Đa số ý kiến Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận thấy, việc Chính phủ rà soát, hoàn thiện Tờ trình về phương án phân bổ vốn Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và Chương trình mục tiêu quốc gia để trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV là cần thiết, theo đúng kết luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và đúng thẩm quyền của Quốc hội.
![]() |
Phân bổ vốn đầu tư công chậm gây thất thoát, lãng phí (ảnh minh họa) |
Về thời gian và trách nhiệm trong việc hoàn thiện thủ tục đầu tư trình phân bổ, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, Chính phủ tổng hợp trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chậm, không đảm bảo quy định về thời hạn trình để các cơ quan của Quốc hội tiến hành thẩm tra và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến “trước ngày 31/3/2023” theo quy định tại Nghị quyết số 69 và Nghị quyết số 70/2022/QH15 của Quốc hội.
Tờ trình của Chính phủ chỉ mới đề cập đến tình hình khó khăn, nguyên nhân chung dẫn đến không thể kịp thời trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước ngày 31/3/2023, chưa đánh giá, xác định rõ trách nhiệm của đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc hoàn thiện thủ tục đầu tư và phương án phân bổ vốn theo quy định tại Nghị quyết số 69 của Quốc hội dẫn đến chậm trễ.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ cần rút kinh nghiệm và giải trình làm rõ nguyên nhân chủ quan, trách nhiệm đơn vị, tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tình trạng trên và báo cáo Quốc hội.
Đi vào một số nội dung cụ thể về giao danh mục, mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (đợt 3) đối với việc phân bổ vốn cho các dự án đã đủ thủ tục đầu tư, Chính phủ kiến nghị trình Quốc hội xem xét, quyết định phân bổ, giao danh mục sử dụng vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với tổng số là 13.369,468 tỷ đồng đối với 45 dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định, đủ điều kiện giao kế hoạch vốn.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí việc rà soát, bố trí vốn đối với các dự án đã đủ thủ tục đầu tư, bảo đảm nguyên tắc theo quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội. Tuy nhiên, việc giải ngân nguồn vốn của Chương trình rất chậm, từ nay đến hết năm 2023 chỉ còn 6 tháng để hoàn thành việc thực hiện, giải ngân theo yêu cầu của Nghị quyết số 43 là áp lực rất lớn.
Vì vậy, Chính phủ cần hết sức cân nhắc trong việc phân bổ các nguồn vốn, cần căn cứ trên cơ sở đánh giá kỹ lưỡng về tiến độ giải ngân thực tế của từng bộ, ngành địa phương để đề xuất phân bổ vốn cho những dự án đủ điều kiện, có khả năng giải ngân, bảo đảm tính khả thi, tránh tình trạng không giải ngân được hết, không đáp ứng được yêu cầu của Nghị quyết số 43.
Từ tình hình trên, đa số ý kiến Ủy ban Tài chính - Ngân sách kiến nghị Chính phủ rà soát, hoàn thiện danh mục nhiệm vụ, dự án được phân bổ vốn, bảo đảm đúng thời hạn thực hiện và giải ngân vốn của Chương trình theo quy định của Nghị quyết số 43.
Đối với các dự án có sử dụng vốn ngân sách địa phương, Chính phủ rà soát để bảo đảm tính khả thi và chỉ đạo các địa phương thực hiện đúng cam kết.
Về khả năng giải ngân vốn của Chương trình, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ cân nhắc việc phân bổ nguồn vốn, cần căn cứ trên cơ sở đánh giá kỹ lưỡng về tiến độ giải ngân thực tế của từng bộ, ngành, địa phương để đề xuất phân bổ vốn cho những dự án đủ điều kiện, có khả năng giải ngân, bảo đảm tính khả thi, tránh tình trạng không giải ngân được hết, không đáp ứng được yêu cầu của Nghị quyết số 43.
Một số ý kiến Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, việc giải ngân các dự án thuộc Chương trình trong năm 2022, 2023 là không khả thi. Đề nghị báo cáo Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện đến 2024, 2025.
Đối với số vốn 273 tỷ đồng dự kiến bố trí Dự án đầu tư hạ tầng ổn định đời sống nhân dân của xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam và xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, đa số ý kiến Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí về sự cần thiết của dự án như Báo cáo của Chính phủ, vì đây là Đề án ổn định sản xuất, đời sống nhân dân và phát triển khu dân cư đối với các vị trí trước đây quy hoạch xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2, đã vướng mắc nhiều năm chưa bố trí vốn để thực hiện, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.
