CIC đề xuất các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng

Để đảm bảo tính minh bạch trong thông tin, đồng thời góp phần hỗ trợ khả năng tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp và cá nhân vay vốn trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là các đối tượng hoạt động quy mô nhỏ và năng lực tài chính hạn chế như DNNVV, CIC không ngừng phát triển các sản phẩm dịch vụ TTTD chất lượng cao, chi phí hợp lý, đạt chuẩn quốc tế để đáp ứng nhu cầu sử dụng của các đơn vị khai thác thông tin
CIC đề xuất các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng

Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh và Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) vừa tổ chức Tọa đàm “Cơ sở hạ tầng tài chính và sự phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam”.

Tham dự tọa đàm có ông Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh (HUB); ông Lê Anh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc CIC; bà Phạm Thị Thanh Huyền - Trưởng nhóm phát triển cơ sở hạ tầng tài chính Việt Nam và Campuchia, khối Tư vấn các định chế tài chính Châu Á và Thái Bình Dương, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) cùng đông đảo các giảng viên của HUB.

Nhân dịp này, ông Lê Anh Tuấn đã trình bày các nội dung liên quan đến trụ cột số 1 – Báo cáo tín dụng với sự phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tại Việt Nam. Với vai trò là trụ cột quan trọng trong hệ thống cơ sở hạ tầng tài chính quốc gia, hệ thống báo cáo tín dụng của CIC đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển của hệ thống ngân hàng nói chung, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói riêng. Cụ thể, các báo cáo TTTD đóng vai trò gián tiếp thúc đẩy tài trợ vốn cho DNNVV, hỗ trợ TCTD trong suốt chu kỳ tín dụng của khách hàng vay: từ khâu tìm kiếm khách hàng, phê duyệt tín dụng, quản lý sau cho vay và thu hồi nợ.

Theo số liệu thống kê, tại Việt Nam, khu vực DNNVV hiện chiếm khoảng 98% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, đóng góp tới 45% vào GDP, 31% vào tổng số thu ngân sách và thu hút hơn 5 triệu lao động, dư nợ khoảng gần 20%/tổng dư nợ nền kinh tế. Tuy nhiên, do những hạn chế về quản trị điều hành, tài sản đảm bảo, khả năng sinh lợi, quy định pháp lý liên quan về bảo vệ quyền lợi của bên cho vay, thông tin lịch sử tín dụng… nên trong 5 năm gần đây, số DNNVV tiếp cận tín dụng còn hạn chế, chỉ chiếm khoảng 21% DNNVV tiếp cận tín dụng từ các TCTD.

CIC đề xuất các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng

Với vai trò là một cơ quan TTTD công lập, CIC đề xuất 8 nhóm giải pháp liên quan đến hoạt động TTTD để tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng cho DNNVV như: nâng cao chất lượng kho dữ liệu TTTD, phát triển sản phẩm, ứng dụng công nghệ mới, giáo dục tài chính, trao đổi thông tin xuyên biên giới…

Để đảm bảo tính minh bạch trong thông tin, đồng thời góp phần hỗ trợ khả năng tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp và cá nhân vay vốn trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là các đối tượng hoạt động quy mô nhỏ và năng lực tài chính hạn chế như DNNVV, CIC không ngừng phát triển các sản phẩm dịch vụ TTTD chất lượng cao, chi phí hợp lý, đạt chuẩn quốc tế để đáp ứng nhu cầu sử dụng của các đơn vị khai thác thông tin, CIC tiếp tục duy trì thu thập ổn định các loại thông tin về dư nợ, hợp đồng tín dụng, tài sản bảo đảm, thẻ tín dụng, tài chính doanh nghiệp, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp từ các TCTD, đảm bảo chất lượng thông tin được duy trì, đều đạt từ trên 97% đến 100%. Để góp phần hỗ trợ khách hàng vay vốn nói chung, các DNNVV nói riêng, tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng, trong thời gian tới, CIC tiếp tục tập trung thúc đẩy minh bạch hóa thông tin tín dụng, nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu, độ phủ của thông tin, mở rộng cung cấp báo cáo tín dụng đến các khách hàng vay trên toàn quốc, tiếp nhận các phản hồi từ khách hàng vay về chất lượng thông tin tín dụng trong kho dữ liệu CIC; đẩy mạnh phổ cập kiến thức tài chính hiệu quả tới người dân và doanh nghiệp; kết nối cung - cầu tín dụng; cải thiện chỉ số chiều sâu và độ phủ thông tin tín dụng, góp phần nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng và môi trường kinh doanh.

