Hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường

Ngay trong các tháng đầu năm 2023, các địa phương trong cả nước nói chung, khu vực Miền Trung - Tây Nguyên nói riêng đã hướng dẫn và tổ chức cho các doanh nghiệp địa phương tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại lớn trong nước và ở nước ngoài.
Đại biểu Quốc hội: Cần tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ doanh nghiệp Bất cập chính sách đè nặng doanh nghiệp, cơ quan quản lý Sứ mệnh đồng hành chuyển đổi số cùng doanh nghiệp

Loay hoay tìm thị trường mới

Tác động của hậu “bão dịch” Covid-19, cùng với những biến động địa-chính trị trên thế giới đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất nhập khẩu Việt Nam.

Thời gian gần đây, mặc dù các hoạt động thương mại đã có những dấu hiệu phục hồi, doanh nghiệp trong nước cũng đã chủ động đẩy mạnh liên kết, khai thác thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm… tuy nhiên, hiện vẫn có không ít doanh nghiệp gặp trở ngại trong giới thiệu, quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường trong nước cũng như ngoài nước, do chi phí quá lớn, tạo áp lực cho doanh nghiệp…

Tại Quảng Nam, việc các thị trường xuất khẩu truyền thống gặp khó cũng đang khiến nhiều doanh nghiệp ở địa phương lao đao, trong khi việc mở rộng thị trường mới trong thời điểm này cũng không dễ. Đơn cử, trước đây trong khoảng thời gian sản xuất ổn định với nhiều đơn hàng xuất đi nước ngoài, Công ty cổ phần gỗ Cẩm Hà (KCN Điện Nam - Điện Ngọc) có khoảng 700 lao động làm việc. Thế nhưng, đến thời điểm này công ty chỉ còn khoảng 200 lao động. Theo đại diện công ty, doanh nghiệp chủ yếu gia công các đơn hàng gỗ xuất khẩu sang châu Âu và khó khăn bắt đầu từ cuối năm 2022, khi nhiều đơn hàng bị cắt giảm hoặc hủy. Điều này khiến doanh nghiệp buộc phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động.

Trong bối cảnh đó, theo đại diện nhiều doanh nghiệp việc triển khai các đề án cấp quốc gia về xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, đặc biệt các doanh nghiệpNVV, hợp tác xã ở các địa phương là hết sức cần thiết nhằm kết nối giao thương, tăng cường kết nối cung cầu nội địa, tiêu thụ sản phẩm trong nước, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước với sức tiêu thụ của người dân.

Doanh nghiệp cần thêm những hỗ trợ để mở rộng thị trường
Doanh nghiệp cần thêm những hỗ trợ để mở rộng thị trường

Tăng cường xúc tiến thương mại

Trên thực tế, với những khó khăn về thị trường của doanh nghiệp, thì các chương trình kết nối giao thương là rất hữu hiệu cho doanh nghiệp. Cũng theo ông Lê Quang Nam - Phó chủ tịch UBND Đà Nẵng, các hoạt động xúc tiến thương mại sẽ giúp doanh nghiệp trong khu vực tìm được cơ hội hợp tác, xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm của doanh nghiệp thông qua các hệ thống phân phối cả trong lẫn ngoài nước. Từ đó, góp phần thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, tiêu thụ hàng hóa, mở rộng thêm những thị trường mới.

Được biết, trong năm 2023 tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, cơ quan chức năng sẽ tổ chức 8 hội chợ triển lãm cấp vùng; 103 hội chợ triển lãm cấp tỉnh, thành; tổ chức cho doanh nghiệp tham gia 7 hội chợ triển lãm nước ngoài và thực hiện 22 phiên chợ hàng Việt về miền núi, hải đảo. Cùng với đó, dự kiến tổ chức 11 đoàn khảo sát thị trường nước ngoài, 14 đoàn khảo sát thị trường trong nước. Ngoài ra, còn tổ chức nhiều các hoạt động đào tạo, tập huấn, thông tin thương mại.

Ngay trong các tháng đầu năm 2023, các địa phương trong cả nước nói chung, khu vực Miền Trung - Tây Nguyên nói riêng đã hướng dẫn và tổ chức cho các doanh nghiệp địa phương tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại lớn trong nước và ở nước ngoài... Bà Mai Thị Ý Nhi, Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Phương Food (Đà Nẵng) chia sẻ, là một doanh nghiệpNVV thời gian gần đây công ty đã được hỗ trợ nhiều từ các cơ quan chức năng trong việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Cụ thể, được tham gia nhiều chương trình kết nối, giao thương, xúc tiến thương mại. Từ đó, tạo cơ hội kết nối đến được với các đơn vị phân phối cũng như tiếp cận các “thượng đế”.

Mặc dù, đã có nhiều nỗ lực của cơ quan chức năng, song trên thực tế, doanh nghiệp vẫn cần được tiếp sức hơn nữa trong việc đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu trực tiếp giữa các địa phương, đưa hàng hóa vào tiêu thụ trong các hệ thống, chuỗi siêu thị lớn, cũng như kết nối với doanh nghiệp xuất khẩu, tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài… Theo ông Nguyễn Hữu Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Đà Nẵng, các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia nên được công bố sớm, để các địa phương chủ động trong kế hoạch cũng như tìm hiểu thông tin thị trường và có hoạt động tư vấn cũng như có đoàn doanh nghiệp tham gia hiệu quả…

Trong khi đó, theo ông Lê Mậu Khánh, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Quảng Bình, Bộ Công thương cần sớm ban hành định mức dịch vụ công về lĩnh vực xúc tiến thương mại, định mức hỗ trợ đối với các nội dung thuộc lĩnh vực thương mại điện tử tại Thông tư 11/2019/TT-BCT ngày 30/7/2019 về hướng dẫn thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại phát triển ngoại thương thuộc Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại; đồng thời đề nghị Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) tiếp tục tạo điều kiện cho các tỉnh, thành miền Trung - Tây Nguyên nói chung và Quảng Bình nói riêng được tham gia nhiều chương trình, đề án xúc tiến thương mại phát triển ngoại thương. Qua đó, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xuất khẩu hàng hóa, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, phát triển kinh doanh.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/ho-tro-doanh-nghiep-mo-rong-thi-truong-139952.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.