Tuy nhiên, do dự án này chưa đầy đủ thủ tục đầu tư theo quy định, chưa đủ điều kiện phân bổ vốn, đề nghị không phân bổ vốn của Chương trình, Chính phủ cần chỉ đạo địa phương và các bộ, cơ quan liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư để có phương án bố trí vốn phù hợp cho dự án, không sử dụng vốn của Chương trình cho dự án này vì chưa có đủ thủ tục đầu tư.
Đối với số vốn còn lại chưa đủ thủ tục đầu tư đa số ý kiến Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị không thực hiện phân bổ số vốn còn lại chưa đủ thủ tục đầu tư, không phân bổ tiếp đối với toàn bộ số vốn 782,217 tỷ đồng theo quy định tại khoản 10 Điều 2 của Nghị quyết số 69.
Về phân bổ, giao Kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 đối với các nhiệm vụ, dự án đã đủ thủ tục đầu tư, Chính phủ kiến nghị phân bổ, giao Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 là 87.359,227 tỷ đồng, trong đó: 80.590,227 tỷ đồng cho 4 nhiệm vụ, 180 dự án đã đáp ứng đủ điều kiện, hoàn thiện thủ tục đầu tư trước ngày 31/3/2023 và 6.769 tỷ đồng cho các 2 dự án Bộ Quốc phòng đã hoàn thiện thủ tục đầu tư sau ngày 31/3/2023.
Đa số ý kiến Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, thời gian qua, các Bộ, địa phương đã chuẩn bị, hoàn thiện thủ tục đầu tư các nhiệm vụ, dự án theo quy định của Luật Đầu tư công và Nghị quyết số 29/2021/QH15 của Quốc hội. Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí với đề xuất của Chính phủ, trình Quốc hội phân bổ kế hoạch vốn cho các dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư, bảo đảm nguyên tắc, tiêu chí theo quy định của Luật Đầu tư công và Nghị quyết của Quốc hội.
![]() |
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 |
Bên cạnh đó, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị lưu ý: số vốn 24.594,3 tỷ đồng vốn bố trí cho 3 dự án quan trọng quốc gia, 01 dự án đường cao tốc đã được dự kiến phân bổ trong tổng số vốn Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 của Bộ Giao thông vận tải. Tuy nhiên, do đã được phân cấp cho các địa phương thực hiện dự án, cần thực hiện điều chỉnh giảm 24.594,3 tỷ đồng Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 của Bộ Giao thông vận tải để điều chỉnh tăng Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 cho các địa phương.
Đối với 6.769 tỷ đồng cho 02 dự án quan trọng nhóm A từ nguồn 30% lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn Viễn thông Quân đội đã hoàn thiện thủ tục đầu tư sau ngày 31/3/2023, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, đây là các dự án có tính chất đặc thù, đặc biệt, liên quan đến công nghiệp quốc phòng, nhằm đảm bảo thực hiện nhiệm vụ an ninh quốc phòng. Do vậy, nhất trí với đề xuất của Chính phủ về phân bổ vốn cho các dự án này.
Đối với số vốn 15.746,187 tỷ đồng các bộ, cơ quan trung ương đang tiếp tục hoàn thiện thủ tục đầu tư, Chính phủ kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định khi các dự án đầy đủ thủ tục đầu tư.
Đối với 37.303,015 tỷ đồng thu hồi về dự phòng chung, Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí với đề xuất của Chính phủ, thu hồi về dự phòng chung của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 theo quy định.
Về phân bổ 444,407 tỷ đồng còn lại của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi bố trí cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí kiến nghị Quốc hội cho phép phân bổ đối với khoản vốn này, nhằm tạo điều kiện để thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia.
Về điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 trong nội bộ của bộ, cơ quan trung ương và địa phương, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, việc điều chỉnh từ các dự án không còn nhu cầu sử dụng cho các dự án còn thiếu vốn, cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành trong giai đoạn là cần thiết, mức độ thay đổi về cơ cấu vốn theo ngành, lĩnh vực không lớn.
Về việc thu hồi vốn ứng trước ngân sách Trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Theo Tờ trình của Chính phủ, sau khi rà soát, đến nay còn 36 địa phương với số vốn còn lại chưa bố trí thu hồi trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 5.528,207 tỷ đồng.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, việc bố trí vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản và hoàn trả số vốn ứng trước là nhiệm vụ hàng đầu trong thứ tự ưu tiên phân bổ vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Đề nghị Chính phủ rà soát kỹ, chịu trách nhiệm về số liệu cụ thể và xác định rõ trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với các Bộ, địa phương và làm rõ căn cứ pháp lý để xử lý các tồn đọng này báo cáo Quốc hội theo quy định của pháp luật và các Nghị quyết của Quốc hội...
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/cham-phan-bo-von-dau-tu-cong-lam-ro-nguyen-nhan-trach-nhiem-nguoi-dung-dau-139701.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.