Cải cách thủ tục hành chính: Mở đường cho “tăng tốc”
08:55 | 06/04/2023
Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, sẽ tiếp tục rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hoá quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, loại bỏ các quy định không cần thiết, không còn phù hợp; tiếp tục thực hiện số hoá hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo đúng quy định…
![]() | Cải cách hành chính: Tạo động lực đổi mới phát triển kinh tế |
![]() | Phân cấp giải quyết thủ tục hành chính trong hoạt động ngân hàng |
![]() | Thủ tục hành chính mới về hoạt động tiền tệ |
Thủ tục vẫn “rối như tơ vò”
Thời gian vừa qua, Chính phủ và các bộ ngành đã có rất nhiều nỗ lực nhằm đơn giản hóa các thủ tục xuất nhập khẩu, gỡ bỏ các hàng rào thuế quan và tăng cường tính minh bạch trong chính sách thương mại, đồng thời thiết lập các cơ chế để giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Tuy vậy, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện các chính sách.
Dành nhiều tâm huyết để giải quyết nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp nhưng ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Lê Thành cho biết, doanh nghiệp mất nhiều thời gian nhất vào việc làm thủ tục chấp thuận đầu tư (một dự án của công ty đã 3 năm vẫn chưa xong thủ tục này). Với các dự án nhà ở xã hội, theo quy định được miễn 100% tiền sử dụng đất nhưng thay vì khẩn trương quyết định, cơ quan chức năng phải mất thêm thời gian tính toán số tiền sử dụng doanh nghiệp phải nộp rồi mới ra quyết định miễn.
![]() |
Ảnh minh họa |
Tương tự, trong ngành chế biến xuất khẩu điều, chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) không phải là chứng từ bắt buộc trong bộ hồ sơ xuất khẩu, chỉ có một số khách hàng có yêu cầu, doanh nghiệp mới tiến hành làm thủ tục xin cấp. Nhưng khi tiến hành, một số doanh nghiệp trong ngành này cho biết, việc cấp C/O vẫn còn tốn nhiều thời gian và phức tạp.
Trong khi đó, các doanh nghiệp nước ngoài cũng đang gặp vướng mắc về thủ tục gia hạn giấy phép lao động cho người nước ngoài.
Bà Đặng Tuyết Vinh, Trưởng phòng chính sách thuộc Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) chia sẻ, theo quy định doanh nghiệp chỉ mất hơn 10 ngày để xin giấy phép cho người lao động nước ngoài tại Việt Nam, nhưng thực tế có thể mất tới hơn 2 tháng để hoàn tất thủ tục này. Ngoài ra, một số doanh nghiệp còn gặp vướng mắc trong việc giải trình nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài bao gồm các giấy tờ chứng minh nhu cầu sử dụng, kế hoạch đào tạo, thông báo tuyển dụng; các khó khăn trong việc bằng cấp phải phù hợp với công việc dự kiến làm việc và các vấn đề khác như thị thực, thẻ tạm trú…
Không chỉ vậy, theo khảo sát mới đây của VCCI trong giai đoạn 2020-2022, khoảng 38% doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn khi tìm hiểu thông tin thủ tục hành chính; trong đó doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), doanh nghiệp quy mô lớn và hoạt động lâu năm đều phản ánh việc tìm hiểu thủ tục hành chính còn nhiều khó khăn; khoảng 24% doanh nghiệp phản ánh tình trạng quy định hoặc chính sách pháp luật thay đổi thường xuyên gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh; các thủ tục hải quan thiếu nhất quán và sự phối hợp thiếu đồng bộ giữa các cơ quan gây ra những khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện nghĩa vụ thuế…
Khơi thông những điểm nghẽn
Trước những vấn đề trên, đại diện một doanh nghiệp bày tỏ, nếu các thủ tục đầu tư, giấy phép kinh doanh được xử lý nhanh chóng, việc sử dụng chính phủ điện tử được tiến hành nhất quán; các bộ, ngành có thêm nhiều nỗ lực đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn trong thực thi chính sách và thực hiện thủ tục hành chính thì doanh nghiệp sẽ an tâm hoạt động và tiếp tục đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh hơn nhiều.
Trong bối cảnh này, theo các chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường tiếp cận đối tượng tham gia kinh doanh để có cái nhìn tổng quan về những khó khăn về thủ tục hành chính gặp phải và cùng nhau tìm ra những giải pháp để giải quyết vấn đề. Đồng thời, giảm thiểu thời gian và các sai sót trong xử lý thủ tục, tăng cường tính minh bạch; thủ tục hành chính mới ban hành cần phải đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện. Về lâu dài, cần cải cách thể chế vững chắc để biến các ưu tiên phát triển thành các hành động cụ thể; bảo đảm sự minh bạch, công bằng, hiệu quả trong thực thi chính sách nhằm củng cố niềm tin và tạo động lực cho người dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, sẽ tiếp tục rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hoá quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, loại bỏ các quy định không cần thiết, không còn phù hợp; tiếp tục thực hiện số hoá hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo đúng quy định… Đảm bảo đến năm 2025, cắt giảm, đơn giản hoá ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành.
Đặc biệt, cuối tháng 3 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký Văn bản số 165/TTg-KSTT gửi Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc cắt giảm quy định kinh doanh, phân cấp giải quyết thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ để cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Trong đó, Phó Thủ tướng yêu cầu cắt giảm các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền ban hành và kịp thời xử lý, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp trên địa bàn, không được đùn đẩy, kéo dài làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh tại địa phương; xử lý nghiêm cán bộ, công chức có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công phục vụ doanh nghiệp, người dân.
Khánh Tiên