài chính. Như vậy đầu tư xã hội đồng thời giải quyết 2 bài toán: kinh tế và xã hội. Trong đó ở yếu tố kinh tế, doanh nghiệp phải thể hiện được tính độc đáo của sản phẩm, lợi thế cạnh tranh; đóng góp vào việc giải quyết các vấn đề xã hội thông qua đổi mới sáng tạo. Và quan trọng hơn, ngay khi lựa chọn đầu tư phải đo lường và trực quan hoá mức độ giải quyết các vấn đề xã hội mà doanh nghiệp đầu tư tạo ra. Với chủ đích mang lại lợi nhuận xã hội, nhà đầu tư có thể chấp nhận lợi nhuận kinh tế thấp hơn lợi nhuận thông thường.

Giám đốc Khối đồng sáng kiến tương lai, Tổng thư ký Hội đồng sáng tạo tương lai Ayato Susaki cho biết, thế giới luôn tồn tại rất nhiều thách thức xã hội. Điều này đòi hỏi sự tăng tốc và nhân rộng các giải pháp để giải quyết các vấn đề xã hội. Và thông qua đổi mới sáng tạo, chuyển đổi các dự án công sang các mô hình tạo lợi nhuận khối tư nhân sẽ đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy và mở rộng các giải pháp.

Thống kê của GIIN cho thấy, quy mô thị trường đầu tư tác động trên thế giới không ngừng lớn mạnh, nếu như năm 2016 chỉ khoảng 15,2 tỷ USD thì đến năm 2020, con số này đã lên 715 tỷ USD với 1.720 tổ chức tham gia đầu tư tác động; 48% nhà đầu tư tác động đến từ thị trường phát triển và 43% đến từ thị trường mới nổi; 55% tài sản đầu tư tác động được hướng đến các thị trường phát triển trong khi 40% được phân bổ cho các thị trường mới nổi. 75% nhà đầu tư cho rằng hướng tới mục tiêu “việc làm bền vững và tăng trưởng kinh tế”.

Giải quyết các vấn đề môi trường là nhiệm vụ vô cùng quan trọng để đạt mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045
Giải quyết các vấn đề môi trường là nhiệm vụ vô cùng quan trọng để đạt mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045

Cần hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp

Với Việt Nam, tăng trưởng kinh tế, việc giải quyết các vấn đề môi trường và xã hội là nhiệm vụ vô cùng quan trọng và cấp thiết để đạt mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045 đã được đặt ra cũng như thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030 tầm nhìn 2050. Trong đó, các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đang nổi lên như những nhân tố tiềm năng trong việc áp dụng những cách thức, mô hình kinh doanh sáng tạo để giải quyết các vấn đề xã hội.

Mặc dù hiện nay, dữ liệu về các doanh nghiệp đầu tư tác động tại Việt Nam chưa có con số thống kê chính thức song các báo cáo nghiên cứu gần đây cho thấy Việt Nam có một hệ sinh thái đầu tư tác động sôi động và đang phát triển nhanh chóng. Theo số liệu của Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư năm 2022 đã công bố, Việt Nam có khoảng 22.000 doanh nghiệp tác động xã hội trên tổng số 638.000 doanh nghiệp và có xu hướng tăng liên tục. Theo báo cáo của Hội đồng Anh (2020), 64% doanh nghiệp xã hội của Việt Nam có lãi; 75% có kế hoạch thu hút thêm khách hàng mới; 62% xây dựng sản phẩm mới và dịch vụ mới; 46 % doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, tiếp theo đó là lưu trú (9%), giáo dục (9%).

UNDP và Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (năm 2018) công bố rằng Việt Nam có khoảng 49.800 tổ chức và sáng kiến khác nhau đang hoặc có khả năng chuyển đổi thành mô hình doanh nghiệp đầu tư tác động. 99% các doanh nghiệp tạo tác động sử dụng nhân viên nữ; 74% có những người thuộc các nhóm dễ bị tổn thương trong lực lượng lao động... Tuy nhiên các báo cáo này cũng cho thấy 89% doanh nghiệp xã hội có quy mô nhỏ và siêu nhỏ; 72% các doanh nghiệp có doanh thu dưới 5 tỷ đồng và có đến 36% doanh nghiệp không có lãi. Khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp theo hướng đầu tư tác động là thiếu vốn (77%), tiếp đến là thiếu đầu ra và thông tin hỗ trợ tài chính.

Trước thực trạng này, ông Võ Xuân Hoài, Phó giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia cho rằng, để thúc đẩy đầu tư tác động tại Việt Nam cần dựa trên ba nhóm giải pháp. Một là, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo; Thành lập hệ sinh thái đầu tư tác động, vườn ươm tạo và tăng tốc; Nâng cao năng lực chuyên môn cho khu vực đầu tư tác động. Hai là, xây dựng các chính sách hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn và các nguồn lực tài chính khác, trong đó cần quy định chi tiết về ưu đãi thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế thu nhập doanh nghiệp (CIT); Tăng cường các phương thức tiếp cận các nguồn vốn và công cụ tài chính đổi mới sáng tạo cho đầu tư tạo tác động. Đồng thời tổ chức các chương trình kết nối doanh nghiệp trong khu vực đầu tư tác động với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Ông Hoài cũng khuyến nghị cần tăng cường phối hợp giữa doanh nghiệp trong khu vực đầu tư tạo tác động với các khu vực khác bằng việc thành lập một cơ quan quản lý Nhà nước chuyên phát triển khu vực đầu tư tác động; Đồng thời củng cố liên hệ giữa khu vực đầu tư tác động với các khu vực công lập và tư nhân.

Đây là việc làm cần thiết để thu hút dòng vốn đầu tư tác động vào Việt Nam trong bối cảnh khu vực ASEAN mới chỉ tiếp nhận được 6% tổng vốn đầu tư tác động toàn cầu; và chỉ 3% các quỹ đầu tư tác động có trụ sở ở Đông Nam Á và Nam Á.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/dau-tu-tac-dong-loi-giai-cho-bai-toan-phat-trien-xanh-va-ben-vung-140303.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.