UBS mua lại Credit Suisse
Hôm Chủ nhật vừa qua (19/3), UBS - ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ đã đồng ý mua lại Credit Suisse - ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sĩ với giá 3 tỷ franc Thụy Sĩ (3,2 tỷ USD). Chính phủ Thụy Sĩ cho biết họ sẽ cung cấp hơn 9 tỷ USD để bù đắp một số tổn thất mà UBS có thể phải gánh chịu khi mua lại Credit Suisse. Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ cũng cung cấp hơn 100 tỷ USD thanh khoản cho UBS để tạo thuận lợi cho thỏa thuận.
Credit Suisse đã phải vật lộn với nhiều khó khăn sau nhiều năm thua lỗ cùng các vụ bê bối. Chỉ tính riêng ba tháng cuối năm 2022, khách hàng đã rút 110 tỷ USD từ nhà băng này và họ vẫn đang cố gắng khắc phục. Tuy nhiên, khó khăn càng thêm chồng chất sau sự sụp đổ của hai ngân hàng Mỹ là Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank (SB). Ngay cả khoản cứu trợ 54 tỷ USD từ Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ cũng không cứu vãn được tình hình và sự đổ vỡ của Credit Suisse đã được báo trước.
![]() |
Việc sáp nhập Credit Suisse vào UBS đã ngăn chặn một cuộc khủng hoảng lớn hơn đối với hệ thống ngân hàng toàn cầu, qua đó phần nào củng cố niềm tin của các nhà đầu tư. Thông báo về việc UBS tiếp quản Credit Suisse, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ cho biết cuộc giải cứu này sẽ “đảm bảo sự ổn định tài chính và bảo vệ nền kinh tế Thụy Sĩ”.
Trước đó, nhiều ngân hàng lớn của Mỹ cũng đã cung cấp một gói cứu trợ lên tới 30 tỷ USD để ngăn chặn sự đổ vỡ của First Republic Bank vốn đang gặp nhiều khó khăn sau sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank (SB). Trong những cái tên tham gia vào gói cứu trợ này có JPMorgan Chase & Co, Citigroup Inc, Bank of America Corp, Wells Fargo & Co, Goldman Sachs và Morgan Stanley…
Reuters dẫn một nguồn tin quen thuộc cho biết, động thái giải cứu này diễn ra dưới sự dàn xếp của các nhà môi giới quyền lực hàng đầu bao gồm Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, Chủ tịch Fed Jerome Powell và Giám đốc điều hành JPMorgan Chase Jamie Dimon.
Các nhà phân tích cho biết, các nhà chức trách có vẻ mong muốn nhanh chóng giải quyết các rủi ro hệ thống. Sự vào cuộc nhanh chóng của các nhà quản lý cũng góp phần củng cố niềm tin của thị trường.
Các NHTW phối hợp hành động
Đặc biệt hôm 19/3, Fed và một loạt các NHTW lớn như NHTW Canada, NHTW Anh, NHTW Nhật Bản, NHTW châu Âu và NHTW Thụy Sĩ đã thông qua thỏa thuận hoán đổi USD nhằm hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống tài chính toàn cầu. Đặc biệt, để cải thiện hiệu quả hoạt động hoán đổi tiền tệ bằng đồng USD, các NHTW đã nhất trí tăng tần suất hoạt động hoán đổi USD kỳ hạn 7 ngày từ hàng tuần sang hàng ngày.
Theo các chuyên gia, động thái này đóng vai trò hỗ trợ thanh khoản cực kỳ quan trọng để xoa dịu căng thẳng trên thị trường vốn toàn cầu, từ đó giảm thiểu tác động tới nguồn cung tín dụng cho hộ gia đình và doanh nghiệp.
Các nhà hoạch định chính sách từ Washington đến châu Âu đã nhiều lần nhấn mạnh rằng tình trạng bất ổn hiện nay khác với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 15 năm trước. Theo đó, hiện sức khỏe của hệ thống ngân hàng tốt hơn sau khi các quy định về an toàn vốn được siết chặt hơn sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Bên cạnh đó, theo các nhà hoạch định chính sách, khả năng tiếp cận các nguồn cứu trợ của hệ thống ngân hàng hiện cũng tốt hơn và những ví dụ trên là một minh chứng rõ nét.
Việc ECB quyết định tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản mà nguyên nhân một phần cũng do niềm tin vào khả năng chống chịu rủi ro của hệ thống ngân hàng trong khu vực. Phát biểu tại buổi họp báo sau quyết định tăng lãi suất, Chủ tịch ECB Christine
Lagarde cho biết: “Tôi nghĩ rằng lĩnh vực ngân hàng hiện đang ở vị thế vững chắc hơn rất nhiều so với hồi năm 2008”, đồng thời dẫn ra vị thế vốn và thanh khoản đã được cải thiện kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 15 năm trước.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng khó có khả năng xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính như thời điểm năm 2008. “Có nhiều tin tốt hơn là tin xấu trong lĩnh vực ngân hàng”, Art Hogan - Chiến lược gia trưởng thị trường tại B. Riley Wealth cho biết. “Đầu tiên và quan trọng nhất, việc sáp nhập Credit Suisse vào UBS chắc chắn sẽ lấy đi rất nhiều căng thẳng ra khỏi hệ thống ngân hàng toàn cầu”.
Hiện sự chú ý của các nhà đầu tư đang hướng sang cuộc họp chính sách tháng 3 của Fed. Hiện các thương nhân đã tăng đặt cược rằng Fed sẽ tạm dừng chu kỳ tăng lãi suất vào thứ Tư để cố gắng đảm bảo sự ổn định tài chính.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/rui-ro-tren-thi-truong-tai-chinh-da-diu-bot-137396.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.