Đại biểu Phạm Đức Ấn:

Nghiên cứu sửa đổi tên gọi “can thiệp sớm”

Phát biểu góp ý vào Dự thảo Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) về nội dung “can thiệp sớm” tại tổ chiều 5/6, đại biểu Phạm Đức Ấn (Đoàn TP. Hà Nội) cho biết, hiện nay theo quy định tại Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước thực hiện chức năng kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của Tổ chức tín dụng. Trong quá trình theo dõi, quản lý, tùy theo từng mức độ, vấn đề của Tổ chức tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước áp dụng các biện pháp phù hợp như khuyến nghị, cảnh báo, giám sát tăng cường hoặc các biện pháp xử lý tương ứng với mức độ, tình trạng của Tổ chức tín dụng.
Nghiên cứu sửa đổi tên gọi “can thiệp sớm”
Đại biểu Phạm Đức Ấn, Đoàn TP. Hà Nội
Theo đại biểu, hoạt động giám sát được thực hiện trong suốt quá trình hoạt động của Tổ chức tín dụng, từ lúc cấp phép đến khi Tổ chức tín dụng giải thể. Trong quá trình giám sát Tổ chức tín dụng, căn cứ kết quả giám sát Ngân hàng Nhà nước có thể đưa ra các khuyến nghị, cảnh báo về các vấn đề, các rủi ro tiềm ẩn tại Tổ chức tín dụng và yêu cầu Tổ chức tín dụng xây dựng kế hoạch khắc phục. Trường hợp Tổ chức tín dụng tiếp tục tiềm ẩn rủi ro, có nguy cơ vi phạm pháp luật về tiền tệ và ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét áp dụng giám sát tăng cường và áp dụng một số biện pháp xử lý.

Những nội dung này hiện nay đã được quy định đầy đủ tại các văn bản: Luật Ngân hàng Nhà nước (Điều 59), Nghị định 26/2014/NĐ-CP ngày 07/4/2014 về tổ chức và hoạt động của thanh tra, giám sát ngành ngân hàng (đã được sửa đổi, bổ sung); Thông tư 08/2022/TT-NHNN ngày 30/6/2022 quy định về trình tự, thủ tục giám sát ngân hàng chỉ khi TCTD có những dấu hiệu cụ thể ở mức nghiêm trọng hơn về một nguy cơ mất khả năng chi trả, mất khả năng thanh toán, cần có những biện pháp hạn chế, biện pháp hỗ trợ mạnh mẽ hơn, cơ quan quản lý nhà nước sẽ xem xét đặt Tổ chức tín dụng vào can thiệp sớm.

Có thể thấy tại dự thảo Luật, nhiều biện pháp được áp dụng tại giai đoạn can thiệp sớm như: hạn chế hoặc không chia cổ tức, chuyển nhượng cổ phần, chuyển nhượng tài sản, đình chỉ, tạm đình chỉ một hoặc một số hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh khác, hạn chế thẩm quyền quyết định trong hoạt động kinh doanh của người quản lý, người điều hành; đình chỉ người quản lý, người điều hành có hành vi vi phạm quy định pháp luật… "Các biện pháp này nếu áp dụng cho Tổ chức tín dụng trước khi bị rơi vào can thiệp sớm sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của tổ chức này và khiến tình trạng Tổ chức tín dụng trầm trọng hơn. Bên cạnh đó tại giai đoạn can thiệp sớm cũng cho phép Tổ chức tín dụng được áp dụng một số biện pháp hỗ trợ. Nếu tình trạng Tổ chức tín dụng chưa thực sự nghiêm trọng và có thể tự khắc phục, việc cho áp dụng sớm các biện pháp hỗ trợ dẫn đến lãng phí nguồn lực”, đại biểu Phạm Đức Ấn phát biểu.

Như vậy, theo đại biểu Phạm Đức Ấn, tên gọi tại dự thảo Luật là “can thiệp sớm” nhưng về bản chất chưa phải là can thiệp sớm (vì cơ quan quản lý đã có những hành động can thiệp trước đó rồi), chỉ sớm hơn giai đoạn “kiểm soát đặc biệt”.

“Để tránh cách hiểu rằng đến khi Tổ chức tín dụng lâm vào các trường hợp can thiệp sớm như tại dự thảo Luật mới xử lý thì muộn quá, tôi đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu sửa đổi tên gọi “can thiệp sớm”, thể hiện đúng bản chất giai đoạn này. Ví dụ giai đoạn “Tiền kiểm soát đặc biệt””, đại biểu Phạm Đức Ấn đề nghị.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/nghien-cuu-sua-doi-ten-goi-can-thiep-som-140241.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.