![]() | Sửa nguyên tắc lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội theo hình thức đấu thầu |
![]() | Bổ sung thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án sử dụng vốn ODA |
Dự án bức thiết vẫn nằm chờ
Những ngày qua, nước sông Cẩm Lệ, Đà Nẵng xảy ra hiện tượng xâm nhập mặn, độ mặn tại cửa thu của Nhà máy nước Cầu Đỏ tăng cao so với thời điểm bình thường, có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn cấp nước của thành phố trong mùa hè này. Một trong những nguyên nhân khiến Đà Nẵng đứng trước nguy cơ thiếu nước là do sự chậm trễ đưa vào vận hành Nhà máy nước Hòa Liên. Mặc dù cách đây hơn 1 tháng (29/3/2023), UBND Đà Nẵng đã tổ chức lễ khánh thành.
Nhà máy nước Hòa Liên, lấy nguồn nước từ sông Cu Đê (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang), đây là giải pháp để tránh phụ thuộc vào nguồn nước sông Cẩm Lệ như hiện nay. Dự án nhà máy nước Hòa Liên có tổng vốn đầu tư từ ngân sách 1.170 tỷ đồng, công suất 120.000 m3/ngày đêm. Tuy nhiên kể từ khi khánh thành đến nay, nhà máy nước này vẫn chưa đi vào hoạt động được. Theo báo cáo của các sở, ngành là do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác vận hành. Cụ thể, đây là dự án có nguồn vốn đầu tư công nên phải giao cho đơn vị quản lý là Trung tâm Quản lý hạ tầng đô thị thuộc Sở Xây dựng, đơn vị này vừa được thành phố bổ sung chức năng cung cấp nước sạch cuối năm 2022 nên chưa có kinh nghiệm vận hành nhà máy nước. Ngoài ra, Nhà máy nước Hòa Liên cũng đang vướng về đơn giá nước. Dự kiến đơn giá nước sẽ được tạm tính theo giá của Nhà máy nước Cầu Đỏ (Công ty cổ phần Cấp nước Đà Nẵng - Dawaco), tuy nhiên chi phí vận hành của các nhà máy nước khác nhau, hiện chưa thống nhất được công suất vận hành phù hợp cho Nhà máy nước Hòa Liên để đảm bảo thu chi...?
Điều đáng nói, Nhà máy nước Hòa Liên là dự án trọng điểm, mang tính cấp bách để giải quyết nhu cầu nước sinh hoạt cho thành phố, cần phải đầu tư công. Nhưng, khi xây dựng xong vào tháng 3/2022, nhà máy nước này không biết bàn giao cho đơn vị nào quản lý, vận hành. Bởi lẽ Ban quản lý dự án thì đã hoàn thành nhiệm vụ còn Dawaco thì đã cổ phần hóa, không thể quản lý, vận hành nhà máy nước vì là tài sản công. Để tháo gỡ vướng mắc, cuối năm 2022, Chủ tịch UBND Đà Nẵng đã bổ sung nhiệm vụ để Trung tâm Quản lý hạ tầng đô thị thuộc Sở Xây dựng có chức năng cấp nước sạch, từ đó có thể quản lý, vận hành Nhà máy nước Hòa Liên.
Mặc dù vậy, những vướng mắc khác lại phát sinh, đó là đội ngũ nhân lực có kinh nghiệm vận hành, đơn giá, công suất khai thác của nhà máy. Hiện tại hệ thống đường ống phân phối nước sinh hoạt từ các nhà máy nước tới người sử dụng là tài sản do Dawaco vận hành, khai thác. Dawaco cũng đã đầu tư các nhà máy nước, nâng công suất nhà máy hiện có, đảm bảo cung ứng đủ nước sinh hoạt cho khách hàng. Do vậy, công suất khai thác của Nhà máy nước Hòa Liên khi hòa vào hệ thống phân phối của Dawaco cũng phải hài hòa. Hiện đơn vị vận hành Nhà máy nước Hòa Liên đưa ra phương án khai thác với công suất 60.000m3/ngày đêm trong khi phương án của Dawaco là 30.000m3/ngày đêm, do đó chưa thống nhất được công suất khai thác của của nhà máy. Ngoài ra, vướng mắc về đơn giá cũng là nguyên nhân khiến Nhà máy nước Hòa Liên chậm vận hành, khai thác. Để nhà máy không tiếp tục “nằm chờ” sau khi khánh thành, đơn giá nước sẽ được tạm tính theo đơn giá của Dawaco. Tuy vậy, chi phí vận hành của các nhà máy nước khác nhau, do đó khi Nhà máy nước Hòa Liên vận hành với công suất thấp, nguồn thu sẽ không đủ bù chi?
