Tại Hội nghị Phát triển Bền vững 2023 do Forbes Việt Nam tổ chức, bà Đặng Huỳnh Ức My, Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC AgriS) chia sẻ, là một doanh nghiệp nông nghiệp, TTC AgriS hiện sở hữu hơn 68.000 ha vùng nguyên liệu ở 4 quốc gia Việt Nam, Lào, Campuchia và Úc, cung cấp hơn 1 triệu tấn đường thành phẩm ra thị trường trong nước và quốc tế mỗi năm. Vì vậy, công ty nhận thức rõ về yêu cầu chất lượng của các sản phẩm, ngoài việc đảm bảo an toàn cho sức khỏe, còn phải được sản xuất với tác động tối thiểu đến môi trường.
Đây cũng là lý do TTC AgriS luôn nhất quán trong tư duy phát triển bền vững khi xây dựng chiến lược kinh doanh “xanh” làm nền tảng, tạo vị thế cạnh tranh và tạo đà cho tham vọng mở rộng thị trường quốc tế. Công ty tập trung phát triển và hoàn thiện chuỗi giá trị cây trồng (mía, dừa, cây ăn trái…); chuyển đổi mô hình canh tác sang hướng hữu cơ, tối ưu hóa giá trị cây trồng khi tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu từ các phế phụ phẩm trong quá trình sản xuất, ưu tiên sử dụng các nguyên liệu sinh khối (biomass, biofuel…); hạn chế phát thải nhà kính, chủ động nghiên cứu và áp dụng giải pháp ong mắt đỏ phòng trừ sâu bệnh từ thiên địch, không gây tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên nông sản.
![]() |
Kiểm kê khí nhà kính cũng là điều kiện để doanh nghiệp Việt tham gia thị trường cac-bon cả trong và ngoài nước |
“Mục tiêu của TTC AgriS là thúc đẩy sự phát triển của nền nông nghiệp hiện đại song song với bảo vệ môi trường, đáp ứng các tiêu chí ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) và điều này không nằm ngoài xu hướng đầu tư bền vững của thế giới. Chiến lược “kinh doanh xanh” là “sợi chỉ đỏ” để dẫn dắt TTC AgriS trở thành “Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển bền vững”, tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu, với lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế thông qua việc tích hợp các vấn đề ESG vào quá trình quản trị, vận hành”, bà Ức My cho biết thêm.
Theo nhận định của các chuyên gia, cùng với phát triển kinh tế, đời sống vật chất và tinh thần được nâng cao, cũng diễn ra các vấn đề tiêu cực như mất cân bằng tự nhiên, biến đổi khí hậu, ô nhiễm ở các đô thị lớn, rác thải không được xử lý làm ảnh hưởng đến môi trường. Chính vì vậy, sự phồn vinh, tăng trưởng, phát triển của một quốc gia còn phải được thể hiện qua bền vững của xã hội, cân bằng môi trường và hệ sinh thái.
Số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, mỗi năm Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó hơn một nửa thải ra biển. Hiện đến 90% rác thải nhựa được xử lý theo cách chôn, lấp hoặc đốt, chỉ 10% được tái chế, trong khi đó, một ống hút nhựa có thể phải mất tới 200 năm để phân hủy hoàn toàn. Đã có nhiều giải pháp được đưa ra, trong đó tái chế và cắt giảm là phương pháp bền vững hướng đến mục tiêu để lại hành tinh xanh cho thế hệ tương lai.
Thời gian qua, sau cam kết “net zero” vào năm 2050 của Chính phủ Việt Nam tại COP-26 và các hiệp định thương mại (FTA) thế hệ mới, việc phát triển bền vững ngày càng được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm. Ông Denis Depoux, Tổng giám đốc toàn cầu Công ty tư vấn Roland Berger cho rằng, các tác động tiêu cực và không thể đảo ngược của biến đổi khí hậu tới nền kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng đang đặt ra cấp bách, nếu không nỗ lực chung tay và hành động quyết liệt, kịp thời thì hậu quả sẽ khó có thể khắc phục được. Nhất là đối với lộ trình cắt giảm khí gây hiệu ứng nhà kính, việc giảm thiểu khí thải cac-bon không chỉ cần sự tham gia hành động của các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có mức độ phát thải cao mà còn phải có sự đóng góp vì mục tiêu chung của cả cộng đồng.
Bàn về vấn đề này, bà Đặng Hồng Hạnh, Tổng giám đốc Energy Environment Climate khẳng định, sắp tới việc tuân thủ quy định pháp luật về kiểm kê khí nhà kính cũng là điều kiện để doanh nghiệp Việt tham gia thị trường cac-bon cả trong và ngoài nước. Theo đó, khi tham gia vào thị trường này, doanh nghiệp sẽ được thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ “tín chỉ cac-bon” và được đầu tư, kinh doanh hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ cac-bon trên thị trường quốc tế.
Thực tế, thời gian gần đây các mục tiêu tăng trưởng xanh đã được cụ thể hóa bằng các quy định, tiêu chí trong nhiều Hiệp định thương mại thế hệ mới (FTA) song phương và đa phương mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Điều này khẳng định mạnh mẽ rằng, tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế cac-bon thấp, kinh tế số không chỉ là xu hướng lâu dài mà chính là nhu cầu tất yếu và cấp thiết đang đặt ra trong thực tiễn hiện nay. Nếu nền kinh tế của Việt Nam chậm “xanh hóa” thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ bỏ lỡ những cơ hội hợp tác, phát triển quốc tế và khó có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/can-bang-giua-phat-trien-kinh-te-va-trach-nhiem-xa-hoi-138254.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.