![]() | Open banking thêm tính năng giúp chủ điểm bán quản lý doanh thu hiệu quả |
![]() | Để chuyển đổi số hiệu quả, then chốt là đào tạo nhân lực |
![]() | Để doanh nghiệp khởi nghiệp gọi vốn hiệu quả |
Kiến tạo không gian, cơ hội phát triển mới
Ngày 9/1/2023, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 81/2023/QH15 về QHTTQG thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là lần đầu tiên một QHTTQG được xây dựng ở nước ta và được lập cho 10 năm (trước đây chỉ có chiến lược phát triển KT-XH của cả nước), vừa mang tính tổng thể, vừa mang tính chiến lược, bao trùm mọi lĩnh vực KT-XH. Vì thế, QHTTQG là một bước có ý nghĩa rất quan trọng thể hiện tư duy mới, tầm nhìn mới trong kiến tạo không gian, cơ hội phát triển mới, tạo nên những giá trị mới cho nền kinh tế trong giai đoạn 10 năm tới. Việc ban hành và tổ chức thực hiện tốt QHTTQG thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 sẽ góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển KT-XH 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tại Hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh QHTTQG là căn cứ pháp lý, công cụ quan trọng giúp Nhà nước hoạch định, kiến tạo động lực, không gian phát triển, bảo đảm tính kết nối đồng bộ giữa quy hoạch cấp quốc gia với quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của đất nước để phát triển KT-XH nhanh, bao trùm và bền vững; giúp đẩy nhanh việc thực hiện đột phá chiến lược về phát triển hạ tầng; đồng thời loại bỏ các quy hoạch chồng chéo, cản trở phát triển, gây khó khăn cho việc huy động các nguồn lực của doanh nghiệp và người dân; phát huy tối đa các nguồn lực trong hoạt động đầu tư và phát triển của cả đất nước, của từng vùng và từng địa phương với tầm nhìn dài hạn, tổng thể. Quan trọng nhất là sau khi các quy hoạch được phê duyệt, phải có các dự án, đề án cụ thể, bố trí nguồn lực để thực hiện, mang lại hiệu quả “cân đong đo đếm được”, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Chính vì vậy, Thủ tướng đã nhấn mạnh 10 nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới để triển khai QHTTQG, bao gồm: Quán triệt nội dung của QHTTQG để thực hiện trong từng bộ, ngành, địa phương và cơ quan có liên quan; Ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện có hiệu quả QHTTQG; Xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách; Bố trí không gian phát triển để thu hút nguồn lực đầu tư; Phát triển nguồn nhân lực; Chăm lo công tác an sinh xã hội; Tập trung cho khoa học, công nghệ và môi trường; Cơ cấu các nguồn lực tài chính thực hiện quy hoạch; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế; Bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Bố trí nguồn lực và cơ chế, chính sách để thực hiện
Trong đó, nhiệm vụ trước tiên là phải quán triệt nội dung của QHTTQG để thực hiện trong từng cơ quan, đơn vị; rà soát, cập nhật và cụ thể hóa các nội dung của QHTTQG vào các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch cấp tỉnh đã phê duyệt hoặc đang thẩm định, đang lập, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của các cấp quy hoạch. Trên tinh thần này, Thủ tướng chỉ đạo Bộ KH&ĐT sớm hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện QHTTQG của Chính phủ để phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương và cơ quan có liên quan.
![]() |
QHTTQG là căn cứ quan trọng giúp Nhà nước hoạch định, kiến tạo không gian phát triển quốc gia |
Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu ưu tiên bố trí các nguồn lực để thực hiện có hiệu quả QHTTQG, nhất là tập trung nguồn vốn thực hiện các chương trình, dự án quan trọng quốc gia; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án quan trọng quốc gia đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư; làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư để triển khai các dự án theo Nghị quyết số 81 trên cơ sở phải đảm bảo các nguyên tắc: Đảm bảo tính đồng bộ, liên kết, thống nhất, không chồng lấn, mâu thuẫn giữa các chương trình, dự án của các ngành, các địa phương; Phân bổ nguồn lực có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với khả năng huy động nguồn vốn.
Về các cơ chế, chính sách để thực hiện, cần xây dựng theo hướng tăng cường phân cấp huy động, sử dụng nguồn lực đầu tư ở Trung ương và địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương cùng đầu tư ngân sách vào các hạ tầng dùng chung, hạ tầng liên kết vùng, các công trình hạ tầng kết nối giữa các trung tâm phát triển của địa phương với hệ thống hạ tầng quốc gia. Xây dựng cơ chế, chính sách phát triển các vùng động lực, phát triển các hành lang kinh tế ưu tiên; cơ chế, chính sách ưu đãi, đầu tư và khai thác có hiệu quả các khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, các trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Xây dựng chính sách hỗ trợ, nâng cao năng lực cơ sở đào tạo các ngành ưu tiên gắn với ứng dụng công nghệ tiên tiến, các ngành khoa học nền tảng cho phát triển khoa học, công nghệ; chính sách ưu đãi để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành ưu tiên trong các vùng động lực...
Để triển khai thực hiện có hiệu quả, thực chất, toàn diện QHTTQG, Thủ tướng yêu cầu, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 81 tới đây, các bộ, ngành, địa phương phải khẩn trương xây dựng, ban hành Kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ được giao chủ trì, trình cấp có thẩm quyền theo đúng thời hạn yêu cầu. Thủ tướng nhấn mạnh: Việc làm quy hoạch đã khó, nhưng tổ chức thực hiện còn khó hơn nữa. Việc triển khai và thực hiện thắng lợi các mục tiêu, yêu cầu của QHTTQG là nhiệm vụ rất nặng nề, khó khăn và cần quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả của các cấp chính quyền
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/quy-hoach-tong-the-quoc-gia-can-do-dem-duoc-ve-hieu-qua-138538.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.