Kích cầu tiêu dùng, tăng tổng cầu trong nước

Số liệu kinh tế tháng 5 dù chưa mang tính bước ngoặt song đã tích cực trở lại, quan trọng hơn là mở ra những tín hiệu khả quan cho nền kinh tế trong chặng đường còn lại của năm 2023.
Sau những nỗ lực không ngừng nghỉ

Trong 5 tháng vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức hơn 700 cuộc họp, hội nghị, hoạt động đối ngoại; ban hành 27 nghị định, 101 nghị quyết, 16 quyết định quy phạm pháp luật, 618 quyết định cá biệt, 36 công điện, 17 chỉ thị. Lần đầu tiên, Chính phủ tổ chức 26 tổ công tác trực tiếp làm việc với các địa phương để nắm tình hình và giải quyết các khó khăn, vướng mắc.

Những nỗ lực đó bước đầu đã cho thấy hiệu quả khi nhiều dữ liệu chính của nền kinh tế trong tháng 5, với nét chính là tốc độ suy giảm tăng trưởng đã chậm lại (ở một số ngành, lĩnh vực có suy giảm mạnh trước đó).

Sản xuất gặp khó do thiếu đơn hàng
Sản xuất gặp khó do thiếu đơn hàng

Về những chuyển biến tích cực, có thể bổ sung thêm số liệu trong hai lĩnh vực. Thứ nhất về đầu tư công, thực hiện đầu tư công đạt khoảng 177.000 tỷ đồng, trong đó giải ngân vốn đến ngày 31/5 đã đạt trên 157.000 tỷ đồng, bằng 22,22% kế hoạch, tương đương cùng kỳ năm 2022 (đạt 22,37%). Lưu ý là đến hết tháng 4, giải ngân mới đạt 14,66% kế hoạch, thấp hơn đáng kể mức 18,48% của cùng kỳ năm 2022. Do đó, việc chúng ta đã đạt được mức giải ngân “tương đương cùng kỳ” trong tháng 5 vừa qua là rất có ý nghĩa, cho thấy rõ tín hiệu giải ngân sẽ tăng tích cực trong những tháng còn lại (ví dụ, rất nhiều dự án lớn sẽ khởi công ngay trong tháng 6/2023). Hơn nữa, xét về số tuyệt đối cũng rất tích cực, từ mức cao hơn 15 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 4 đã tăng lên 41 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ trong tháng 5.

Thứ hai, diễn biến kinh tế ở các địa phương cũng bước đầu cho thấy dấu hiệu rất khả quan. Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, lãnh đạo nhiều địa phương cho biết, cộng đồng doanh nghiệp, người dân và các địa phương rất ấn tượng với nỗ lực của Chính phủ trong tháo gỡ các vướng mắc cho môi trường đầu tư, kinh doanh cũng như việc chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính…

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đã ghi nhận sự khởi sắc tích cực trên nhiều lĩnh vực kinh tế, cho thấy dấu ấn các quyết sách vĩ mô, sự quyết liệt của Chính phủ cộng với nỗ lực của địa phương. Dự kiến, GRDP quý II của thành phố tăng 5,87% so với cùng kỳ - một sự chuyển biến khá ngoạn mục so với mức tăng trưởng chỉ 0,7% trong quý I. Thành phố đầu tàu kinh tế này cũng phấn đấu giải ngân 35% vốn đầu tư công trong quý II này.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết, các kiến nghị của thành phố, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến điều chỉnh quy hoạch, đã được Chính phủ và các bộ, ngành cơ bản xử lý xong, không có kiến nghị thêm. Hải Phòng dự kiến GRDP 6 tháng sẽ tăng trưởng ở 10% so với cùng kỳ năm 2022.

Ưu tiên thực hiện mục tiêu tăng trưởng

Đánh giá tình hình sắp tới sẽ còn khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, mục tiêu vẫn phải tiếp tục thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn.

Cụ thể, từ kết quả thực hiện tốt mục tiêu kiểm soát lạm phát tạo thêm dư địa từ nay tới cuối năm (lạm phát đang được kiểm soát, tốc độ tăng giảm dần và đang có dư địa về nợ công, nợ Chính phủ, bội chi), cần ưu tiên thực hiện hiệu quả hơn nữa mục tiêu tăng trưởng, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường, tận dụng tốt các cơ hội và tạo không gian phát triển mới.

Về nhiệm vụ trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu, điều hành chính sách tiền tệ theo hướng chắc chắn, chủ động, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hiệu quả với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm. Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nhất là nông nghiệp, dịch vụ và mở rộng thị trường cho sản xuất công nghiệp.

Thủ tướng giao NHNN tiếp tục theo dõi thực hiện các Thông tư 02, 03, nếu có vấn đề phát sinh phải điều chỉnh kịp thời; tiếp tục triển khai các giải pháp giảm chi phí, lãi suất cho vay; tăng khả năng tiếp cận vốn, bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý, hướng vào các động lực tăng trưởng, các lĩnh vực ưu tiên; tập trung xử lý các ngân hàng yếu kém, bảo đảm thanh khoản, an toàn hệ thống, xử lý nợ xấu; thúc đẩy các gói tín dụng như gói tín dụng 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội.

Bộ Tài chính tăng cường quản lý chi tiêu ngân sách, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời; triệt để tiết kiệm chi, cắt giảm chi thường xuyên, nhất là tiết kiệm điện tại các công sở; đẩy nhanh hoàn thuế VAT và triển khai hiệu quả chính sách giảm 2% thuế VAT nếu được Quốc hội thông qua; chuẩn bị chính sách bổ sung miễn, giảm thuế, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn thành kế hoạch phân bổ vốn; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, chương trình phục hồi và phát triển, ba chương trình mục tiêu quốc gia; tiếp tục rà soát, cắt giảm các điều kiện kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; tăng cường phân tích, dự báo, cập nhật, chuẩn bị các kịch bản, không để bất ngờ.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu).

Trong đó về tiêu dùng, Thủ tướng nhấn mạnh đến việc triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng, tăng tổng cầu trong nước, hỗ trợ người lao động, phát triển mạnh thị trường trong nước, khuyến khích ưu tiên dùng hàng Việt Nam...

Về đầu tư, thúc đẩy giải ngân đầu tư công nhanh hơn, hiệu quả hơn và thúc đẩy đầu tư tư nhân, đầu tư FDI bằng các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh chuyển đổi số, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính.

Về xuất khẩu, tăng cường xúc tiến thương mại, giữ vững và củng cố các thị trường với 15 FTA đã ký, mở rộng các thị trường mới như Trung Đông, Ấn Độ, Nam Mỹ... hoàn thành ký kết FTA với Israel và đàm phán các FTA khác, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa.

Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu lãnh đạo các địa phương tập trung hơn nữa đối với nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, phát triển sản xuất kinh doanh; Kiên quyết xử lý cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ, đồng thời bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, tăng cường đạo đức công vụ để phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã được đề ra, đưa đất nước phát triển trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/kich-cau-tieu-dung-tang-tong-cau-trong-nuoc-140197.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.