![]() |
Nhà máy nước Hòa Liên vẫn chưa đi vào hoạt động mặc dù Đà Nẵng đang đứng trước nguy cơ thiếu nước? |
Một chuyên gia kinh tế đã nêu quan điểm: Rõ ràng, để các dự án đầu tư công thực sự phát huy hiệu quả, ngoài việc xác định nhu cầu bức thiết đầu tư, đẩy nhanh tiến độ, cần dự lường được những vướng mắc phát sinh, có giải pháp kịp thời tháo gỡ, đồng thời có phương án vận hành, khai thác chủ động, hiệu quả.
Bao giờ hết vướng mắc?
Để giải quyết nhu cầu bức thiết về môi trường, cung cấp nước sạch, không gian phát triển công nghiệp, công nghệ thông tin… Đà Nẵng đã thông qua chủ trương đầu tư nhiều công trình, dự án có nguồn vốn rất lớn từ ngân sách. Tuy vậy vì nhiều vướng mắc các dự án chưa thể đưa vào khai thác như kế hoạch.
Dự án Công viên phần mềm số 2 (giai đoạn 1) được xem có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển công nghệ thông tin (CNTT), là lĩnh vực mũi nhọn, tạo động lực phát triển kinh tế Đà Nẵng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách khá lớn. Theo thiết kế, dự án gồm khối nhà văn phòng ICT 20 tầng (hơn 26 ngàn m2 sàn); 2 khối nhà 8 tầng tổng diện tích sàn hơn 67 ngàn m2 cùng hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng cho khoảng 6 ngàn vị trí làm việc trực tiếp về CNTT, công nghệ số. Dự án được khởi công tháng 10/2020, tuy nhiên sau khởi công xây lắp chưa được bao lâu thì phải làm thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, tăng vốn đầu tư từ hơn 700 tỷ đồng lên gần 900 tỷ đồng. Đến tháng 6/2022 khi khối lượng thi công gói thầu đạt 96% thì phải dừng do vướng mắc theo Báo cáo kết quả kiểm toán Nhà nước. Đến đầu năm 2023, Đà Nẵng có công văn báo cáo Thủ tướng xin phép cho thành phố được phối hợp các bộ ngành liên quan sửa đổi, bổ sung một số điều trong nghị định quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý với Đà Nẵng. Mục đích để tháo gỡ vướng mắc, sớm đưa dự án Công viên phần mềm số 2 vào sử dụng, tránh kéo dài gây lãng phí cho ngân sách nhà nước.
Năm 2018 Đà Nẵng đã triển khai đầu tư Cụm công nghiệp (CCN) Cẩm Lệ giai đoạn I (29 ha) tổng vốn 250 tỷ đồng. Trong quá trình thi công dự án rất chậm trễ, tới giữa năm 2022 mới hoàn thành xây dựng. Tuy nhiên, cho tới nay, CCN này vẫn chưa được đưa vào khai thác, chưa DN nào tiếp cận được mặt bằng sản xuất. Trong khi đó, thống kê cho thấy, Đà Nẵng hiện có gần 900 cơ sở muốn di dời vào CCN với nhu cầu sử dụng diện tích gần 200 ha. Vì sao dự án đã làm xong hạ tầng, DN mong muốn được thuê mặt bằng sản xuất, nhưng dự án vẫn “treo”? Vướng mắc lớn nhất là do dự án đầu tư bằng vốn ngân sách nên việc giao cho đơn vị nào quản lý, cơ chế vận hành, kinh doanh như thế nào để từ đó có cơ sở giao đất, cho thuê đất với DN sản xuất vẫn đang bị động? Tương tự, dự án Trạm trung chuyển rác thải đường Lê Thanh Nghị với tổng vốn hơn 170 tỷ đồng được đầu tư bằng ngân sách đã xây dựng hoàn thành hơn một năm nay, song vẫn chưa đưa vào vận hành, khai thác chính thức. Theo chủ đầu tư, đây là dự án lần đầu triển khai tại Đà Nẵng do đó cơ chế vận hành, khai thác thử nghiệm vẫn còn nhiều lúng túng.
Dư luận không khỏi đặt câu hỏi: Vì sao nhiều dự án trọng điểm mang tính bức thiết ở Đà Nẵng trong quá trình đầu tư đã chậm tiến độ, thì nay dù đã hoàn thành vẫn chưa thể vận hành, khai thác? Thành phố cần sớm có giải pháp tháo gỡ những vướng mắc để vận hành các dự án, nhằm tránh lãng phí, làm giảm hiệu quả đầu tư từ nguồn vốn ngân sách và cũng là tiền đóng thuế của người dân?
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/du-an-hoan-thanh-loay-hoay-co-che-van-hanh-139241.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.