Nỗ lực đẩy nhanh tiến độ dự án Vành đai 3
15:03 | 02/06/2023
Lãnh đạo UBND TP.HCM khẳng định, trong tháng 6 này tuyến đường Vành đai 3 sẽ khởi công theo kế hoạch. Hiện tại, các địa phương có tuyến đường đi qua cũng đang khẩn trương hoàn tất các công đoạn chuẩn bị.
![]() |
Các dự án giao thông sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế các địa phương |
Ban Chỉ huy dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đường Vành đai 3 TP.HCM cho biết, đến thời điểm này, diện tích mặt bằng đã bàn giao là khoảng 297ha, đạt trên 72% diện tích toàn dự án. “Với tỷ lệ này, dự án Vành đai 3 đã đủ điều kiện khởi công ngay trong tháng 6/2023. So với dự tính ban đầu thì tiến độ bồi thường đến nay là khá tốt”.
Để đảm bảo tiến độ khởi công cuối tháng 6 năm nay, dự án Vành đai 3 TP.HCM được tách thành hai dự án thành phần gồm dự án thành phần 1 (xây dựng đường Vành đai 3 đoạn qua TP.HCM) và dự án thành phần 2 (bồi thường, hỗ trợ, tái định cư). Trong dự án thành phần 2, TP.HCM bắt đầu triển khai chi trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án từ ngày 6/5. Đến nay, TP.HCM đã chi trả hơn 3.000 tỷ đồng bồi thường giải phóng mặt bằng cho người dân bị ảnh hưởng dự án Vành đai 3. Đơn vị chức năng sẽ lựa chọn các nhà thầu xây lắp, tư vấn và ký kết hợp đồng để khởi công 4 gói thầu xây lắp qua 4 địa phương, gồm Thủ Đức, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh.
UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã phê duyệt bảng giá đất để tính tiền bồi thường khi thu hồi đất ở đoạn dự án đường Vành đai 3 TP.HCM qua địa phương để các đơn vị có liên quan lập hồ sơ, áp giá và làm phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và công bố lấy ý kiến dân. Dự án thành phần 3 có chiều dài gần 12km qua huyện Nhơn Trạch, do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư, có tổng vốn đầu tư 2.584 tỷ đồng.
Về phần mình, UBND tỉnh Bình Dương cũng đã họp "nóng" với các sở, ngành để thúc đẩy tiến độ tuyến đường Vành đai 3 qua địa bàn. UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành đơn giá để bồi thường, hỗ trợ và tái định cư với dự tính có gần 1.000 hộ dân tại 3 thành phố của Bình Dương là Dĩ An, Thuận An, Thủ Dầu Một phải bàn giao mặt bằng cho dự án. Chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án Vành đai 3 qua địa bàn Bình Dương lên tới 13.528 tỷ đồng. Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu các sở, ngành địa phương phát huy trách nhiệm, đẩy nhanh công việc. Bên cạnh việc chi tiền bồi thường, hỗ trợ, cũng cần hoàn thiện các thủ tục phê duyệt thiết kế, mời thầu… để tới cuối tháng 6/2023 có thể khởi công dự án.
Đường Vành đai 3 kết nối TP.HCM và các tỉnh vùng Đông Nam bộ được kỳ vọng tháo gỡ điểm nghẽn giao thông giúp các doanh nghiệp vận tải, logistics giải được bài toán chi phí di chuyển. Nhận định về tính liên vùng của tuyến đường, ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, đường Vành đai 3 TP.HCM kết nối các đô thị vệ tinh và các đô thị các tỉnh phía Đông - Tây - Nam - Bắc của thành phố, kết nối TP.HCM - Đồng Nai - Bình Dương - Long An. Đây là tuyến giao thông mà phương tiện muốn đi và đến TP.HCM đều có thể đi qua, là tuyến đường tránh để các xe lớn không đi vào thành phố, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, giúp việc lưu thông đến Vũng Tàu, Mộc Bài, Bình Phước hay về Đồng bằng Sông Cửu Long đều nhanh và thuận lợi.
"Về mặt xã hội, tuyến đường này điều tiết được mật độ phân bố dân cư, giãn dân cư từ đô thị trung tâm TP.HCM ra bên ngoài, tạo sự kết nối với những đô thị vệ tinh có sẵn như Bến Lức, Đức Hòa, Nhơn Trạch và có thể thêm một số đô thị khác trong vùng đô thị TP.HCM", ông Chính nói.
Minh Lâm