Trong năm 2022, CIC đã luôn đảm bảo được sự an toàn, ổn định, đóng góp vào kết quả chung của ngành Ngân hàng, đặc biệt là các hoạt động góp phần hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong việc tiếp cận dịch vụ ngân hàng. CIC cũng thực hiện đôn đốc các TCTD gửi báo cáo về CIC theo quy định tại Thông tư số 01/2020/TT-NHNN, Thông tư số 03/2021/TT-NHNN và Thông tư số 14/2021/TT-NHNN (sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN) quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Kết quả trong năm 2022, CIC đã kiể̉m soát và cập nhật thông tin cho trên 1.211.000 khách hàng báo cáo theo Thông tư số 01, với tổng dư nợ quy đổi là trên 798.900 tỷ đồng. Bên cạnh đó, CIC tiếp tục mở rộng thu thập thông tin từ các bộ, ngành (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan thuế...) để nâng cao độ phủ và chiều sâu của kho dữ liệu. Trong năm, CIC đã cập nhật thông tin các doanh nghiệp từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bao gồm cập nhật 100% các thông tin thay đổi, cập nhật mới về doanh nghiệp (300.000 báo cáo tài chính doanh nghiệp; hàng triệu thông tin khách hàng có mua hàng trả chậm từ các doanh nghiệp bán lẻ...). Đặc biệt, CIC đã mở rộng thu thập TTTD của khách hàng từ tổ chức tự nguyện. Điều này tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng của người dân và doanh nghiệp, nhất là những khách hàng ở vùng sâu, vùng xa như vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi... Ngoài ra, trong năm 2022, CIC và C06 Bộ Công an đã thống nhất chọn phương án kết nối offline để làm sạch 51 triệu hồ sơ khách hàng trong kho dữ liệu CIC và phương án online qua API để làm sạch các hồ sơ phát sinh hằng tháng.

Các đại biểu tại buổi tọa đàm cũng được nghe đại diện IFC đã trình bày báo cáo về 02 trụ cột còn lại của cơ sở hạ tầng tài chính: Trụ cột về giao dịch bảo đảm, chế định về mất khả năng thanh toán, phá sản và phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án. Báo cáo của IFC là mảnh ghép cuối cùng mang lại bức tranh toàn cảnh về cơ sở hạ tầng tài chính tại Việt Nam, vai trò của từng trụ cột đối với hoạt động của DNNVV, những tồn tại, hạn chế cũng như một số khuyến nghị (dưới góc độ ngành Ngân hàng, cơ quan lập pháp cũng như từ phía các DN) để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng cho DNNVV tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Đức Trung-Hiệu trưởng HUB nhấn mạnh, các báo cáo sẽ là nguồn thông tin hữu ích cho hoạt động giảng dạy, nghiên cứu của các giảng viên tại Trường. Tọa đàm là cơ hội để trao đổi, thảo luận cũng như đưa ra các kiến nghị, đề xuất thiết thực, qua đó có giải pháp, chính sách kịp thời hỗ trợ cho sự phát triển của DNNVV trong bối cảnh hiện nay.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/cic-de-xuat-cac-giai-phap-tang-cuong-kha-nang-tiep-can-tin-dung-139631.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.