Lạm phát ở Tokyo tăng tốc trước cuộc họp chính sách đầu tiên của tân Thống đốc BOJ
10:38 | 28/04/2023
Lạm phát ở Tokyo bất ngờ tăng tốc trở lại, cao hơn dự báo, trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) chuẩn bị công bố dự báo lạm phát mới nhất tại cuộc họp chính sách tiền tệ đầu tiên của Thống đốc Kazuo Ueda.
![]() |
Chỉ số giá tiêu dùng không bao gồm thực phẩm tươi sống đã tăng 3,5% so với cùng kỳ tại Tokyo trong tháng Tư, tăng tốc so với mức 3,2% của tháng Ba, do giá thực phẩm chế biến tiếp tục tăng, theo dữ liệu Bộ Nội vụ Nhật Bản công bố hôm thứ Sáu. Các nhà kinh tế đã dự đoán mức lạm phát tháng Tư của Nhật Bản sẽ tương tự tháng Ba. Trước đó, lạm phát của Nhật Bản đã có 2 tháng giảm.
Lạm phát ở Tokyo là một chỉ số tiêu biểu cho xu hướng toàn quốc.
Kết quả công bố hôm nay cho thấy lạm phát vẫn nóng, ngay cả sau khi chính phủ Nhật Bản duy trì chính sách kiềm chế giá điện. Số liệu chính thức công bố hôm nay cũng cao hơn lạm phát mục tiêu 2% của BOJ, và tình trạng này cũng đã kéo dài trong 11 tháng liên tiếp. CPI không bao gồm thực phẩm tươi sống và năng lượng cũng tiếp tục tăng tốc, làm dấy lên lo ngại rằng BOJ có thể đã đánh giá thấp sức mạnh lạm phát.
Ueda, người chuẩn bị kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày đầu tiên của mình trong thời gian ngắn, cho biết trước quốc hội hôm thứ Hai rằng lạm phát dự kiến sẽ hạ nhiệt xuống dưới 2% vào cuối năm tài chính này.
![]() |
Những người theo dõi BOJ đều dự đoán rằng tân Thống đốc sẽ không thay đổi nhiều định hướng chính sách hiện nay trong cuộc họp đầu tiên của ông ấy, khiến lãi suất và chương trình mua tài sản không thay đổi.
Bản thân ông Ueda gần đây đã nói rằng việc tiếp tục nới lỏng tiền tệ, bao gồm chương trình kiểm soát đường cong lợi suất, là phù hợp khi xem xét diễn biến kinh tế và lạm phát hiện tại.
Dự báo về triển vọng lạm phát của BOJ trong những năm tới là mối quan tâm hàng đầu của những người theo dõi thị trường. Trong đó, dự báo chỉ số giá tiêu dùng cho năm tài chính 2025 sẽ lần đầu tiên được công bố tại cuộc họp tới đây của BOJ.
Khi BOJ tăng cường các chính sách kích thích kinh tế và chấp nhận lạm phát vượt mục tiêu, việc tăng lương đã không đi kèm theo. Lý do lạm phát cao phần lớn là vì chi phí chứ không phải nhu cầu. Tiền lương thực tế đã giảm 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng Hai, do tiền lương không theo kịp giá cả.
Dữ liệu cũng cho thấy thị trường lao động tiếp tục suy yếu trong tháng 3, với tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 2,8%. Tỷ lệ tuyển dụng việc làm trên số người nộp đơn cũng giảm xuống còn 1,32, nghĩa là cứ 100 người nộp đơn thì có 132 việc làm được cung cấp, một dấu hiệu cho thấy tiền lương có thể khó cải thiện hơn nữa.
Trong khi giá năng lượng được kìm hãm bởi gói kích thích của Thủ tướng Fumio Kishida, các nhu yếu phẩm khác tiếp tục tăng giá. Giá loại trừ tác động từ năng lượng và thực phẩm tươi sống, CPI tăng 3,8% so với cùng kỳ trong tháng 4, cao nhất kể từ năm 1982.
Các dữ liệu khác cho thấy sản xuất công nghiệp của Nhật Bản đã tăng tháng thứ hai liên tiếp trong tháng Ba, tăng 0,8% so với tháng trước đó. Kết quả này có thể giúp nâng tổng sản phẩm quốc nội của nước này trong quý I.
Một báo cáo khác cho thấy doanh số bán lẻ tăng 0,6% so với tháng trước trong tháng Ba, đánh dấu 4 tháng tăng trưởng liên tiếp. Chi tiêu đã được thúc đẩy một phần bởi sự phục hồi nhu cầu trong nước. Số lượng khách du lịch nước ngoài đã tăng lên khoảng 1,8 triệu vào tháng Ba, cao hơn gần 30 lần so với con số của năm ngoái, do trong mùa hoa anh đào nở và hoạt động du lịch được nối lại.
M.Hồng